ĐB Lê Thanh Vân phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội (ảnh Như Ý) |
Chiều 25/5, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội, ĐB Lê Thanh Vân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách bày tỏ sự lo lắng khi chất lượng cán bộ ngày càng có vấn đề. Đặc biệt là tình trạng “cả nhà làm quan”, “bổ nhiệm thân hữu” khiến bộ máy không có người tài.
“Báo cáo với các đại biểu là nếu trước đây người dân thường phản ánh thực trạng bổ nhiệm cán bộ theo kiểu: Thứ nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ và thứ tư là trí tuệ, thì giờ đây người ta lại nói là “đồ đệ” đã thay trí tuệ ở vị trí thứ tư” nên người tài không còn cửa vào bộ máy”, ông Vân phản ánh.
Cũng theo ông Vân, chất lượng bộ máy dù đã được thực hiện cải cách nhiều nhưng nhìn chung vẫn còn quá cồng kềnh. “Vừa rồi có người nói 50% cán bộ, công chức là ngồi chơi xơi nước. Trong khi đó, bộ máy của chúng ta cứ bóp chết thì lại phình dưới, rất bất cập”, ông Vân nói.
Theo ông Vân, hiện nay chức năng nhiệm vụ của nhiều bộ ngành vẫn chồng lấn. Ví dụ như việc dự báo tăng trưởng không chỉ bộ KH&ĐT mà còn có cả Bộ Tài chính.
“Tôi đánh giá cao việc Bộ Nội vụ đề xuất thí điểm sáp nhập Sở tài chính với Sở KH&ĐT. Một đất nước không thể duy trì hai ông này riêng rẽ mà phải sáp nhập lại với nhau mới phù hợp”, ông Vân nói.
Thừa nhận tình trạng bộ máy còn cồng kềnh, ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, nguyên nhân do phân cấp, phân quyền còn nhiều hạn chế. Có những việc rất nhỏ mà quy trình, thủ tục phức tạp để rồi cứ đẩy lên Trung ương xem xét.
“Tới đây phải đẩy mạnh phân cấp, Trung ương chỉ làm thể chế, quy hoạch chiến lược, kiểm tra giám sát. Còn việc thực hiện là do địa phương và địa phương phải chịu trách nhiệm”, ông Tân nói.
Trước đó, báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ trình bày tại Quốc hội cũng thừa nhận, công tác cán bộ vẫn còn những yếu kém; một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận.
Có 9 địa phương gồm Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định. Trong đó, 58 trường hợp là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm.
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ hiện tiếp tục có phản ánh về việc bổ nhiệm cán bộ tại Hải Dương, Hải Phòng và đang được kiểm tra. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa có 8 phó giám đốc; Sở Tài nguyên Môi trường Bình Định có 6 phó giám đốc Sở.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 44 lãnh đạo/46 công chức; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo.