Các dự án vành đai 3, vành đai 4 sẽ được đầu tư theo hình thức chủ yếu là PPP

Về cơ chế thực hiện, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư, các dự án sẽ được đầu tư theo hình thức chủ yếu là PPP.

Ngày 14/5 tại TP HCM, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu để tháo gỡ vướng mắc, tìm cơ chế triển khai nhanh dự án Vành đai 3, Vành đai 4.

Các dự án vành đai 3, vành đai 4 sẽ được đầu tư theo hình thức chủ yếu là PPP - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu kết luận tại buổi làm việc. (Ảnh: Xuân Tình - TTXVN).

Tại cuộc họp, đại diện các địa phương nơi có dự án đi qua kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ chấp thuận, ưu tiên đầu tư 2 dự án nói trên bằng nguồn ngân sách trung ương. 

Riêng với dự án đường Vành đai 2, tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng 4,7km đia qua địa bàn của tỉnh còn tỉnh Bình Dương đảm nhận chi phí xây lắp khoảng 150 tỷ đồng phần 2,16 km thuộc dự án thành phần 2B.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, sau khi đầu tư hoàn thành dự án Vành đai 3, Vành đai 4 sẽ tổ chức thu phí kín, không đặt trạm; trong đó dự án Vành đai 3 quyết tâm hoàn thành trong năm 2025. 

Để đạt được kế hoạch trên, ngay từ lúc này các địa phương phải chuẩn bị giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật và chia ra nhiều dự án để dễ thực hiện.

Còn theo ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án Vành đai 3, Vành đai 4 cần có “nhạc trưởng” là Bộ giao thông Vận tải để tập trung một đầu mối thực hiện các phần việc từ triển khai, đầu tư cũng như xử lý các vấn đề phát sinh. Đồng thời cần có nguồn tiền sẵn, lớn để tập trung chi đền bù giải phóng mặt bằng.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng, điểm nghẽn phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM là kết nối giao thông giữa trung tâm thành phố với các địa phương lân cận; trong đó có dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4. 

Tại 2 dự án này, việc xác định các địa phương (nơi dự án đi qua) là cơ quan nhà nước thẩm quyền quyết định đầu tư và đảm nhận việc giải phóng mặt bằng là vô cùng quan trọng. Hiện nay cần phải có đề án sớm về đường Vành đai 3, Vành đai 4 để trình Quốc hội điều chỉnh một số quy định cho phù hợp với quá trình thực hiện.

Các dự án vành đai 3, vành đai 4 sẽ được đầu tư theo hình thức chủ yếu là PPP - Ảnh 2.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Xuân Tình - TTXVN).

 Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Vành đai 3, Vành đai 4 có ý nghĩa hết sức quan trọng, đóng góp sự phát triển chung của khu vực cũng như cả nước, liên kết các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, liên kết với các tuyến đường bộ, cao tốc, quốc lộ của khu vực cũng như Đông Nam bộ với Tây Nam bộ, khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, các quyết định trước đây của Thủ tướng Chính phủ cũng đã phân cấp để thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện xong tuyến Vành đai 3, Vành đai 4; trong đó, Vành đai 3 chỉ mới có tỉnh Bình Dương làm được 16km, đường Vành đai 4 chỉ có 11 km do tỉnh Đồng Nai xây dựng. 

Vì thế các bộ ngành Trung ương cần phải hướng dẫn các địa phương lập phương án nghiên cứu tiền khả thi dự án, trong đó Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương để đến tháo gỡ vướng mắc, cần thiết sẽ kiến nghị sửa luật trong kỳ họp sắp tới của Quốc hội để triển khai nhanh dự án.

Về cơ chế thực hiện, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư, các dự án sẽ được đầu tư theo hình thức chủ yếu là PPP.  

Các địa phương rà soát các dự án trong phạm vi Vành đai 3, Vành đai 4, nếu dự án nào vi phạm, chậm triển khai thì quyết liệt thu hồi để đấu giá đất phục vụ xây lắp. Đồng thời tổ chức trước giải phóng mặt bằng, tái định cư bằng nguồn ngân sách địa phương, trung ương có hỗ trợ nhưng trên tinh thần không nhiều, địa phương vẫn phải chủ động huy động các nguồn lực.

“Triển khai dự án Vành đai 3, Vành đai 4 cần tính toán đến việc không sử dụng đất rừng, hạn chế qua đất đô thị để đỡ tốn kém chi phí giải phóng mặt bằng cũng như tính toán số làn đường, làm đường song hành, quy hoạch và khai thác quỹ đất 2 bên đường để đấu giá thu tiền phục vụ lại dự án. 

Ngoài ra cần nghiên cứu các quỹ nhàn rỗi, quỹ dự trữ, quỹ bảo hiểm xã hội đang dư cũng như ban hành trái phiếu Chính phủ, địa phương, vay ODA… cho địa phương vay để giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư cho người dân. Đến năm 2025 phải xong Vành đai 3, còn Vành đai 4 đầu tư theo phương thức PPP cần phải làm sớm”, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tuyến Vành đai 3 TP HCM dài 89 km, đi qua Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Dự án được chia thành dự án thành phần 1A, 1B, 2, 3 và 4 để phù hợp với quản lý, huy động nguồn vốn. Hiện nay toàn tuyến chỉ mới đầu tư được 16,3 km.

Trong khi đó, dự án Vành đai 4 (đi qua TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai, Bình Dương) dài 197,6km. Hiện nay chỉ mới có 11 km được đầu tư và đưa vào khai thác đoạn qua Đồng Nai. Các phân đoạn khác chưa triển khai, hoặc chỉ mới duyệt chủ trương đầu tư.

Để sớm triển khai, hoàn thành dự án Vành đai 3, Vành đai 4, về trách nhiệm quản lý chuyên ngành, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương lập dự án, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu, góp ý cụ thể về phương án, quy mô đầu tư, phân kỳ đầu tư, hình thức đầu tư, kết nối với các tuyến giao thông chính trong vùng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai dự án.
chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.