Các dự án nạo vét lòng sông tại Hà Nội đồng loạt dừng hoạt động

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã yêu cầu một số doanh nghiệp nạo vét lòng sông tạm dừng hoạt động vì phát hiện nhiều bất cập.

Ngày 23/3, chúng tôi di chuyển qua một số dự án nạo vét luồng, tận thu sản phẩm trên sông thuộc địa bàn TP Hà Nội thì nhận thấy các dự án này đều đã dừng hoạt động.

Điển hình, tại sông Hồng đoạn chảy qua huyện Phúc Thọ, những ngày trước đó tàu thuyền của Công ty TNHH Tuấn Quỳnh thường xuyên hoạt động nạo vét và dừng đỗ gần kín cả lòng sông. Tuy nhiên, tới sáng nay, doanh nghiệp này đã dừng hoạt động và di chuyền gần như toàn bộ phương tiện ra khỏi vùng dự án.

cac du an nao vet luong tai ha noi dong loat dung hoat dong
Công ty TNHH Tuấn Quỳnh đã di chuyển hầu hết phương tiện ra khỏi vùng dự án. Ảnh: Nguyễn An

Gần dự án của Công ty Tuấn Quỳnh, Công ty CP Cát Đại Lợi cũng đã dừng mọi hoạt động nạo vét. Tương tự, tại vùng dự án của Công ty T&T trên sông Hồng đoạn chảy qua địa phận quận Hoàng Mai và vùng dự án của Công ty TNHH My Hương trên sông Đuống (địa bàn huyện Gia Lâm) cũng không có tàu thuyền hoạt động nạo vét luồng.

Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xác nhận thông tin, cơ quan này đã yêu cầu một số dự án tạm thời dừng hoạt động.

“Vừa qua, lực lượng của chúng tôi đi kiểm tra và nhận thấy các dự án còn có một số điểm bất cập nên đã yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục. Khi nào doanh nghiệp khắc phục xong những bất cập đó thì chúng tôi sẽ cho hoạt động trở lại,” lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa cho hay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lý do chủ yếu mà Cục Đường thủy nội địa yêu cầu các các dự án nạo vét luồng tại Hà Nội tạm dừng hoạt động là do các doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về việc lắp đặt hệ thống định vị, giám sát trên các phương tiện thi công.

cac du an nao vet luong tai ha noi dong loat dung hoat dong
Tàu thuyền nạo vét và đỗ gần kín sông Hồng trong vùng nạo vét của Công ty Tuấn Quỳnh trước khi dự án tạm dừng hoạt động. Ảnh: Nguyễn An

Trước đó, như chúng tôi đã thông tin, vấn đề nạo vét luồng, tận thu sản phẩm trên sông đang được dư luận hết sức quan tâm. Nhiều người lo ngại việc các doanh nghiệp núp bóng dự án nạo vét luồng để khai thác cát trái phép.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến yêu cầu tạm dừng việc cấp phép nạo vét lòng sông. Yêu cầu này của Thủ tướng đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt lại tới cơ quan chức năng trong buổi làm việc tại Bộ Giao thông Vận tải hôm 21/3 vừa qua.

Cụ thể, tại buổi làm việc, ông Mai Tiến Dũng cho biết: "Thủ tướng nói với tôi, việc cấp phép của Bộ Giao thông Vận tải nên dừng lại, giao cho địa phương.

Với sông thì trách nhiệm quản lý tài nguyên cát sỏi là Bộ Tài nguyên và Môi trường, quản lý nước là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhưng khi cấp phép nạo vét luồng dòng sông thì các doanh nghiệp khai thác lợi dụng việc đó, nạo vét ngay sát bờ. Đây là vấn đề nóng nhất, các địa phương đang phản ứng nhất.

Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải không cấp phép, dừng toàn bộ việc này lại để xem xét, để địa phương quản lý, cấp phép. Việc cấp phép này hiện địa phương không biết, có chuyện bảo kê, xã hội đen dọa lãnh đạo tỉnh.

Đây là vấn đề người ta đang bức xúc, gây ra mất ổn định ở địa phương, vì lợi nhuận kinh khủng nếu khai thác cát trái phép. Đây là lỗ hổng nếu không quản lý tốt”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.