Bước tiến mới trong kế hoạch niêm yết của Taseco Land

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa chấp thuận cho Taseco Land đăng ký giao dịch 297 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán TAL. Với quyết định này, khả năng Taseco Land sẽ lên Upcom trong thời gian tới.

Bước đầu trong kế hoạch lên sàn vào năm 2025

Ngày 28/12 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố quyết định chấp thuận cho CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) đăng ký giao dịch 297 triệu cổ phiếu, với mã chứng khoán là TAL. 

Như vậy, Taseco Land có khả năng sẽ bắt đầu giao dịch cổ phiếu trên thị trường Upcom trong thời gian tới. 

Trước đó, Taseco Land đã chính thức trở thành công ty đại chúng vào tháng 9. Đây có thể xem một bước đi trong kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) mà doanh nghiệp đã tiết lộ trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, tổ chức hồi tháng 6 năm ngoái. 

Trong bản công bố trở thành công ty đại chúng hồi tháng 9 của Taseco Land, công ty từng cho biết dự kiến sẽ niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán trong năm 2025, với số vốn điều lệ dự kiến 3.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 5.000 tỷ đồng.  

Taseco Land tiền thân là CTCP Đầu tư Bất động sản An Bình, được thành lập vào tháng 7/2009. Doanh nghiệp cũng là công ty con tập trung phát triển mảng bất động sản của CTCP Tập đoàn Taseco (Taseco Group) - một tập đoàn đa ngành với các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dịch vụ phi hàng không và khách sạn, đầu tư tài chính. Tính tại ngày 15/11, Taseco Group đang nắm 72,49% vốn điều lệ tại Taseco Land. 

Thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ của Taseco Land là 6 tỷ đồng. Trải qua 15 lần tăng vốn, hiện, vốn điều lệ đang ở mức 2.970 tỷ đồng. Trong đó, lần tăng vốn gần nhất diễn ra vào một tuần sau khi công ty hoàn tất đại chúng hóa, thông qua đợt trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu (tỷ lệ 10%) cho cổ đông hiện hữu.  

(Nguồn: HM tổng hợp từ bản CBTT của doanh nghiệp). 

Tính đến ngày 15/11, Taseco Land đang có 9 công ty con trực tiếp và 5 công ty con gián tiếp, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản và là chủ đầu tư nhiều dự án như Tòa nhà văn phòng ICON4 (Hà Nội), dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái bốn mùa cao cấp tại Thanh Hóa, dự án Khu khách sạn cao cấp Landmark 55 (Hà Nội), dự án Pulchra Resort (Đà Nẵng),...

Đang gối đầu gần 30 dự án BĐS, nguồn thu chủ lực hiện đến từ dự án Alacarte Hạ Long

Đầu tư kinh doanh bất động sản thấp tầng và cao tầng hiện đang là hoạt động kinh doanh chủ đạo, chiếm khoảng 80% doanh thu và lợi nhuận của Taseco Land. 

Quỹ đất của công ty chủ yếu nằm tại Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc, với gần 30 dự án đang được triển khai và nghiên cứu đầu tư với các loại hình đô thị, nghỉ dưỡng và khu công nghiệp.

 

Dự án Alacarte Hạ Long nằm tại Bán đảo 2, Khu đô thị Halong Marina, Hùng Thắng, Hạ Long của Taseco Land. (Ảnh: Taseco Land). 

Các dự án tiêu biểu của Taseco Land có thể kể đến các tòa nhà tại Khu đoàn Ngoại giao (Hà Nội), Khu nhà ở thấp tầng thuộc Khu đô thị mới Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), Tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ và căn hộ chung cư Alacarte Hạ Long; Khu đô thị kết hợp công viên cây xanh Green Park (Móng Cái, Quảng Ninh),...

Tính tới ngày 30/9, Taseco Land ghi nhận tồn kho hơn 4.380 tỷ đồng, cao gấp 1,8 lần đầu năm và chiếm 44% trong tổng tài sản, phần lớn tại các dự án bất động sản dở dang. Trong đó, tồn kho lớn nhất là tại dự án số 4 thuộc khu đô thị mới trung tâm TP Thanh Hóa (1.705 tỷ đồng) và tại dự án NO1T6 Đoàn Ngoại giao (1.456 tỷ đồng).

 (Nguồn: BCTC quý III/2023 của Taseco Land).

