Cẩm nang cúng ông Công, ông Táo 2023

Cúng ông Công, ông Táo là phong tục truyền thống của của dân tộc Việt Nam. Mỗi khi tháng Chạp đến, nhiều gia đình lại tất bật chuẩn bị mâm cúng để tiễn ông Công, ông Táo về Trời. Hãy cùng tìm hiểu nghi lễ cúng chuẩn nhất năm 2023 qua bài viết.

I. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM CÚNG ÔNG CÔNG, ÔNG TÁO 

Ảnh: Thời gian, địa điểm cúng ông Công ông Táo

Lễ cúng ông Công ông Táo là một trong những phong tục truyền thống tốt đẹp của Việt Nam trước thềm năm mới. Theo sự tích ông Táo về trời, ông Công là người cai quản đất đai, ông Táo (hai ông và một bà) là người chuyên cai quản việc bếp núc.

Ông Công, ông Táo là thần được Thiên Đình cử xuống trần gian để giáp sát những việc làm của người trần và báo về mỗi năm khi chuẩn bị bước sang năm mới. Các vị đóng vai trò như người luận công trạng hay tội lỗi của mỗi người ở dương gian. Theo đó, để tích thêm công đức và có nhiều may mắn, các gia đình Việt sẽ bày mâm cúng để tiễn ông Công, ông Táo về Trời.

1. Cúng ông Công, ông Táo ngày nào? Giờ nào?

Bày mâm cúng tiễn ông Công, ông Táo về Trời là nét đẹp văn hóa của người dân Việt. Tuy nhiên, việc cúng kiếng cũng cần phải lưu ý cúng đúng ngày và đúng giờ để các vị có thể về chầu Trời thuận lợi.

Theo phong tục đưa ông Táo về trời, lễ cúng sẽ diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Như vậy, ứng với lịch năm 2023, ngày đưa ông Táo, ông Công về Trời sẽ nhằm thứ Bảy, ngày 14/1 Dương lịch.

Ngoài ra, các chuyên gia phong thủy còn cho rằng, lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về Trời báo cáo Ngọc hoàng, tức trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Theo đó, tùy vào điều kiện của từng nhà có thể cúng ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp.

Bên cạnh đó, ngày giờ cúng ông Công, ông Táo cũng sẽ có sự khác biệt theo từng vùng miền như sau:

1.1. Miền Bắc

Tại khu vực miền Bắc, người dân thường làm lễ cúng từ khá sớm và không bắt buộc phải diễn ra đúng ngày 23 tháng Chạp. Một số gia đình có thể tiến hành cúng từ ngày 20 đến muộn nhất là 12h trưa ngày 23.

1.2. Miền Trung

Đối với khu vực miền Trung, nhiều gia chủ sẽ tiến hành cúng ông Công, ông Táo vào đêm 22 hoặc rạng sáng ngày 23 tháng Chạp. Lễ được tiến hành tùy vào điều diện thời gian của mỗi gia đình.

1.3. Miền Nam

Ở khu vực miền Nam, người dân thường làm lễ vào buổi tối, vào khoảng 20h - 23h ngày 22 tháng Chạp. Có sự khác biệt này bởi theo người miền Nam nên tiễn ông Táo lên gặp Ngọc Hoàng vào thời gian gia đình không còn sử dụng đến bếp để nấu ăn trong ngày nữa.

2. Cúng ông Công, ông Táo ở đâu là tốt nhất?

Bên cạnh việc chú ý về thời gian làm lễ thì việc tiến hành cúng ở đâu cũng cần được lưu ý khi tiến ông Công, ông Táo về chầu Trời. Theo quan niệm dân gian, ông Công là thần thổ và cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà. Trong khi đó, ông Táo là vị thần trông coi việc bếp núc vì vậy lễ cúng cần được tiến hành ở dưới bếp.

Trên thực tế nhiều gia đình sẽ lập bàn thờ riêng để thể hiện sự kính trọng đối với các vị thần. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện của mỗi gia đình và không gian thờ cúng mà gia chủ sẽ lựa chọn địa điểm để tiến hành lễ khác nhau.

2.1. Cúng ông Công, ông Táo ở chung cư, ở nhà

Những gia đình có điều kiện về không gian có thể trang bị bàn thờ riêng dành cho ông Công, ông Táo. Theo đó, đến ngày 23 tháng Chạp, gia chủ có thể tiến hành cúng ở khu vực thờ tự này. 

