Các mức phạt nếu không cứu giúp người bị tai nạn giao thông

Không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu sẽ bị phạt từ 500.000 đến 2.000.000 đồng.

Một thực tế xảy ra hiện nay là khi gặp những vụ tai nạn giao thông xảy ra mọi người đều thờ ơ đi qua hoặc tò mò đứng lại nhìn mà không cứu giúp người bị tai nạn. Thực trạng này dẫn đến nhiều hoàn cảnh đáng tiếc xảy ra, có những nạn nhân đáng ra có thể sống xót nếu họ được cứu kịp thời. Tôi nhớ hình như có quy định phạt tiền về việc này. Xin hỏi có việc phạt tiền không? Pháp luật có quy định trách nhiệm phải giúp đỡ nạn nhân không?

Độc giả: Thạch Thảo

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:

Theo quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn:

- Bảo vệ hiện trường.

- Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn.

- Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;

- Bảo vệ tài sản của người bị nạn.

- Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định này…

Để các quy định nói trên được áp dụng vào thực tế một cách hiệu quả, pháp luật cũng quy định việc xử lý người có hành vi không cứu giúp người bị tai nạn giao thông.

Theo đó, trường hợp không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu. Đối với cá nhân có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 nếu gặp người bị tai nạn có khả năng giúp đỡ, có yêu cầu giúp đỡ mà không cứu giúp. Đối với tập thể trong trường hợp này có thể bị phạt từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng.

Trong trường hợp người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo quy định tại Điều 102 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với hình phạt cao nhất lên đến năm năm tù.

Còn theo Bộ luật hình sự 2015 (đã hoãn thời hạn thi hành) quy định về “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” thì người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp. Phạm tội dẫn đến hậu quả 2 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Như vậy, khi chứng kiến một vụ tai nạn giao thông người dân phải có trách nhiệm bảo vệ hiện trường; giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất; bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
ĐHĐCĐ KSF: Hướng đến thành cổ đông chiến lược của SCG, dồn lực cho siêu dự án Wonder Tower tại Ciputra
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo KSF cho biết, trong ba năm tới sẽ tập trung hoàn thành ba dự án Golden River, Sky City và Wonder Tower. Trong ba năm tới doanh nghiệp cần tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng, doanh thu dự kiến trên 50.000 tỷ đồng.