Bỏ quỹ bình ổn, giá xăng dầu có nhảy múa?

Đề xuất bỏ quỹ bình ổn xăng dầu được nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng có lo ngại khi không có quỹ, cách nào hạ nhiệt nếu giá xăng dầu thế giới tăng nóng?
 - Ảnh 1.

Chiều 16-8, liên bộ Tài chính - Công thương giảm giá xăng dầu. Nếu bỏ quỹ bình ổn, giá xăng dầu theo sát thế giới, liệu người tiêu dùng có quen với biến động này? (Ảnh: QUANG ĐỊNH).

Thực tế có lúc nhờ quỹ bình ổn nên giá xăng dầu đến tay người tiêu dùng thấp hơn 2.800 đồng/lít nếu theo giá thế giới. Nhưng khi xả quỹ để giữ giá xăng dầu kéo dài, nguồn tiền của quỹ "teo" lại, thậm chí có lúc âm.

Do vậy, dù giá thế giới đã giảm lại nhưng Nhà nước vẫn giữ giá bán cao để trích quỹ, bổ sung lại cho quỹ bình ổn. Đó là lý do khiến người tiêu dùng cảm thấy thiệt thòi.

Xem thêm: Giá xăng dầu hôm nay 19/8: Yên bình đầu tuần

Dùng trước, bù sau

Ngày 16/8, đổ xăng tại một cây xăng trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận, TP HCM) ngay sau khi giá xăng đã giảm hơn 500 đồng/lít, anh Đoàn Văn Hưng (ngụ Quận Tân Bình) cho biết trên hóa đơn không thể hiện mức trích lập quỹ bình ổn xăng dầu nên anh dù quan tâm nhưng không dễ biết.

Dưới góc độ người tiêu dùng, anh Hưng cho rằng cần phải xem xét mặt lợi, hại cho người tiêu dùng nếu không có quỹ này bởi mỗi lần điều chỉnh giá xăng đều có tác động không nhỏ.

"Rất nhiều chi phí "ăn theo" giá xăng dầu nên bỏ hay duy trì phí này thì cần phải nghiên cứu kỹ để làm sao người tiêu dùng được lợi nhất", anh Hưng nói.

Trong ngày 16/8 giá xăng dầu giảm và mức trích lập vào quỹ bình ổn là hơn 500 đồng/lít, riêng E5 chỉ trích ở mức 100 đồng/lít. Như vậy đây là 4 lần liên tiếp cơ quan điều hành ngừng xả sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng vẫn duy trì mức trích lập cho quỹ.

Động thái này được xem là "khôi phục" quỹ bình ổn, vốn đã xả dài hơi trong những tháng đầu năm 2019 để giữ giá xăng dầu tăng không quá nóng.

Diễn biến điều hành này trái ngược với đầu năm 2019 khi giá xăng dầu tăng, cơ quan điều hành không chỉ ngừng trích tiền vào quỹ qua giá bán xăng dầu mà còn liên tục phải xả quỹ để giữ giá.

Việc này kéo dài đến mức nhiều doanh nghiệp lớn bị âm quỹ. Có thời điểm Petrolimex âm tới hơn 300 tỉ đồng, PVOil âm khoảng 300 tỉ đồng.

Đến nay, nhờ liên tục trích lập quỹ bình ổn trong hơn 2 tháng qua, quỹ bình ổn ở một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã được "hồi phục" trở lại.

Theo Petrolimex, trước thời điểm 15h ngày 16/8 quỹ bình ổn giá hình thành tại doanh nghiệp là 629 tỉ đồng. Tuy nhiên, PVOil vẫn âm hơn 425 tỉ đồng theo số liệu công bố ngày 1/8...

Theo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, hiện Chính phủ đang khuyến khích kinh doanh và sử dụng xăng E5, nên những doanh nghiệp bán nhiều xăng E5 hơn A95 sẽ bị âm quỹ nhiều hơn.

"Có thời điểm giá xăng E5RON95 được hỗ trợ từ quỹ bình ổn lên tới gần 3.000 đồng/lít, trong khi mức trích lập vào quỹ chỉ trung bình khoảng 300 đồng/lít, và hiện duy trì ở mức 100 đồng/lít. Nên rất khó để bù, dù đã ngừng chi sử dụng quỹ nên càng bán nhiều càng lỗ.

Chúng tôi không muốn nhắc đến quỹ bình ổn vì quỹ âm nhiều, phải vay ngân hàng để bổ sung vốn, ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả kinh doanh chung", đại diện doanh nghiệp đầu mối phía Nam chia sẻ.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp bị âm quỹ bình ổn, phải vay thêm vốn để kinh doanh đồng nghĩa người tiêu dùng được lợi, mua xăng với giá "mềm" hơn. Khi đó, doanh nghiệp đã chia sẻ với người tiêu dùng.

 - Ảnh 2.

Hầu hết các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đều ủng hộ bỏ quỹ bình ổn. Trong ảnh: xe bồn nhập hàng cho một cây xăng tại TP.HCM. (Ảnh: T.T.D).

Những kịch bản khi không còn quỹ bình ổn?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lí giá (Bộ Tài chính) - cho rằng đề xuất bỏ quỹ bình ổn xăng dầu, về lâu dài phải tính đến trên cơ sở cân nhắc rất nhiều yếu tố. Đó là phải sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì cùng với Bộ Tài chính xem xét sửa đổi nghị định này. Có rất nhiều nội dung sẽ được bổ sung, sửa đổi gồm cả cách điều hành giá, giá cơ sở, quỹ bình ổn, dự trữ lưu thông...

