Công điện của Bộ Y tế cho biết, theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TW, sau khi vào Vịnh Bắc Bộ bão sẽ tiếp tục mạnh thêm, di chuyển nhanh và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển nước ta vào trưa, chiều ngày 19 tháng 8. Do ảnh hưởng của bão, những ngày tới có khả năng xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa từ 200 – 300mm, có nơi trên 500mm và lũ trên hệ thống sông tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, nhất là tại các nơi đã bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua.
Đây là cơn bão mạnh, đổ bộ vào thời điểm triều cường, phạm vi ảnh hưởng rộng, vẫn tiếp tục mạnh thêm và diễn biến còn phức tạp; cần đề phòng sau khi bão đổ bộ vào bờ có thể tiếp tục duy trì gió mạnh trong thời gian dài và vào sâu trong đất liền.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó với bão số 3 và các tình huống mưa lũ có hiệu quả, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1478/CĐ-TTg ngày 18/08/2016; Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các Đơn vị thuộc Bộ Y tế, đơn vị trực thuộc Bộ khu vực miền Bắc, miền Trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3; chủ động phối hợp với các ban/ngành có liên quan trong công tác ứng phó với diễn biến bất thường của mưa, bão; triển khai các phương án chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó, phát huy phương châm bốn tại chỗ, ứng phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại sức khỏe và tính mạng về người và tài sản do mưa, bão gây ra.
Đường đi của bão số 3. |
Đối với Sở Y tế các tỉnh/thành phố khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh: Huy động toàn bộ lực lượng y tế của địa phương phối hợp với lực lượng quân y trên địa bàn chủ động đối phó với bão số 3; sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão...và tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa, bão, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống gây ra. Các đội cấp cứu cơ động tổ chức trực ban luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có lệnh. Chuẩn bị nhóm nhân viên y tế hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân gặp sang chấn tâm lý sau mưa, bão.
Khẩn trương triển khai ngay các phương án bảo vệ, hỗ trợ hoặc di dời cơ sở y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, lũ ống gây ra. Xây dựng kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, vùng trũng, vùng có nguy cơ bị ngập úng.
Phối hợp các sở, ban, ngành tại địa phương chủ động đối phó với tình huống bị mưa lũ chia cắt dài ngày, hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, phương pháp xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, thực hiện nếp sống vệ sinh để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh phát sinh sau bão. Khi có lệnh của cấp có thẩm quyền, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tổ chức di dời, sơ tán dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm, khu vực chưa tổ chức di dời được phải sẵn sàng có hình thức phòng tránh an toàn cho người và tài sản.
Công điện của Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh tăng cường chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tại các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão tổ chức trực ban, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của mưa, bão. Đồng thời chỉ đạo các Bệnh viện trực thuộc Bộ tổ chức các đội cấp cứu ứng trực, sẵn sàng cơ động chi viện khi có lệnh; trực tiếp đi kiểm tra tại một số điểm nhằm nâng cao tính sẵn sàng của các đơn vị.
Cục Y tế Dự phòng chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh trong vùng bị ảnh hưởng của bão tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, vệ sinh phòng, chống dịch tại các địa phương. Chủ động dự trữ hóa chất, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch, kịp thời xử lý các ổ dịch bệnh phát sinh; kịp thời hỗ trợ, chi viện các địa phương khi cần thiết; Tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng các khuyến cáo hướng dẫn về công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh .