‘Bông hồng đỏ’ của vườn nuôi dạy trẻ

Giữa những gam màu tối của giáo dục mầm non với bạo hành, dọa nạt vẫn còn đó rất nhiều giáo viên tận tâm với nghề, hết lòng vì nghiệp bởi nhân cách thanh cao, tình yêu vẹn nguyên cho nghề, cho trẻ.

14 năm yêu nghề, mến trẻ

Đến trường mầm non 25B (Q. Bình Thạnh, TP HCM) vào giờ đón bé, nhiều người sẽ bắt gặp hình ảnh một cô giáo trẻ đi quan sát từng lớp học. Khác với những quản lý khác, chỉ đi kiểm tra, nhắc nhở giáo viên, cô trò chuyện dặn dò từng người, thăm hỏi phụ huynh và bế dỗ khi trẻ khóc. Đó là cô Nguyễn Thị Tâm, Phó Hiệu trưởng trường mầm non 25B, một trong những "cánh chim không mỏi" của giáo dục mầm non Q. Bình Thạnh nói riêng cũng như ngành giáo dục mầm non nói chung.

Chân dung "bông hồng đỏ" của giáo dục mầm non Q. Bình Thạnh, TP HCM. (Ảnh: NVCC)

Với ngoại hình nhỏ nhắn và gương mặt khá trẻ, ban đầu nhiều phụ huynh nhầm tưởng cô Tâm là cô giáo trẻ vừa được phân công về trường. Ít ai biết, cô đã có đến 14 năm trong nghề, nhiều năm làm công tác quản lý và đạt nhiều thành tích trong sự nghiệp.

Những giải thưởng cao quý trong nghề được xem là “điểm son” ghi dấu sự nghiệp thành công của cô Tâm. Nhiều năm liền, cô được vinh dự đón nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, nhận nhiều bằng khen của UBND TP HCM. Cô cũng là một trong những giáo viên mầm non được Công đoàn Giáo dục TP HCM trao tặng danh hiệu cao quý “Cô giáo như mẹ hiền”, đạt “Tấm gương học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh”. Tại hội thi “Giáo viên giỏi Chu Văn An lần thứ 12”, hội thi lớn đánh giá chuyên môn, năng lực của giáo viên mầm non, cô Nguyễn Thị Tâm cũng vinh dự giành giải nhất.

Với những thành tích đạt được, cô Tâm được ví như ‘bông hồng đỏ’ góp thêm sắc màu rực rỡ cho giáo dục mầm non. Nhắc đến những gương sáng trong giáo dục mầm non Q. Bình Thạnh không thể không nhắc đến cô như một tấm gương yêu nghề, mến trẻ, phấn đấu hết mình vì sự nghiệp.

Cô Tâm có 14 năm trong nghề với nhiều thành tích nổi bật. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Những trăn trở với giáo dục mầm non

Chia sẻ về lý do chọn nghề, cô Tâm cho biết xuất phát từ tính cách yêu trẻ nhỏ, thích chăm sóc gia đình – con cái dù biết nghề mình chọn “làm dâu trăm họ”, không ít gian truân. Khi đã lên làm quản lý, không còn trực tiếp đứng lớp, cô vẫn dành được nhiều yêu mến từ phía phụ huynh. “Cô hiệu phó không trực tiếp dạy các bé nhưng hầu như bé nào cô cũng biết tên”, nhiều phụ huynh hồ hởi khi chia sẻ về cô. Cũng theo phụ huynh, cô thân thiện dễ gần nên các bé rất yêu mến, thấy cô Tâm từ xa là các con đã khoanh tay chào to để cô nghe thấy.

Đạt nhiều thành tích, lên làm quản lý ở độ tuổi tương đối trẻ so với nhiều người, được đồng nghiệp và phụ huynh đánh giá cao nhưng cô Tâm luôn khiêm tốn cho rằng mình cần cố gắng trau dồi bản thân nhiều hơn nữa. Chia sẻ về nghề, cô nhận định nghề giáo là nghề muôn vàn áp lực, giáo viên mầm non lại càng áp lực hơn: “Bạn thấy có ai đóng nhiều vai trò cùng lúc, vừa là một người mẹ, người bạn, một bác sĩ, họa sĩ, nhà tâm lý để gần gũi và hiểu trẻ như cô giáo mầm non?”. Nghề nuôi dạy trẻ vất vả là thế nhưng thỉnh thoảng báo chí lại xuất hiện những tin không hay về nghề giáo: “cô giáo bạo hành trẻ”, “trẻ mầm non bị đánh”,... khiến xã hội có cái nhìn càng khắt khe hơn với giáo viên mầm non.

Dù là người quản lý nhưng cô vẫn không ngại dỗ dành các bé, thăm hỏi phụ huynh. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Đứng ở góc độ người quản lý, cô Tâm cũng không tránh khỏi những băn khoăn trăn trở với nghề. “Môi trường làm việc trong ngành mầm non chủ yếu là phụ nữ, công việc của người quản lý là phải làm việc với cả giáo viên, phụ huynh, điều hành trường và đảm bảo chất lượng chuyên môn. Người quản lý phải là người chung tay cùng làm với giáo viên, đồng hành gần gũi cùng họ”, cô chia sẻ.

Cũng theo cô Tâm, người quản lý muốn làm tốt công việc của mình, ngoài chuyên môn giỏi thì tâm lý là một phần rất quan trọng. “Điều quan trọng nhất là phải tạo tâm lý thoải mái cho giáo viên bởi công việc đã quá nhiều gánh nặng với họ. Đó chính là cái khó của người quản lý”, cô Tâm thẳng thắn.

Nghề gõ đầu trẻ muôn vàn áp lực, người làm công tác quản lý lại càng áp lực hơn. Thế nhưng, sau những trăn trở với nghề, cô Nguyễn Thị Tâm cho biết giáo viên không được phép để mình mang những âu lo, áp lực lên lớp làm ảnh hưởng đến trẻ. Có lẽ vì thế mà ở độ tuổi 40 cô vẫn khiến nhiều người bất ngờ khi biết tuổi thật. Được phụ huynh khen trẻ, cô chỉ cười dí dỏm: “Chắc vì công việc gắn với trẻ nhỏ nên các cô mầm non không cho phép mình được già”.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.