Từ khoảng 15h ngày 31/3 sang đến ngày 2/4, trên đoạn sông Hồng kéo dài khoảng 1km, từ cầu Kim Thành đến cầu Cốc Lếu, TP Lào Cai, bất ngờ cá nổi trắng hàng đàn không rõ nguyên nhân.
Cá nổi được người dân vớt lượm trên sông Hồng vào chiều 31/3.
Ngay sau khi nắm bắt thông tin, các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai đã vào cuộc làm rõ nguyên nhân và đi đến kết luận: “Có người đã thả “ruốc” ở đầu nguồn sông Hồng khiến lượng oxy trong nước bị suy giảm đột ngột làm cá ngộp thở trôi nổi trên sông”.
Khi thấy hiện tượng trên, nhiều người dân xung quanh tranh thủ xuống sông vớt cá. Trong số cá vớt được có cả những con lớn từ 3-4kg. Cùng thời điểm ghi nhận cá nổi, suốt dải sông Hồng đầu thành phố Lào Cai nổi nhiều váng bọt, nước có mùi tanh khác thường.
Theo Báo cáo số 100/BC-STNMT của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai ban hành ngày 10/4, tác nhân gây ra tình trạng suy giảm ôxy trong nước sông Hồng không có dấu hiệu liên quan đến nguồn xả thải.
Kết quả chuỗi quan trắc các mẫu nước dọc sông Hồng từ đầu thành phố Lào Cai lên vị trí thượng nguồn giáp với Trung Quốc (bao gồm cả những ngã suối đổ vào sông Hồng, các vị trí gần các nhà máy sản xuất) thời gian qua cho thấy chất lượng nước cơ bản không ảnh hưởng tới sự sống của các loài thủy sinh.
Thời gian qua, phía Trung Quốc đang tiến hành san lấp, kè bờ tả sông Hồng, tuy nhiên chưa phát hiện có dấu hiệu bất thường ảnh hưởng đến nguồn nước.
Còn bên phía Việt Nam, trong quá trình khảo sát, cơ quan chức năng phát hiện Hồ sự cố của Nhà máy tuyển đồng Sin Quyền (đóng tại huyện Bát Xát) có bị rò rỉ chảy vào sông Hồng với lưu lượng 1.200m3/ngày. Báo cáo cho biết, mặc dù kết quả phân tích một số mẫu nước tại thân đập Hồ sự cố Nhà máy có thông số kim loại Đồng (Cu) và độ PH vượt ngưỡng nhưng khi chảy ra sông Hồng sẽ bị pha loãng đáng kể.
Duy tại đoạn sông Hồng từ ngã 3 giao với suối Quang Kim, huyện Bát Xát tới đầu thành phố Lào Cai (khoảng 1km), kết quả quan trắc từ ngày 31/3 đến 1/4 (thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết) cho thấy, chỉ số DO (tức nồng dộ ô xy hòa tan trong nước) thấp hơn 4 lần so với mức tối thiểu.
Mặt nước sông sủi bọt kèm theo mùi lạ. |
“Nguyên nhân làm cho cá nổi lên mặt nước và trôi nổi trên sông Hồng thời gian qua là do lượng oxy trong nước sông bị suy giảm một cách đột biến, không đủ cho cá và các loài thủy sinh hô hấp” - báo cáo cho biết. |
Báo cáo cũng cho rằng, hàng năm, trong khoảng thời gian từ tháng 2 - tháng 3 là mùa nước kiệt, người dân hai bên bờ sông Hồng thường tổ chức đánh cá bằng phương pháp “ruốc cá”, là phương pháp sử dụng lá cây (lá cơi) hoặc một loại hợp chất có tính năng tương tự hòa tan vào nước sông để đánh bắt cá. “Ruốc cá” có chứa hợp chất làm suy giảm đáng kể lượng oxy hòa tan trong nước, làm cho cá bị ngộp thở và ngoi lên mặt nước.
“Từ đó có thể nhận định các thông tin về việc người dân sử dụng “ruốc cá” để đánh cá là nguyên nhân làm giảm mạnh lượng ô xy hòa tan trong nước là có cơ sở” - báo cáo nêu rõ.