Theo nghi lễ cổ truyền của dân tộc Việt Nam, cá chép được xem là “ngựa” để ông Công ông Táo cưỡi để bay về trời báo cáo công việc trong gia đình của một năm cũ. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc rằng tại sao ông Công, ông Táo lại cưỡi cá chép mà không phải là một con vật khác.
Bởi từ xa xưa, dân gian vẫn truyền nhau về câu chuyện “Cá chép vượt vũ môn hóa rồng”. Tương truyền rằng khi trời đất mới hình thành, trời đã làm ra mưa gió nhưng do bận tạo người và vạn vật nên đã sai rồng phun nước xuống trần gian làm ra mưa. Thế nhưng, rồng trên trời quá ít nên mới đặt ra một cuộc thi, gọi là “thi Rồng”.
Cuộc thi có ba vòng với ba đợt sóng dữ dội và bất kỳ con vật nào vượt qua sẽ biến thành rồng. Trong số những con vật tham gia, cá chép đã chiến thắng bằng sự quyết tâm và không nản lòng. Từ đó, cá chép biến thành rồng và bay lên trên trời để phun mưa và khôi phục lại cuộc sống ấm no dưới hạ giới.
Vì lẽ đó, “Trong tiềm thức dân gian người Việt xưa, cá chép có thể hóa rồng và bay lên được. Vì vậy, người Việt đã Việt hóa phong tục cúng ông Công ông Táo và chọn cá chép làm phương tiện để táo bay lên trời”, theo Giáo sư Kiều Thu Hoạch - Nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu văn hóa dân gian.
Ngoài ra, Giáo sư Trần Lâm Biền cho biết, trong âm dương, cá chép tượng trưng cho tính âm, đồng nhất với mặt trăng nên được cho là có thể bay lên trời được. Do đó, chỉ có cá chép mới có thể đưa ông Táo về trời mà những con vật khác đều không thể.
Tục lệ thả cá chép cúng ông Công ông Táo mang ý nghĩa “cá chép hóa rồng”. Cá chép đưa ông táo về trời để bẩm báo mọi chuyện trong năm cũ ở dưới trần gian với Ngọc Hoàng.
Theo đó, những con cá chép cúng trong ngày 23 tháng Chạp phải là những con cá chép màu đỏ, to khỏe mạnh và vảy cá còn nguyên vẹn, không bị tróc. Sau khi thực hiện nghi cúng, người ta sẽ thả cá ở ao, hồi nước sạch để cá chép kịp đưa ông Táo bay lên thiên đình trước 12 giờ trưa ngày 23/12 Âm lịch.
Bởi thế, cứ đến ngày ông Công ông Táo là người Việt lại thực hiện tục lệ thả cá chép và chuẩn bị mâm cúng (thịt heo luộc, gà luộc, xôi gấc,...), văn khấn cúng với mong muốn ông Táo về trời báo cáo những điều tốt đẹp của gia đình trong năm qua.