Những đề xuất trái ngược từ các hãng hàng không

Trong khi có những doanh nghiệp mong muốn tiếp tục giảm giá, phí dịch vụ thì lại có công ty muốn nâng lên để tìm đường sống.

Tại đại hội thường niên tổ chức ngày 24/11 vừa qua, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nhận định đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ đe dọa đến sự tồn vong của ngành hàng không thế giới.

Hiệp hội cho biết các hãng bay đang cắt giảm chi phí 1 tỉ USD mỗi ngày, dừng bay và giảm nhân công nhưng vẫn phải gánh các khoản lỗ lớn.

"Các hãng hàng không đã cắt giảm chi phí 45,8% so với cùng kì năm ngoái nhưng doanh thu lại giảm tới 61%. Hậu quả là các hãng lỗ trung bình 66 USD trên mỗi hành khách vận chuyển, tổng số lỗ cả năm nay được dự báo là 118,5 tỉ USD. Năm 2021 các hãng có thể tiếp tục lỗ khoảng 38,7 tỉ USD", Tổng Giám đốc IATA Alexandre de Juniac cho biết.

Dự báo thua lỗ mới nhất mà IATA đưa ra nghiêm trọng hơn nhiều so với ước tính hồi tháng 6, đó là lỗ 84,3 tỉ USD năm 2020 và 15,8 tỉ USD năm 2021.

 IATA đánh giá các hãng hàng không tại Bắc Mỹ và Châu Á - Thái Bình Dương là nhóm chịu thiệt hại nặng nề nhất với số lỗ trong năm 2020 ước tính lần lượt là gần 46 tỉ và 32 tỉ USD. Nhu cầu vận tải toàn cầu năm nay dự kiến giảm 66% so với năm 2019.

Đề xuất trái ngược từ các doanh nghiệp hàng không - Ảnh 1.

Hãng hàng không muốn giảm giá, phí

Tại Việt Nam, các hãng bay cũng không tránh khỏi vòng xoáy thiệt hại. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (gồm ba hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) ước tính doanh thu cả năm nay sẽ giảm quá nửa so với năm 2019, lỗ dự kiến khoảng 14.000 - 15.000 tỉ đồng, thâm hụt dòng tiền cũng vào khoảng 15.000 tỉ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm cho thấy Vietnam Airlines đã lỗ sau thuế 10.675 tỉ đồng.

Vietjet Air sau 9 tháng 2020 đã lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 2.658 tỉ đồng, lỗ sau thuế gần 883 tỉ đồng. Cả năm 2020, công ty đặt mục tiêu hoà vốn.

Bamboo Airways - hãng hàng không thuộc Tập đoàn FLC - chưa là công ty đại chúng nên không công bố báo cáo tài chính. Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc Hải chia sẻ: "Bamboo Airways cũng gặp nhiều khó khăn vì đại dịch và cũng chịu thua lỗ tương ứng với qui mô như các hãng khác. Đội bay của Bamboo Airways bằng 1/3 của Vietjet và bằng 1/4 của Vietnam Airlines thì số lỗ của Bamboo Airways cũng tương tự như vậy".

Phát biểu tại Hội thảo "Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam" tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Trưởng Ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines đánh giá thị trường nội địa đã có những dấu hiệu phục hồi nhanh về sản lượng khách. 

Tuy nhiên, sức mua của thị trường còn yếu, thị trường dư thừa tải cung ứng khiến cho giá vé và doanh thu của các hãng giảm mạnh. Thị trường quốc tế chỉ mở cửa hạn chế để đưa đồng bào hồi hương và vận chuyển chuyên gia.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương - Phó Tổng Giám đốc Vietjet cho biết trong năm 2020, công ty đã phải bán nhiều loại tài sản tích luỹ trong những năm qua để cải thiện tình hình tài chính. Vietjet thuê khai thác toàn bộ 75 tàu bay nên nếu kết quả kinh doanh quá kém sẽ dẫn tới việc gánh nặng lãi vay tăng lên, bà Phương cho biết. Ban lãnh đạo Vietjet đã tự nguyện cắt giảm thù lao từ 50 đến 80%, cấp càng cao lại càng giảm nhiều.

Đề xuất trái ngược từ các doanh nghiệp hàng không - Ảnh 2.

Hội thảo "Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam". (Ảnh: Song Ngọc).

