Về cơ bản, cách làm xôi hình cá chép cúng ông Táo cũng tương tự như cách làm xôi thông thường. Chỉ khác ở chỗ là bạn cần chuẩn bị thêm khuôn để hoàn thiện “chú cá chép” một cách đẹp mắt nhất.
- 1 kg gạo nếp
- 350g thịt gấc tươi
- 1 muỗng canh rượu trắng
- 200g đậu xanh
- Dầu ăn, mỡ gà, đường, muối, nước cốt dừa
- Khuôn xôi hình cá chép
Bước 1: Vo sạch gạch nếp rồi ngâm gạo trong nước lạnh khoảng 6 tiếng để gạo ngậm no nước, hoặc ngâm nước ấm trong khoảng 4 tiếng.
Bước 2: Trộn thịt gấc với rượu trắng và 1 thìa dầu ăn để giúp phần thịt gấc mềm và lên xôi được bóng. Có thể thay thế dầu ăn bằng mỡ gà rán.
Bước 3: Gạo nếp để ráo sau đó trộn kỹ với phần thịt gấc. Đậu xanh bỏ vỏ ngâm khoảng 1 tiếng sau đó cho thêm chút đường và hấp chín. Tán nhuyễn thành bột mịn.
Bước 4: Dùng xửng hoặc các chõ đồ xôi chuyên dụng cho nước vào khoảng 1/3 và đun sôi. Cho phần gạo đã trộn cho vào xửng. Khi nước sôi trở lại và hơi nước bốc lên, mở vung xới đều một lần cho xôi gấc chín đều.
Bước 5: Lần 1 đồ xôi khoảng 30 phút sau đó cho mỡ gà vào trộn đều lên. Lần 2 đồ chỉ cần 10 đến 15 phút. Sau khi tắt bếp, nếu thích ăn xôi ngọt thì cho nửa thìa đường vào và trộn đều lên, nếu thích ăn mặn thì cho 1/2 thìa muối vào và trộn đều.
Bước 6: Quét một lớp dầu ăn thật mỏng quanh lòng khuôn hình cá chép để tạo độ bóng. Tiếp đó, lấy phần đậu xanh và nén vào phần đáy lõm nhất của khuôn. Cho xôi vào khoảng 1/3 khuôn và nén chặt.
Bước 7: Thêm một phần đậu xanh ở giữa và cũng nén chặt. Sau cùng, cho xôi đầy khuôn và nén chặt lại. Đặt úp lên đĩa sau đó nhẹ nhàng rút khuôn ra là xôi cá chép đã hoàn thành.
Thạch rau câu cá chép là một hình thức biến tấu không những lạ mắt mà còn thơm ngon, đem lại sự hấp dẫn cho mâm cỗ cúng ông Công ông Táo trong dịp 23 tháng Chạp.
- 1,2l nước lọc (hoặc kết hợp 500ml nước dừa xiêm và 700ml nước lọc)
- 1g muối
- 80 - 90g đường cát trắng hoặc đường phèn
- 2 lá nếp
- 12g bột rau câu dẻo (tương đương 1 gói bột rau câu con sóc vàng)
- Pha màu: 3g trà thái đỏ, 6 hoa đậu biếc, 4 quả hạt dành dành, nước cốt dừa, sữa đặc
Bước 1: Cho nước vào một chiếc nồi, lá nếp cuộn vò nhẹ cho vào luôn cùng nước. Cân chuẩn lượng đường trộn cùng bột rau câu khuấy đều.
Bước 2: Cho từ từ bột rau câu vào nồi nước lạnh tránh vón cục, sau đó để rau câu nghỉ 30 phút.
Bước 3: Tiếp tục pha màu tím, cam, vàng với mỗi màu 100ml nước sôi, để nghỉ 15 phút thì lọc bỏ để lấy được màu cốt tự nhiên.
Bước 4: Đun thạch trên bếp khuấy một chiều đến khi sôi hạ lửa nhỏ. Chuẩn bị khuôn cá chép hoặc thỏi vàng để đổ.
Bước 5: Pha màu cà phê đen cùng nước thạch trộn đều đổ lớp vây cá. Đợi lớp rau câu se mặt thì pha tiếp màu vàng cam từ trà thái đỏ đổ lên một lớp nữa. Có thể cho thêm phô mai con bò cười hoặc trân châu giòn vào phần nhân cá.
Bước 6: Đổ lớp trắng pha thạch cùng nước cốt dừa để hoàn thiện cá. Điểm mắt cá bằng hạt đậu đen ngâm nở. Đợi nguội và lấy ra trang trí lên đĩa, sắp xếp trang trí theo sở thích.
Bánh trôi cá chép là một lựa chọn khác cho “hội chị em nội trợ” có cơ hội thể hiện sự khéo léo và đảm đang trong ngày cúng ông Táo năm nay.
- 500g bột gạo nếp
- 100g thịt gấc
- 200g đường phèn làm nhân
- 10g bột trà xanh
- 10g bột cacao
- 100g bí ngô
- 250ml nước ấm
- Vừng/Mè
Khâu nhào bột
Bước 1: Luộc chín bí ngô rồi nghiền nhuyễn.
Bước 2: Đổ 150ml nước nóng từ từ vào 300g bột nếp và nhào tới khi bột dẻo mịn, không quá khô hoặc quá nhão, để có bột nặn màu trắng.
Bước 3: Trộn đều bí ngô nghiền nhuyễn với một phần bột nặn màu trắng, gia giảm thêm nước và bột nếu cần để có bột nặn màu cam.
Bước 4: Trộn đều thịt gấc với một phần bột nặn màu trắng, gia giảm thêm nước và bột nếu cần để có bột nặn màu đỏ.
Khâu làm nhân bánh
Bước 1: Cắt đường phèn thành từng miếng vừa nhỏ phù hợp với khuôn cá chép.
Bước 2: Rang vừng đến khi nghe mùi thơm thì tắt bếp.
Khâu nặn và nấu bánh trôi
Bước 1: Dùng khuôn silicon để tạo hình cá, cho viên đường vào bụng cá, vê bột lấp kín phần đường.
Bước 2: Sau khi đã nặn bột xong, đun sôi nước rồi vặn lửa nhỏ vừa, rồi nhẹ nhàng thả các con cá đã nặn vào.
Bước 3: Khi thấy bánh nổi lên mặt nước, vớt bánh ra và thả vào chậu nước đun sôi để nguội để bánh bớt dính. Sau đó, cho bánh ra đĩa và gạn bớt nước.
*Lưu ý, bánh trôi cá chép không nên luộc lâu vì sẽ làm hình cá bị mất nét. Mỗi con cá nên được nặn vừa vặn viên chè có kích cỡ bằng quả bóng bàn.