Theo TS. Nguyễn Hoàng Diệp, chuyên gia về lĩnh vực văn hóa, phong thủy, bàn thờ ông Táo nên được đặt ở bếp, có thể bên cạnh hoặc trên bếp thể hiện tín ngưỡng của dân gian thờ vị thần cai quản chuyện bếp núc trong mỗi gia đình với mong muốn giữ cho bếp lửa luôn ấm, gia đình thuận hòa, sung túc.

Bên cạnh đó, nếu gia đình không có bàn thờ riêng có thể tiến hành cúng trên bàn thờ gia tiên hoặc trang bị khu vực cao ráo, trang nghiêm để tiến hành lễ.

2.2. Cúng ông Công, ông Táo ở cửa hàng

Đối với cửa hàng, việc cúng ông Táo tùy thuộc vào mô hình kinh doanh của đơn vị. Nếu tại cửa hàng có bếp núc và diễn ra hoạt động nấu nướng như nhà hàng, quán ăn, tiệm bánh, quán trà sữa,... thì nên cúng. Các cửa hàng không dùng đến bếp núc thì việc cúng ông Công, ông Táo là không bắt buộc.

Tại cửa hàng, người quản lý có thể bày mâm và tiến hành cúng tại bàn thờ riêng của các vị thần này hoặc ở nơi cao ráo và trang trọng nhất ở khu vực bếp. Nhiều nơi, chủ cửa hàng có thể bày mâm cúng trên bàn thờ Thần Tài.

II. ĐỒ LỄ CÚNG ÔNG CÔNG, ÔNG TÁO

Ảnh: Đồ lễ cúng ông Công, ông Táo

Lễ cúng ông Táo, ông Công hàng năm với người dân Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mỗi công việc chuẩn bị đều được gia chủ chuẩn bị cẩn trọng. Theo đó, trong lễ cúng sẽ có những đồ lễ không thể thiếu.

Thông thường, đồ lễ cúng ông Công, ông Táo sẽ bao gồm ba chiếc mũ Táo quân. Trong đó, hai chiếc mũ ông Táo có cánh chuồn và một chiếc mũ bà Táo không có cánh chuồn. Cả ba chiếc mũ này đều sẽ có màu sắc sặc sỡ và được trang trí lấp lánh.

Ở một số gia đình, người dân chỉ chuẩn bị một chiếc mũ có cánh chuồn để tượng trưng kèm theo áo và đôi hia giấy. Màu sắc áo mũ của ông Công ông Táo có thể thay đổi theo ngũ hành. Bên cạnh đó, nhiều gia chủ còn trang bị thêm vàng thỏi bằng giấy để đốt đi sau lễ cúng. 

Ngoài ra, trong vật lễ cúng ông Táo, ông Công còn được trang bị phương tiện di chuyển cho các vị thần này. Theo phong tục, người dân sẽ đặt lên bàn thờ cúng cá chép còn sống thả trong chậu nước với ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về Trời. Riêng ở khu vực miền Trung, gia chủ sẽ chuẩn bị con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ để các vị thần dùng để cưỡi về Thiên Đình. 

III. MÂM CÚNG ÔNG CÔNG, ÔNG TÁO

Ảnh: Mâm cúng ông Công, ông Táo

Mâm cỗ cúng là phần quan trọng trong ngày đưa ông Công, ông Táo về chầu Ngọc Hoàng. Tùy vào gia cảnh, vùng miền mà mâm cúng có thể khác nhau. Theo truyền thống, mâm cỗ cúng sẽ gồm có chè và trái cây cúng ông Táo cùng những món, lễ vật sau:

- Gạo

- Muối

- Thịt vai heo luộc

- Chén canh mọc

- Món xào thập cẩm

- Giò

- Xôi gấc

- Ấm trà sen

- 3 chén rượu

- Bưởi

- Quả cau

- Lá trầu

- 1 lọ hoa đào nhỏ

- 1 lọ hoa cúc

Theo thời gian, tùy vào điều kiện gia đình và đặc trưng vùng miền, mâm cúng ông Công, ông Táo dần có sự khác biệt giữa các khu vực. Cụ thể như sau:

1. Mâm cúng ở miền Bắc

Mâm cúng tại miền Bắc sẽ có những món đặc trưng riêng mang đậm bản sắc vùng miền. Ngoài ra, tùy vào điều kiện của các gia đình mà mâm cỗ ở miền Bắc cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp. Nhìn chung, mâm cỗ sẽ có những món sau:

- Xôi

- Chè 

- Gà luộc

- Canh măng

- Thịt đông

- Hành muối

2. Mâm cúng ở miền Trung

Mâm cỗ ở miền Trung cũng có nhiều khác biệt so với mâm cúng truyền thống và hai khu vực còn lại. Điểm khác biệt lớn nhất giữa miền Trung và hai khu vực còn lại là phần lễ vật dâng lên ông Công, ông Táo. 

