Năm 1956, khi Cục Hàng không Dân dụng được Chính phủ thành lập, đánh dấu sự ra đời của Ngành Hàng không Dân dụng ở Việt Nam.
Tháng 4/1993, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) chính thức hình thành với tư cách là một đơn vị kinh doanh vận tải hàng không có quy mô lớn của Nhà nước.
Dù không có số liệu cụ thể về kết quả tài chính năm đầu tiên hãng ra mắt, nhưng Vietnam Airlines ghi nhận mức tăng trưởng cao sau gần 30 năm ra mắt khi chiếm tới hơn 50% thị phần toàn ngành.
Vietnam Airlines cũng chỉ công bố báo cáo tài chính năm 2007 (12 năm sau ngày khai thác chuyến bay đầu tiên), ghi nhận khoản lãi 435 tỷ đồng.
Theo Saigontimes, năm 2018, hãng đạt 98.950 tỷ đồng doanh thu và 3.312 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất - đây đều là những mốc doanh thu và lợi nhuận kỷ lục trong 25 năm hoạt động.
Vietnam Airlines cán đích năm 2019 với kết quả sản xuất kinh doanh khả quan. Tổng doanh thu hợp nhất đạt 101.188 tỷ đồng (tăng hơn 2.200 tỷ so với năm 2018) và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.369 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sang năm nay, hãng hàng không quốc gia đã chịu ảnh hưởng nặng nề do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Báo cáo tài chính quý III/2020 cho biết, Vietnam Airlines lỗ ròng 10.676 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay. Con số này thổi bay thành quả tổng lợi nhuận 10.380 tỷ đồng của hãng trong 5 năm 2015 - 2019.
Đến cuối tháng 11, Quốc hội đã thông qua gói giải cứu 12.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines. Theo đó, NHNN thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá hai lần cho tổ chức tín dụng để Vietnam Airlines vay bổ sung vốn. Ngoài ra hãng này được chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.
Vietjet Air là hãng hàng không tư nhân giá rẻ đầu tiên ở Việt Nam. Vào ngày 24/12/2011, hãng thực hiện thành công chuyến bay thương mại đầu tiên từ TP HCM đi Hà Nội.
Trước đó, nhiều hãng hàng không như Indochina Airlines, Air Mekong… cũng có màn chào sân đình đám tại Việt Nam, nhưng chỉ một thời gian sau đã biến mất thị trường nên sự ra đời của Vietjet Air không tránh khỏi sự hoài nghi về khả năng “tồn tại”.
Tuy nhiên, sau một năm cất cánh, hãng báo không có lãi nhưng có tăng trưởng khả quan.
Cụ thể, theo Vietnamnet, năm 2012, Vietjet Air vượt kế hoạch doanh thu khoảng 20%, nộp ngân sách Nhà nước 300 tỷ đồng. Thời điểm đó, tuy mới triển khai bay được hơn một năm nhưng hãng dự kiến có lãi ngay trong năm 2013.
Trong bài phỏng vấn với Vietnamnet, Giám đốc Phát triền kinh doanh của Vietjet Air, lúc bấy giờ là ông Desmond Lin, cho biết khi mới bất đầu khai thác bay, hãng không nghĩ tới lợi nhuận trong vài ba năm đầu tiên. Nhưng doanh thu tăng mạnh trong năm 2012 đã khiến Vietjet Air bất ngờ đưa ra kịch bản lãi trong năm cất cánh thứ hai.
Trong năm 2013, hãng hàng không của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đạt mức lợi nhuận trước thuế 1,3 tỷ đồng, theo Nhà đầu tư.
Hiện tại, sau 8 năm hoạt động, hiện tại Vietjet Air đang là hãng vận chuyển hành khách lớn thứ hai ở Việt Nam, chỉ sau Vietnam Group (Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vasco) ở thị trường nội địa. Trong khi đó, tại thị trường quốc tế, Vietjet Air tiếp tục mở thêm các tuyến bay mới đến các thị trường lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia…
Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) được thành lập ngày 31/5/2017 do Tập đoàn FLC sở hữu 100%. Vốn điều lệ ban đầu 700 tỉ đồng đã được nâng lên thành 1.300 tỉ đồng.
Sau khi nhận giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào tháng 11/2018, Bamboo Airways đã cất cánh bay thương mại vào ngày 16/1/2019.
Tuy là một hãng bay mới được nhiều người đánh giá tốt về dịch vụ và giá vé, nhưng Bamboo Airways cũng không tránh khỏi cảnh lỗ trong năm đầu kinh doanh.
Hãng hàng không của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã lỗ 329 tỷ đồng sau ba tháng cất cánh. Đến tháng 6/2019, tại Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn FLC, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cho biết rằng hãng đang thua lỗ do phải duy trì bộ máy nhân sự và cơ sở hạ tầng lớn hơn quy mô khai thác thực tế, kỳ vọng đến quý I/2020 hãng mới có thể có lãi.
"Nhiều cổ đông hỏi Bamboo Airways có lợi nhuận chưa? Tôi xin trả lời là chưa, còn đang phải bù lỗ", ông Quyết lúc đấy cho biết.
Đầu tháng 12/2019, theo Phó Chủ tịch Bamboo Airways Đặng Tất Thắng, sau gần một năm phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng, trong quý I/2020, khi đưa vào khai thác 30 máy bay hãng mới bắt đầu ghi nhận có lãi. Tuy nhiên, đến đầu năm nay, do ảnh hường từ đại dịch, hãng ghi nhận lỗ 1.500 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020.
Ngày 26/12, hãng hàng không Vietravel Airlines chính thức ra mắt sau 12 năm ấp ủ. Hãng sẽ bay chuyến đầu tiên giữa tháng 1/2021, mục tiêu hai năm sau có lãi.
Đây được coi là một quyết định táo bạo của lãnh đạo công ty mẹ Vietravel trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và ngành hàng không, du lịch ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Trao đổi với Zing, Chủ tịch Vietravel Airlines, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết: "Mục tiêu mà Vietravel Airlines đặt ra cho năm 2021 là cố gắng bằng mọi cách giữ cho hòa vốn hoặc lỗ ở mức thấp nhất có thể. Đây là mục tiêu rất tham vọng vì thường các hãng hàng không năm đầu ra mắt thường lỗ.
Kế hoạch tài chính của Vietravel cũng đặt rõ năm đầu tiên Vietravel Airlines có thể lỗ trong mức thấp nhất có thể, cũng đã tính tới phương án đó và chỉ có thể cân lại được vào năm thứ 2, có xét đến bối cảnh thị trường tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch."