Chiều 5/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) đặt vấn đề, việc xử phạt hành vi mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng 5 triệu đồng có quá nhẹ? Và mức độ xử phạt với các hành vi mê tín dị đoan theo quy định của pháp luật hiện hành đã đủ răn đe chưa? Liệu có tái diễn các hành vi tương tự?
ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre). (Ảnh: Như Ý)
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, vi phạm ở chùa Ba Vàng là vừa vi phạm pháp luật, vừa ảnh hưởng đến đạo đức lối sống và văn hóa. Vì vậy cần phải lên án và xử lý.
“Địa phương đã ra quyết định xử phạt về hành vi vi phạm lối sống văn hóa, phạt 5 triệu đồng. Đây là mức phạt cao nhất theo quy định. Tiền thì phải phạt, nhưng quan trọng hơn là làm thế nào để lên án, phê phán những hành vi phản văn hóa, phi đạo đức. Kết hợp vừa xử phạt, vừa có dư luận xã hội sẽ tốt hơn”, ông Thiện nói.
ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy tranh luận lại, cho rằng, câu trả lời của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL chưa rõ. Việc tuyên truyền mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng gồm có thỉnh vong thu tiền bất chính, xúc phạm vong linh các anh hùng liệt sĩ, tác động đến tư tưởng nhận thức và văn hóa của đông đảo quần chúng nhân dân.
“Bộ trưởng khẳng định việc xử phạt rất nhẹ, nhưng Bộ trưởng có nghĩ đến việc xem xét lại, với vai trò quản lý ngành thì xử phạt đúng người đúng tội chưa và có cần thiết phải truy tố bà Yến”, bà Thủy nêu.
Cũng theo bà Thủy, cần có biện pháp chống tái diễn tình trạng trên ở chùa Ba Vàng, bởi sau khi bị xử phạt, bà Yến lại tiếp tục tuyên truyền trên mạng xã hội, thách thức các cơ quan pháp luật. Về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng có trách nhiệm của Ban Tôn giáo Chính phủ và đề nghị Bộ trưởng Nội vụ sẽ có báo cáo thêm.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Như Ý
ĐB Ngô Thị Kim Yến (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, hiện nay các dịch vụ của thầy cúng, thầy bói, thầy tướng phát sinh nhiều. Bộ VHTT&DL cần có giải pháp để kiểm soát và chấn chỉnh, không để tình trạng mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh diễn ra ngày càng trầm trọng.
ĐB Trương Anh Tuấn (đoàn Nam Định) cũng thông tin, hoạt động mê tín dị đoan đang diễn ra phức tạp, các hoạt động xem bói, xin xăm, rút quẻ thẻ, đồng bóng, gọi hồn diễn ra công khai tại nhiều cơ sở thờ tự, nhiều địa bàn dân cư.
“Đang có sự khác nhau trong nhận thức, thậm chí có sự nhầm lẫn về khái niệm mê tín dị đoan, tâm linh, tín ngưỡng. Điều đó đang là mảnh đất mê tín dị đoan núp bóng tâm linh tín ngưỡng, là nguyên nhân dẫn đến sự ngần ngại với xử lý mê tín dị đoan”, ông Tuấn nói.
ĐB Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) cũng cho rằng, dư luận rất bức xúc về hành vi mê tín dị đoan bằng các thủ đoạn lừa bịp ở một số nơi, buôn thần bán thánh bằng cách reo nỗi sợ hãi vô căn cứ qua hình thức dâng sao giải hạn, đóng tiền gọi vong trả nợ tiền kiếp, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận nhân dân để trục lợi.
ĐB Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cũng cho rằng, giáo lý, giáo luật của đạo Phật không có việc dâng sao giải hạn, thỉnh vong gọi hồn hoặc đốt vàng mã chuyển họa thành phúc hoặc chuyển hung thành cát.
“Vậy mà các hình thức mê tín dị đoan này vẫn đang tồn tại ở nhiều nơi thờ tự của phật giáo như chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) chùa Phúc Khánh ở Hà Nội”, ông Giang nói.
Theo Bộ trưởng Thiện, nguyên nhân của hiện tượng mê tín dị đoan có nhiều, trong đó có thể kể đến tác động mặt trái của kinh tế thị trường, thói quen người dân chưa thay đổi, kẻ xấu lợi dụng, trình độ dân trí, quy định của pháp luật còn chưa cụ thể...
“Đây là vấn đề cần loại bỏ khỏi đời sống xã hội, nhưng không thể giải quyết được trong thời gian ngắn nên chúng ta phải kiên trì xử lý việc này. Trước hết phải tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng”, ông Thiện nói.