Trong các dự án hiện hữu, Alacarte Hạ Long đã chính thức đi vào vận hành từ tháng 4 đầu năm nay. Alacarte Hạ Long cũng là dự án bất động sản duy nhất đem lại nguồn thu trong 9 tháng đầu năm nay của Taseco Land, bên cạnh các hợp đồng xây dựng, hoạt động cho thuê, dịch vụ. 

Tại ngày 30/9, khoản người mua trả tiền trước từ các khách hàng dự án Alacarte Hạ Long là hơn 975 tỷ đồng, cao gấp 4,6 lần đầu năm và chiếm 98,7% trong tổng khoản người mua trả tiền trước của Taseco Land. 

9 tháng đầu năm nay, Taseco Land đạt doanh thu thuần gần 688 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ, song chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao do lượng nhân viên tăng lên gấp đôi so với cuối năm 2022. Do đó, lợi nhuận sau thuế giảm 46% so với cùng kỳ còn 26,6 tỷ đồng.

(Nguồn: HM tổng hợp từ bản CBTT của doanh nghiệp).  

Ngoài các dự án hiện hữu, Taseco Land đang đẩy mạnh gom đất với các dự án đô thị, công nghiệp với quy mô vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, đơn cử như nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị Nam sông Cầu tại tỉnh Thái Nguyên (quy mô 45,5 ha, tổng mức đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng) trong nửa đầu năm nay; hay gần nhất là lập liên danh đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Lương Ninh tại tỉnh Quảng Bình (quy mô dự án 35,08 ha, tổng mức đầu tư 1.131 tỷ đồng) hồi tháng 11 vừa qua.  

Cũng trong tháng 11, Taseco Land đã được chấp thuận làm nhà đầu tư dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III phía đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, nằm tại tỉnh Hà Nam. Dự án có quy mô sử dụng đất 223 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.320 tỷ đồng. 

Theo Taseco Land, công ty đang hướng đến phát triển quỹ đất khoảng 2.000 ha vào năm 2025. Trong thời gian tới, bên cạnh các dự án nhà ở, công ty cũng sẽ tăng tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận của các lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, dịch vụ quản lý bất động sản sau đầu tư và dịch vụ kinh doanh khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng để đảm bảo nguồn thu ổn định. 

  (Nguồn: HM tổng hợp từ bản CBTT của doanh nghiệp).  

Nhu cầu vốn đang tăng cao 

Với kế hoạch triển khai đầu tư vào hàng loạt dự án bất động sản trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Taseco Land cho biết nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư của công ty dự kiến sẽ tăng cao trong thời gian tới. Tại ngày 30/9, công ty đang rót hơn 63% tổng tài sản để đầu tư các dự án bất động sản dở dang.

Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm cũng cho thấy công ty đang bị thâm hụt vốn cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Hàng tồn kho tăng cao cho thấy việc đầu tư, phát triển các dự án của công ty trong 9 tháng đầu năm nay đang khá sôi động. Song, điều này cũng dẫn đến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 1.256 tỷ đồng, là nguyên nhân chính kéo dòng tiền thuần trong kỳ của Taseco Land âm hơn 155,7 tỷ đồng, dù trong kỳ công ty có thêm khoản thu hàng nghìn tỷ từ việc đi vay. 

Taseco Land cho biết, ngoài nguồn tiền khách hàng ứng trước của từng dự án, công ty dự kiến huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau như vay từ các tổ chức tài chính tín dụng, tái sử dụng vốn tự có từ các dự án đã hoàn thành và đã bán, cũng như huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và/hoặc trái phiếu, thông qua thị trường vốn quốc tế. 

Gần nhất, hồi cuối tháng 11 vừa qua, công ty đã công bố vay vốn tối đa 950 tỷ đồng, nhằm tài trợ chi phí thực hiện dự án Khu nhà ở thuộc khu tái định cư tại tỉnh Thanh Hóa. HĐQT công ty cũng thông qua phương án phát hành bảo lãnh với hạn mức tối đa 200 tỷ đồng cho khách hàng dự án. 

  (Nguồn: HM tổng hợp từ bản CBTT của doanh nghiệp).  

Tại ngày 30/9, tổng dư nợ vay của Taseco Land ở mức 2.719 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần con số đầu năm, chủ yếu do tăng vay nợ từ ngân hàng. Ngoài ra, công ty cũng có 3 lô trái phiếu với tổng dư nợ 425 tỷ đồng, trong đó lô 75 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào ngày 31/12 tới đây, còn lại 2 lô sẽ đáo hạn vào năm 2025.

Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu tại ngày 30/9 ở mức 0,71.