Theo đó, mâm cúng ông Táo của người miền Trung thường sẽ không có giấy tiền vàng mã, thay vào đó họ chọn dâng lên ông Táo một con ngựa bằng giấy, có yên cương đầy đủ.

3. Mâm cúng ở miền Nam

Ở miền Nam, người dân cũng có nhưng điều chỉnh mâm cúng ông Công, ông Táo theo đặc trưng khu vực. Theo đó, mâm cúng của người dân miền Nam thường sẽ có những món ăn sau: 

- Nem

- Giò

- Bánh chưng

- Hành muối

- Gà luộc

- Một đĩa đậu phộng

- Kẹo vừng đen 

IV. HƯỚNG DẪN CÚNG ÔNG CÔNG, ÔNG TÁO

Ảnh: Hướng dẫn cúng ông Công, ông Táo

Cúng ông Công, ông Táo là một trong những phong tục quan trọng của người dân Việt Nam. Theo đó, khi tiến hành cúng đều phải thực hiện theo những trình tự nhất định. Dưới đây sẽ là hướng dẫn chi tiết cách cúng ông Công, ông Táo theo phong tục người Việt.

1. Chuẩn bị trước khi cúng ông Công, ông Táo

Trước khi tiến hành cúng, phải thực hiện công tác chuẩn bị để thể hiện sự trang trọng đối với các vị thần. Theo đó, công tác chuẩn bị sẽ diễn ra với hai nghi thức quan trọng là khấn xin lau dọn và tiến hành lau dọn.

1.1. Khấn xin lau dọn bàn thờ

Bước 1: Tắm rửa sạch sẽ, không để vấy bẩn để thể hiện lòng thành kính. 

Bước 2: Chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên và đọc văn khấn xin lau dọn.

Văn khấn xin lau dọn ban thờ như sau:

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Con xin tấu lạy 9 phương Trời, 10 phương chư Phật, chư Phật 10 phương

Con xin tấu lạy vua cha Ngọc Hoàng thượng đế, Hoàng thiên hậu thổ, ngũ phương ngũ thổ long mạch thổ thần đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ con là:………………Ngụ tại:………………….

Con xin tấu lạy vong linh các cụ gia tiên cửu huyền thất tổ, bà tổ cô và các bà cô các đời, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đó dòng họ.................................. (họ nhà bạn là gì thì thêm vào) tại……............................ (nhà ở đâu,quê ở đâu thì thêm vào)

Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp (hoặc 30 tháng Chạp) ,con xin phép được bao xái lại bàn thờ gia tiên để cho sạch sẽ để tiễn năm cũ,đón năm mới tới, mong chư vị Phật Thánh, các cụ gia tiên tiền tổ, bà tổ cô, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ của họ ............................., chấp thuận.

Nam mô a di đà phật (3 lần).

1.2. Lau dọn ban thờ

Bước 1: Tiến hành làm sạch những vật thờ ở trên bàn thờ. Chuẩn bị một chiếc bàn sạch sẽ bên trên trải giấy đỏ hoặc vải để đặt bài vị. 

Bước 2: Chờ cho hết hương thì gia chủ sẽ lau bài vị hoặc tượng nhờ. Người lau phải dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh, tốt nhất bạn nên nấu nước thơm để rửa bài vị. 

Bước 3: Dọn bát hương, dùng chiếc thìa nhỏ múc từng thìa gio đổ ra ngoài rồi mới rửa sạch bát hương đặt sang một bên. Sau đó lau sạch mặt bàn thờ gỗ bằng khăn mềm và sạch tốt nhất nên dùng khăn mới.

