Các hãng xe đổ tiền mở rộng nhà máy tại Việt Nam

Không thể "cố đấm ăn xôi" với xe nhập khẩu, nhiều hãng mở rộng đầu tư vào nhà máy để lắp ráp trong nước.

Hôm 14/1, Ford công bố đầu tư thêm 82 triệu USD để mở rộng nhà máy ở Hải Dương, hướng tới mục tiêu tăng tỉ lệ nội địa hóa. Với khoản tiền mới, công suất nhà máy được kì vọng nâng từ 14.000 xe/năm lên 40.000 xe/năm.

Thực tế, Ford Việt Nam mới chỉ bán ba mẫu xe lắp ráp trong nước là EcoSport, Transit và Tourneo. Doanh số tổng ba mẫu này trong 2019 là 8.941 xe, tức nhà máy vẫn dư thừa công suất so với tốc độ bán hàng. Tuy vậy, hãng vẫn đầu tư mở rộng nhà máy, mua thêm dây chuyền sản xuất, bởi sẽ có thêm những mẫu xe mới cần lắp ráp và đẩy mạnh trong tương lai, gần nhất là Escape.

Trong khuôn viên nhà máy, Escape đã bắt đầu được chạy thử trên đường thử mới dài 800 m, đáp ứng đúng yêu cầu của Nghị định 116 ban hành cuối 2017. 

Chiếc crossover có thể ra mắt thị trường trong quý II năm nay. Đại diện hãng cũng cho biết không loại trừ khả năng đưa Ranger về lắp ráp. Tình huống này khó xảy ra hơn, bởi Thái Lan vốn là đại nhà máy lắp ráp xe bán tải của hầu hết các hãng xe, phục vụ cho thị trường cả thế giới. 

Nhờ đạt lợi thế quy mô, xe Ranger nhập từ Thái sẽ rẻ hơn so với tự lắp ráp tại Việt Nam. Bởi lẽ, xe lắp ở Việt Nam vẫn phải nhập khẩu linh kiện, những khoản này bị đánh thuế cao.

"Nếu không đầu tư lắp ráp, hãng sẽ khó cạnh tranh", một chuyên gia chiến lược nhận định. Vị này cho rằng, nhập khẩu đi ngược với định hướng của Chính phủ cho ngành bốn bánh nên sẽ gặp nhiều khó khăn so với xe lắp ráp trong thời gian tới.

Trước Ford, nhiều hãng cũng đã khởi công, khánh thành hoặc có dự án mở rộng nhà máy. 

Sau nghị định 116 ra đời cuối năm 2017, nhiều hãng ồ ạt thuê đất để mở rộng nhà máy nằm trong các khu công nghiệp. Giữa năm 2018, Toyota thuê thêm 9,1 ha đất nông nghiệp để mở rộng nhà máy, làm đường thử 800m theo quy định. Diện tích hiện tại của nhà máy này là 21 ha. 

Honda cùng khoảng thời gian đó cũng đề nghị được tăng công suất và vốn đầu tư. Tập đoàn Thành Công cũng ký kết với Hyundai Hàn Quốc để sớm xây dựng nhà máy thứ hai để lắp ráp xe Hyundai, ngoài nhà máy hiện tại ở Ninh Bình.

Các hãng xe đổ tiền mở rộng nhà máy tại Việt Nam - Ảnh 1.

Công nhân hoàn thiện xe trong nhà máy của Mazda. (Ảnh: Đức Huy).

Ngoài ra, các hãng cũng đang có nhiều dự án như Mitsubishi có dự án nhà máy ở Nghệ An hay TC Motor thêm nhà máy mới ở Quảng Ninh.

Với hai ông lớn Thaco và VinFast, việc đầu tư nhà máy để lắp ráp, sản xuất ôtô còn rõ ràng hơn. Ngay trước khi Nghị định 116 ra đời cuối 2017, ngày 2/9/2017 Vingroup đã khởi công xây dựng nhà máy VinFast trong tổ hợp đất rộng 335 ha ở đảo Cát Hải, Hải Phòng, với công suất nhà máy dự kiến lên tới 500.000 xe/năm.

Thaco gần đây nhất khánh thành nhà máy Kia nâng cấp hồi tháng 9/2019, trước đó là nhà xe du lịch cao cấp phục vụ lắp ráp Peugeot tháng 5/2019 và trước nữa là nhà máy Mazda mới năm 2018.

Những kế hoạch mở rộng sản xuất của các hãng được kỳ vọng thay đổi tỷ trọng của xe lắp ráp trong tổng doanh số các năm tới. Năm 2019, doanh số xe lắp ráp toàn VAMA giảm 12% so với cùng kỳ 2018, trong khi xe nhập khẩu tăng tới 82%. Lượng xe lắp ráp bán ra được cân bằng phần nào nhờ xe Hyundai do TC Motor lắp ráp. Hãng này tăng 25% doanh số so với 2018.

Trong thời gian tới, các hãng lắp ráp đang tích cực đề xuất các cơ quan Chính phủ phê duyệt thêm những chính sách có lợi, nhằm tạo khoảng cách với xe nhập khẩu. Trong đó, đề xuất miễn thuế TTĐB cho phần sản xuất trong nước là thứ nhiều hãng mong đợi nhất.


chọn
Tiến độ Vinhomes Vũ Yên
Vinhomes Vũ Yên có tổng diện tích hơn 877 ha, tổng mức đầu tư 44.044 tỷ đồng. Vingroup cho biết, đến nay đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động 46 căn shophouse và 1.076 căn nhà liền kề...