Theo báo cáo cập nhật về CTCP Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán: PHR), Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, doanh nghiệp đang xúc tiến làm hợp đồng hợp tác đầu tư với VSIP III trong năm nay với tỷ lệ lợi ích 20% tại Khu công nghiệp (KCN) VSIP III.
Hiện, dự án đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay. Việc KCN này đi vào hoạt động trong năm nay sẽ hỗ trợ thu nhập tài chính của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Cao su Phước Hòa cũng dự kiến sẽ ghi nhận 200 tỷ đồng tiền đền bù còn lại từ VSIP III vào quý I này.
TPS cho rằng, nếu các thương vụ bàn giao đất cho các dự án KCN Lai Hưng (Becamex) và Khu xử lý chất thải rắn (Biwase) hoàn thành cũng sẽ đem lại nguồn thu đột biến cho Cao su Phước Hòa.
Doanh nghiệp cho biết sẽ thương lượng với các bên khác với mức đền bù tối thiểu 2,5 tỷ đồng/ha. Theo TPS, phần thu nhập bất thường từ bàn giao đất này sẽ tiếp tục ổn định lợi nhuận Cao su Phước Hòa khi các dự án KCN vẫn trong giai đoạn phát triển.
Bên cạnh đó, đối với doanh thu cho thuê đất KCN, trong năm nay, Cao su Phước Hòa dự kiến thực hiện ghi nhận một lần đối với 5 ha đất KCN đã được cho thuê vào 12/2022.
Theo công ty chứng khoán này, tăng trưởng nguồn thu KCN của Cao su Phước Hòa sẽ bắt đầu từ năm 2024 và 2025, khi KCN Tân Lập và Tân Bình giai đoạn 2 đi vào hoạt động.
Trước đó, mảng cho thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ duy trì mức doanh thu hằng năm nhờ phân bổ các hợp đồng cho thuê trước đó với tỷ suất lợi nhuận tăng nhẹ đến từ giá trị hợp đồng mới cao hơn do quỹ đất còn lại hạn chế.
Cập nhật tiến độ các KCN đang triển khai của Cao su Phước Hòa, TPS cho biết, năm nay, công ty sẽ cho thuê 6 ha còn lại tại KCN Tân Bình giai đoạn 2 (đã lấp đầy 88% vào cuối năm 2021).
Công ty cũng đưa dự án này vào kế hoạch tổng thể cho giai đoạn 2021 – 2025, dựa trên định hướng mở rộng KCN nhằm gia tăng nguồn thu nhập giai đoạn sau.
Theo TPS, thủ tục pháp lý dự án sẽ sớm hoàn thành, trên cơ sở quy định của Nghị định 35 ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư giai đoạn trước được thực hiện giai đoạn sau, KCN cũng đã đáp ứng điều kiện giai đoạn trước phải đạt độ lấp đầy 60% trước khi thực hiện giai đoạn tiếp theo.
Đối với hai dự án KCN Nam Tân Uyên 3 (do công ty liên kết, Nam Tân Uyên làm chủ đầu tư) và KCN Tân Lập I, các dự án này vẫn đang vướng mắc về mặt pháp lý.
Riêng đối với KCN Nam Tân Uyên 3, TPS cho biết, trên cơ sở kết luận của cơ quan điều tra đang theo hướng thuận lợi cho chủ đầu tư, Nam Tân Uyên vẫn đang tiếp tục làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ vướng mắc và đưa KCN đi vào hoạt động trong 2023.
Ngoài các dự án nêu trên, Cao su Phước Hòa còn có kế hoạch phát triển KCN Đô thị Dịch vụ Hội Nghĩa (715 ha), KCN Đô thị Dịch vụ Tân Thành (625,23 ha) và KCN Đô thị Dịch vụ Bình Mỹ (920,47) ha, hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu tính khả thi của dự án.
TPS cho rằng, các dự án KCN của Cao su Phước Hòa khi đi vào hoạt động sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu và giá thuế tăng nhờ việc gia tăng tính kết nối logistics nhờ lợi thế về vị trí địa lý.
Tỉnh Bình Dương đặt mức giải ngân đầu tư công lớn nhất từ trước đến nay trong năm nay với tổng số vốn địa phương và Trung ương là 21,817 tỷ đồng, qua đó dự kiến tỉnh sẽ tăng cường giải ngân và đẩy nhanh tiến độ phát triển các dự án.
Hiện tại khu vực này đang tập trung rất lớn trong việc phát triển các dự án về giao thông, đặc biệt các tuyến đường có tính liên vùng như Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Mỹ Phước - Tân Vạn, Mở rộng Quốc lộ 13 và các nút giao - hầm chui ngã 5 Phước Kiến đang được tăng tốc nghiên cứu và triển khai.