“Bên cạnh đó, Vietjet Air đã thực hiện nhiều giải pháp như: Mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển các dịch vụ phụ trợ, thẻ bay Power Pass, tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không Nội Bài. Đồng thời, Vietjet đã triển khai các chương trình để giảm chi phí trên mỗi đơn vị giờ khai thác từ 35 đến 45%. Với tình hình khó khăn hiện nay, ước tính Vietjet Air thiếu hụt khoảng 7.000 - 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh”, Phó Tổng Giám đốc Hồ Ngọc Yến Phương nói.

Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Khắc Hải mong muốn Nhà nước kéo dài thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không từ hết năm 2020 thành hết năm 2021, đồng thời nâng mức giảm từ 30% hiện nay thành 70%.

Đại diện Bamboo Airways cũng mong muốn kéo dài thời gian giảm 50% phí cất - hạ cánh và phí điều hành bay theo qui định tại Thông tư số 19/2020/TT – BGTVT, cũng như giãn thời hạn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng.

Lãnh đạo Vietnam Airlines và Vietjet cũng mong muốn tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, miễn hoặc giảm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước qui định khung giá, ...

Bên cạnh đó, đại diện hai hãng bay tư nhân là Vietjet và Bamboo Airways còn muốn được tiếp cận gói hỗ trợ thanh khoản thông qua kênh tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, tương tự như chính sách ưu đãi mà Quốc hội mới phê duyệt cho Vietnam Airlines.

VATM muốn nâng phí điều hành bay

Ông Nguyễn Công Long - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đề xuất Nhà nước cho phép các doanh nghiệp hàng không - trong đó có VATM - được hoãn nộp thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 12/2020, miễn hoặc giảm thuế sử dụng đất năm 2020.

Tuy nhiên, VATM không đồng tình với đề xuất kéo dài thời gian giảm 50% giá cất hạ cánh và điều hành bay mà các hãng hàng không nêu ra. 

Theo kế hoạch được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, tổng sản lượng điều hành bay năm 2020 của VATM chỉ bằng 44,8% thực hiện năm 2019. Tuy nhiên do dịch Covid-19 hai lần bùng phát, VATM ước tính chỉ thực hiện được gần 91% kế hoạch đề ra, tương đương gần 41% thực hiện năm 2019. Theo đó, doanh thu năm nay cũng chỉ bằng khoảng 41% năm ngoái.

"Việc áp dụng chính sách giảm 50% giá cất hạ cánh và điều hành bay từ 1/3 đến 31/12/2020 khiến cho tổng doanh thu, lợi nhuận và số tiền nộp ngân sách của VATM đều giảm mạnh", ông Long nói. "Nếu tiếp tục áp dụng chính sách giảm 50% giá điều hành bay với các đường bay nội địa trong năm 2021, VATM sẽ giảm 300 tỉ đồng doanh thu và mất cân đối thu chi".

Đề xuất trái ngược từ các doanh nghiệp hàng không - Ảnh 4.

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Song Ngọc).

"Trong những tháng dịch bệnh, tuy mật độ, lưu lượng bay thấp nhưng VATM vẫn phải vận hành toàn bộ trang thiết bị máy móc nên chi phí vẫn cao. Đa số chi phí của VATM là chi phí cố định", Phó Tổng Giám đốc VATM cho biết.

"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc hỗ trợ doanh nghiệp hàng không. Nhưng VATM cũng là một doanh nghiệp hàng không, chúng tôi cũng bị ảnh hưởng, thậm chí là bị ảnh hưởng nhiều hơn các hãng hàng không. Một là bị giảm sản lượng, hai là chậm có tiền do các hãng chậm thanh toán, ba là bị giảm giá điều hành bay 50%", ông Nguyễn Công Long trình bày.

chọn
Incomex thoát lỗ 2024 nhờ khoản lãi đột biến, đang bắt tay với công ty con BIM Group làm dự án ở Vĩnh Phúc và Long Biên
Quý IV/2024, Incomex bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, nhờ đó thoát lỗ trong năm 2024. Doanh nghiệp hiện đang bắt tay với Catalan Land để hồi sinh dự án Xuân La, đồng thời hợp tác với công ty con của BIM Group đầu tư hai dự án bất động sản ở TP Phúc Yên và quận Long Biên.