Tháng 5, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục ghi nhận diễn biến ảm đạm ở nhiều loại hình,
Với biệt thự nghỉ dưỡng, số liệu mới công bố từ DKRA cho biết, trên phạm vi cả nước có 1 dự án mới và 2 dự án trong giai đoạn mở bán tiếp theo. Qua đó, cung cấp 90 căn ra thị trường. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng nguồn cung này tăng gấp 9 lần, chủ yếu tập trung tập khu vực miền Bắc (chiếm 66%) và miền Nam (chiếm 34%). Tuy nhiên, nếu so với giai đoạn trước năm 2022 thì vẫn còn ở mức thấp.
Lượng tiêu thụ mới đạt 23 căn, sức cầu thị trường tăng nhưng không đáng kể, giao dịch tập trung chủ yếu ở nhóm sản phẩm pháp lý hoàn thiện, tiến độ xây dựng rõ ràng và giá dưới 10 tỷ/căn. Giá bán nguồn cung mới tại miền Bắc dao động 11,9 - 36,9 tỷ/căn, miền Nam dao động 5,2 - 5,8 tỷ/căn.
"Mặt bằng giá bán sơ cấp vẫn neo ở mức cao, không biến động nhiều so với hồi tháng 4. Vướng mắc pháp lý khiến nhiều dự án chưa thể triển khai, trong khi lượng hàng tồn kho giá trị cao khiến thanh khoản gặp khó. Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư chưa khôi phục cũng là những nguyên nhân chính khiến thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức", DKRA lý giải.
Với nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, thị trường tiếp tục không ghi nhận nguồn cung mới mở bán tương tự tháng 4. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nhiều dự án liên tục dời thời gian triển khai bán hàng khiến nguồn cung mới hạn chế.
Sức cầu chung duy trì ở mức thấp, lượng giao dịch khiêm tốn và chủ yếu tập trung ở nhóm sản phẩm sơ cấp giá dưới 10 tỷ/căn. Ở thị trường thứ cấp, một số sản phẩm có mức giá giảm 30 - 40% nhưng vẫn gặp khó trong thanh khoản.
Theo đơn vị, sức mua giảm mạnh, nguồn cung mới vắng bóng, vướng mắc pháp lý,... đã gây ra những trở ngại đáng kể trong những tháng đầu năm 2024, khiến thị trường gần như rơi vào chu kỳ “ngủ đông kéo dài”.
Với condotel, trên cả nước chỉ có 1 dự án thuộc giai đoạn mở bán tiếp theo, cung cấp 34 căn ra thị trường. Số lượng nguồn cung mới này giảm 76% so với cùng kỳ và tập trung cục bộ tại miền Bắc. Trong khi đó, miền Trung và miền Nam tiếp tục vắng bóng dự án mới mở bán.
Nhiều dự án vướng mắc pháp lý chưa thể tháo gỡ, nhiều chủ đầu tư liên tục dời thời gian triển khai bán hàng khiến nguồn cung đưa ra thị trường hạn chế. Trong khi đó, sức cầu chung ở mức thấp. Lượng tiêu thụ mới giảm 93% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung ở những sản phẩm pháp lý hoàn thiện, giá bán dưới 3 tỷ/căn.
Những khó khăn về pháp lý, nguồn vốn, niềm tin của nhà đầu tư,… đã ảnh hưởng đến nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ. Từ đây, khiến thị trường duy trì trạng thái trầm lắng kéo dài và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn
Đà phục hồi chậm của bất động sản nghỉ dưỡng trong năm nay là điều đã được giới chuyên gia lo ngại từ trước.
Cuối năm ngoái, ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes từng dự báo phân khúc này sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024. Do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, du lịch kém khởi sắc nên khả năng hồi phục sẽ chậm hơn so với những phân khúc khác.
Ở góc độ chuyên gia, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels cảnh báo một số thị trường ven biển tại Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ dư thừa nguồn cung sản phẩm nghỉ dưỡng bởi phát triển nóng nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, tình trạng dư cung tại một số điểm đến trong bối cảnh các nguồn thị trường khách quốc tế chính như Trung Quốc và Nga khôi phục chậm càng gia tăng áp lực cho quá trình khôi phục hoạt động kinh doanh của ngành nghỉ dưỡng Việt Nam.
Còn theo TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), Nghị định 10 giải quyết khó khăn cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng khi giúp tháo gỡ tâm lý của nhà đầu tư về việc cấp sổ condotel.
Tuy nhiên, vấn đề này còn liên quan đến các luật gốc, từ đây dẫn đến hạn chế là ở phía địa phương chưa dám tích cực xử lý. Có những địa phương đưa vấn đề ra họp bàn nhưng vẫn để đó chưa giải quyết được triệt để.