Bước 4: Chờ bát hương khô, dùng bảy tờ tiền vàng đốt hơ quanh, cháy một nửa thì bỏ vào trong, đợi tiền vàng cháy hết thì đổ tro vào một lần và cùng một lúc, như vậy gọi là “ra nhỏ vào lớn”, ý là “tiền ra nhỏ giọt, tiền vào như thác đổ”, gio trong bát hương thể hiện tiền tài.

2. Tiến hành cúng ông Công, ông Táo

Sau khi thực hiện xong bước lau dọn sẽ bắt đầu đến với giai đoạn tiến hành cúng. Ở giai đoạn này, hai nghi thức quan trọng cần thực hiện là bày mâm cúng và khấn bái. Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình cúng ông Táo, ông Công và được các gia chủ đặc biệt chú ý.

2.1. Bày mâm cúng

Bước 1: Đặt các món ăn lên mâm cúng. Các món ăn chính như thịt gà, thịt vịt hoặc thịt heo cần được đặt ở trung tâm. Tiếp theo đó là các món chiên, rán, xào và ngoài cùng là các món canh, hầm. Nước chấm cũng nên sử dụng chén bát riêng cho đồ chấm

Bước 2: Đặt các lễ vật lên mâm cúng. Vàng mã, giấy tiền đặt bên cạnh mâm cơm cúng và đặt ở mâm nhỏ hơn.

2.2. Khấn bái

Sau khi đặt mâm cúng lên, gia chủ thắp hương và tiến hành đọc bài khấn. Đến khi đọc xong bài khấn, cắm hương vào bát hương. Sau khi cúng xong thì lại kính lễ 9 lần. Lễ xong đi lùi ba bước mới được quay lưng đi.

3. Sau khi cúng ông Công, ông Táo

Sau khi hoàn thành nghi thức khấn bái, gia chủ chờ hương cháy 1/3 thì đã có thể tiến hành hóa vàng, thả cá chép và hạ lễ.

3.1. Hóa vàng

Bước 1: Mở rộng cổng chính khi cúng và hóa vàng thì nên để ông Táo, ông Công vào nhà và thụ hưởng. Ngoài ra, khi đốt tiền vàng, cũng nên đốt cho ông Công, ông Táo để mọi người biết phần mình và nhận lễ để không tranh nhau. 

Bước 2: Đốt tiền vàng, gia chủ cũng nên lưu ý đốt cho cháy hết. Không được để quần áo, tiền vàng đốt chưa hết. Như vậy theo quan niệm dân gian thì người âm sẽ không nhận được những phần chưa cháy hết, tức là tiền vàng và quần áo sẽ không nguyên vẹn. 

3.2. Thả cá chép

Thả cá chép từ từ, nhẹ nhàng xuống sông, hồ để cá còn có cơ hội được sống. Khi thả cá, dùng tay từ từ nghiêng miệng bao nilon hoặc đồ đựng cá xuống dưới mặt nước để cá tự bơi ra.

Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý những điểm sau: 

- Không nên dùng tay chạm vào cá để tránh làm mất lớp nhầy trên vảy cá, khiến cá dễ bị nhiễm trùng và chết.

- Không đứng ở thành cầu hay các điểm trên cao ném cá xuống sông, hồ, khiến cá dễ bị ngộp chết.

- Không phóng sinh cá ở những nơi môi trường bị ô nhiễm vì cá sẽ ít cơ hội để sống sót.

V. BÀI CÚNG ÔNG CÔNG, ÔNG TÁO CHUẨN NHẤT

Ảnh: Bài cúng ông Công, ông Táo

Cúng ông Công, ông Táo là phong tục của người dân Việt Nam mỗi 23 tháng Chạp hàng năm. Bên cạnh mâm cúng đề huề cũng những lễ vật được gia chủ chuẩn bị chu đáo thì bài khấn cúng là phần không thể thiếu.

Nhiều gia đình đã giữ nét văn hóa cúng tiễn ông Táo, ông Công mỗi năm nhưng trên thực tế không phải ai cũng biết bài khấn cúng ông Công, ông Táo chuẩn. Theo đó, mỗi khi nhắc đến văn khấn, mỗi khu vực, mỗi thôn xóm lại truyền nhau những dị bản của bài khấn này.

1. Bài cúng ông Công, ông Táo 23 tháng Chạp

Bài khấn cúng ông Táo, ông Công hiện nay có nhiều dị bản. Tuy nhiên, phổ biến sẽ được chia thành bài cúng ngày 23 tháng Chạp - ngày tiễn ông Táo về Trời và ngày 30 tháng Chạp - ngày đón ông Táo trở về.