"Hiện tại, khi Nhà nước vẫn điều hành giá, tức là Bộ Công thương đưa ra giá cơ sở thì quỹ bình ổn vẫn tồn tại. Chỉ khi Nhà nước không điều hành giá cơ sở nữa, sẽ nghiên cứu bỏ quỹ này", ông Tuấn cho hay.

Theo một cán bộ từng tham gia điều hành giá xăng dầu, nếu bỏ quỹ bình ổn, Nhà nước chỉ còn một công cụ điều hành theo chu kì 15 ngày điều chỉnh giá bán xăng dầu một lần. Nhà nước còn công cụ thuế phí, nếu giá tăng cao quá có thể giảm.

Nhưng giải pháp không linh hoạt vì liên quan đến luật, trường hợp giá tăng nóng mới được xem xét.

Dù Việt Nam đã đảm bảo được 80% nguồn cung xăng dầu, nhưng không có nghĩa là có thể điều hành thoát li giá xăng dầu thế giới. Bởi muốn giảm giá trong lúc giá thế giới tăng, nếu không còn quỹ, Nhà nước phải bù lỗ cho doanh nghiệp, hoặc phải giảm thuế phí.

Hai nhà máy lọc dầu có vốn nước ngoài, Nhà nước không thể bắt doanh nghiệp bán theo giá mà Chính phủ chỉ định.

Ông Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế - cho rằng chỉ khi chấp nhận thả nổi giá xăng dầu theo thị trường, lúc đó mới tính đến bỏ quỹ bình ổn giá.

Còn hiện tại khi Chính phủ và Quốc hội đặt mục tiêu số 1 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và Nhà nước đang điều hành giá xăng dầu thì chưa thể bỏ quỹ này.

Ông N. - chủ một cây xăng tư nhân tại Q.Bình Thạnh - cho biết nhìn ở khía cạnh người tiêu dùng, ông rất băn khoăn về tính minh bạch của quỹ.

Quỹ do doanh nghiệp quản lí nên khi xả quỹ mạnh với số tiền trên mỗi lít xăng dầu cao, sẽ khó để kiểm soát được mức chi thực tế bởi số lượng bán ra, mua vào nằm ở sổ sách doanh nghiệp. Thực chất đây là tiền của người dân trả trước để kềm đà tăng của giá xăng dầu.

Ông N. cho rằng nên tính toán thời điểm bỏ quỹ bình ổn, để giá xăng dầu tăng giảm theo thị trường thế giới. Tuy nhiên, thời điểm nào cần cân nhắc kỹ vì người dân chưa quen với việc giá xăng dầu tăng nóng như đã xảy trên thị trường xăng dầu thế giới.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa minh bạch

Báo cáo của đoàn giám sát trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: "Việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, dẫn đến có sự phản ứng rất lớn của người dân trong công tác điều hành giá và thực hiện bình ổn giá xăng dầu.

Mặt khác, theo Luật giá, có 11 mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, trong khi chỉ có mặt hàng xăng dầu có quỹ bình ổn giá là chưa phù hợp".

Tiếp cận tài liệu của đoàn giám sát cho thấy nhiều bất cập. Như quỹ được để tại doanh nghiệp, không quản lý tập trung nên có khó khăn nhất định trong công tác giám sát (có đến 24 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu).

Mặt khác, với mô hình không tập trung, tổng mức trích lập phụ thuộc vào sản lượng bán ra của doanh nghiệp dẫn đến các doanh nghiệp quỹ nhiều, ít khác nhau, và trong một số ít trường hợp các doanh nghiệp có thể bị âm quỹ.

Trong khi đó không thể có một cơ chế để điều hành chung nên gây khó khăn khi quyết định mức sử dụng quỹ tại từng thời điểm điều hành.

"Từ lý do trên, đoàn giám sát đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, xác định rõ lộ trình hoặc bãi bỏ ngay quỹ bình ổn giá xăng dầu..." - báo cáo giám sát nêu rõ.

TS Phạm Thế Anh (ĐH Kinh tế quốc dân):

Tạo cạnh tranh để điều tiết thị trường

Bỏ quỹ bình ổn xăng dầu để trả lại tính thị trường cho kinh doanh xăng dầu. Nhưng phải cho phép nhiều doanh nghiệp tham gia bán lẻ xăng dầu để tạo canh tranh. Từ cạnh tranh, tự động giá xăng dầu đến tay người tiêu dùng sát với giá thế giới. Anh bán cao, có ít người mua và ngược lại. Khi số doanh nghiệp tham gia đủ lớn, giá bán lẻ xăng dầu sẽ giảm xuống sát nhất mức có thể, người tiêu dùng có lợi hơn.

Khi tạo ra sự cạnh tranh, tức là Nhà nước vẫn "điều tiết" thị trường xăng dầu, và qua đó kích thích các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh xăng dầu phải hoạt động hiệu quả hơn để cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân.

TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính):

Xem lại định mức lợi nhuận kinh doanh xăng dầu

Gốc của vấn đề là quy định về giá xăng dầu có phần lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Điều này rất phi thị trường vì đã kinh doanh là phải có lãi, có lỗ, với lợi nhuận định mức doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu không bao giờ lỗ cả. Điều này rất vô lý vì doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường có thể bị lỗ vì mức chiết khấu khác nhau nhưng doanh nghiệp đầu mối bán buôn xăng dầu không bao giờ lỗ. Cần giải quyết câu chuyện thị trường này thì mới giải quyết những bất cập của thị trường kinh doanh xăng dầu, còn đề xuất bỏ quỹ bình ổn xăng dầu chỉ là một phần câu chuyện.


chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.