Các công điện của Thủ tướng Chính phủ sẽ hỗ trợ thị trường bất động sản ra sao?

Các chuyên gia đánh giá, những công điện gần đây của Thủ tướng Chính phủ là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã liên tục có các công điện liên quan đến những vấn đề nóng gồm Công điện số 1156 ngày 12/12 về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, Công điện số 1163 ngày 13/12 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp và Công điện số 1164 ngày 14/12 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở. Đây đều là những chỉ đạo tác động trực tiếp và gián tiếp đến thị trường bất động sản.

Nhận định về tác động của hai Công điện số 1163 và số 1164, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng đây là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Theo ông Đính, thị trường bất động sản hiện tại đang rất cần những xử lý, điều hành để tháo các "điểm nghẽn" về vấn đề chính sách, nguồn vốn tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp. Công điện của Thủ tướng Chính phủ là cơ hội để các dự án bất động sản giải quyết được bài toán dòng vốn và xử lý các vấn đề vướng mắc về thủ tục pháp lý; thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các dự án và góp phần khôi phục sự sôi động của thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS). (Ảnh: VARS).

“Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 1163 và số 1164, chắc chắn sang năm 2023, khi có room tín dụng mới, thị trường bất động sản sẽ dần phục hồi. Song, sẽ không có chuyện “sốt đất” xảy ra như đầu năm 2022. Dòng tiền room tín dụng mới tuy không nhiều nhưng giúp thị trường có thêm giao dịch từ người mua nhà thực và các nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ”, Chủ tịch VARS dự báo.

Trong Công điện số 1156 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, trong đó có xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, thách thức.

 

Chia sẻ trên báo Chính phủ, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, Chính phủ luôn nhất quán với quan điểm chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước là vốn tín dụng phải đưa vào các lĩnh vực ưu tiên, hướng vào sản xuất kinh doanh. Do đó, dù nới room tín dụng nhưng một số lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro hoặc không tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế sẽ không dễ tiếp cận vốn trong dịp cuối năm.

Với lĩnh vực bất động sản, tín dụng cho người có nhu cầu thực mua nhà hoặc sửa chữa nhà ở sẽ được ưu tiên hơn, trong khi việc kinh doanh hay đầu cơ bất động sản sẽ rất khó vay tiền.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.