Dưới đây là những bài cúng ông Công, ông Táo ngày 23/12 Âm lịch được sử dụng phổ biến trong dân gian.

1.1. Văn khấn ông Công, ông Táo tại cơ quan

Nam mô A di đà Phật!

Nam mô A di đà Phật!

Nam mô A di đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là: ……………

Ngụ tại:…………

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp năm Kỷ Hợi tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.

Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô A di đà Phật!

Nam mô A di đà Phật!

Nam mô A di đà Phật!

1.2. Văn khấn ông Công, ông Táo tại cửa hàng

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Phật trời

Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ Chư Vị Tôn Thần

Con Kính lạy ngài Kim Niên Đương Cai Thái Tuế Chí Đức Tôn Thần

Con kính lạy Bản Cảnh Thành Hoàng Chư Vị Đại Vương

Con kính lạy các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc Đức tôn Thần

Con kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân

Con kính lạy các vị Thần Thổ Công, Thổ Địa, Long Mạch Tài Thần cùng các Tôn Thần cai quản khu vực này

Con kính lạy các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ tại trong đất nhà này

Tín chủ (chúng) con là:..

Ngụ tại:...

Nay cuối mùa đông/Tứ quý theo vòng/Hăm ba tháng Chạp

Sửa lễ kính dâng/Hoa quả đèn hương/Xiêm lai áo mũ

Phỏng theo lệ cũ/Ngài là vị chủ/Ngũ tự gia thần

Soi xét lòng trần/Táo quân chứng giám/

Trong năm sai phạm/Các tội lỗi lầm/Cúi xin tôn thần

Gia ân châm chước/Ban lộc ban phúc/Phù hộ toàn gia

Trai gái trẻ già/An ninh khang thái

Cẩn cáo

1.3. Văn khấn ông Công, ông Táo ở bếp

Hôm nay là ngày… tháng… năm. 

Tên tôi (hoặc con là)…, cùng toàn gia ở… 

Kính lạy đức Đông Trù tư mệnh Táo phủ Thần Quân: 

(Có thể khấn thêm: Thổ địa Long Mạch Tôn Thần. Ngũ phương ngũ thổ Phúc Đức chính Thần) 

Hàng năm gặp tiết hết năm, tháng vừa cuối Chạp. Gia đình sửa lễ bạc dâng lên. Cảm tạ phúc dày nhờ Thần phù hộ. Kính mong thần tâu bẩm giúp cho: 

Bếp trong nếp sống rất hòa, ngoài mặt dám rằng cũng đẹp. Cảm thông xin tấu thực thà. 

Cầu mong giúp đỡ lợi lạc. Người người lo ấm, cả nhà thêm tiếng tốt lẫy lừng. Việc việc thành công, một cửa ngút khí lành man mác. Muôn trông ơn đức vô cùng. 

Cẩn cáo (vái 4 vái) 

Nam mô A di đà Phật! 

Nam mô A di đà Phật!

2. Văn khấn ông Công, ông Táo 30 Tết

Bài khấn trong ngày 30 Tết Nguyên đán là bài khấn được sử dụng trong ngày cúng đón ông Công, ông Táo chầu Trời trở về với gia đình. Với bài khấn này mỗi vùng miền cũng sẽ có những dị bản khác nhau và dưới đây là nội dung được dân gian sử dụng phổ biến nhất.

Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương.

Con kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật.

Con kính lạy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh.

Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần.

Con kính lạy ngài cựu niên đương cai Hành khiển: Lỗ Vương Hành Khiển, Ngũ Nhạc chi Thần.

Con kính lạy ngài đương niên Thiên quan: Cự Tào Phán quan.

Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ hổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần.

Nay là phút giao thừa năm... (tên năm Âm lịch), chúng con là..., sinh năm..., nơi ở hiện tại…

Phút thiêng liêng giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới, tam dương khai thái, vạn tượng canh tân. Nay ngài Thái tuế tôn thần trên vâng lệnh Thượng đế giám sát vạn dân dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều để khuyết lưu phúc lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc.

Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa vật phẩm, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án. Cúng dâng Phật Thánh dâng hiến Tôn thần, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.

Chúng con kính mời: Ngài Cựu niên đương cai, ngài Tân niên đương cai Thái tuế chí đức tôn thần, ngài Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương, ngài bản xứ thần linh Thổ địa, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tài thần, các bản gia Táo quân và chư vị thần linh cai quản ở trong xứ này, cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.

Nguyện cho tín chủ: Minh niên khai thái, trú dạ cát tường, thời thời giữ được bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng.

Chúng con kính cẩn tiến dâng lễ vật, thành tâm cầu nguyện. Cúi xin chín phương trời, mười phương chư phật cùng chư vị tôn thần chứng giám phù hộ độ trì.

Nam mô A di đà Phật! (nói 3 lần, cúi lạy 3 lần).

VI. 5 ĐIỀU KIÊNG KỴ KHI CÚNG ÔNG CÔNG ÔNG TÁO

Ảnh: Điều kiêng kỵ khi cúng ông Công, ông Táo

Người dân Việt Nam luôn quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Theo đó, trong những dịp quan trọng, nhất là liên quan đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán đều có những điều kiêng kỵ để tránh mang lại điềm xấu cho gia chủ.

Lễ cúng ông Công, ông Táo cũng không ngoại lệ. Khi cúng, gia chủ cũng cần lưu ý những điều không nên làm để tránh mang lại tai ương cho gia đình dưới đây:

1. Cúng ông Công ông Táo quá 12 giờ trưa ngày 23

Theo quan niệm dân gian, thời gian tốt nhất để thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo là vào khoảng thời gian tối ngày 22 (không cúng sau 11h đêm) và sáng ngày 23 tháng Chạp. Lễ cúng nên tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 vì đây thời điểm các thần quy tụ để chuẩn bị chầu Trời. 

Nếu cúng muộn hơn thì sẽ không báo cáo được với các Táo. Nếu bạn không sát được chính xác thời gian thì bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp đều có thể lựa chọn thời gian phù hợp để cúng ông Công ông Táo. Sau khi cúng xong gia đình chỉ cần thấy hương cháy đến 2/3 là có thể hóa vàng mã và mang cá đi phóng sinh, tiễn ông Táo về Trời.

2. Để đồ lễ cúng trên bàn thờ Phật

Để đồ lễ cúng ông Công, ông Táo trên bàn thờ Phật là điều hết sức kiêng kỵ. Bàn thờ chính của gia đình là nơi thờ phụng các vị thần linh, đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở đây mới thể hiện lòng thành kính của gia chủ với các vị thần linh.

Nếu gia chủ có ban thờ Táo quân ở dưới bếp thì có thể đặt mâm lễ cúng ở đây, song vẫn cần có mâm lễ nữa ở ban thờ chính nhưng tuyệt đối không được để ở bàn thờ Phật.

3. Cầu xin tài lộc, sung túc

Một trong những điều kiêng kỵ không thể bỏ qua khi cúng ông Táo, ông Công là cầu xin tài lộc, sung túc. Đây là điều không nên nhưng thực tế vẫn có nhiều gia chủ mắc phải.

Có rất nhiều người theo thói quen thường cầu xin được làm ăn phát đạt, tấn tài tấn lộc. Tuy vậy, Táo Quân lên thiên đình là để trình báo việc lớn nhỏ của hạ giới với Ngọc Hoàng nên các gia đình chỉ nên khấn và cầu xin Táo Quân báo cáo điều tốt với Ngọc Hoàng là được.

4. Thả cá chép từ trên cao xuống

Cá chép được biết đến như là phương tiện di chuyển của ông Táo khi về chầu Trời mỗi 23 tháng Chạp hàng năm. Theo đó, cá chép cũng được xem là biểu tượng của thần linh và khi thả cá cũng có những lưu ý nhất định.

Việc thả cá chép từ trên cao xuống không những có thể khiến cho cá bị ngộp do thay đổi môi trường đột ngột, không kịp thích ứng. Bên cạnh đó, việc ở trên cao thả cá xuống được xem là hành động thất kính, mạo phạm thần linh.

5. Đốt tiền Âm phủ cho các vị thần

Đốt tiền Âm phủ cho ông Công, ông Táo được xem là điều đại kỵ trong lễ cúng ông Công, ông Táo. Tuy nhiên, nhiều gia đình do có thói quen đốt tiền, vàng mã cho người đã khuất trong gia đình nên thường mắc phải lỗi này.

Như đã trình bày, ông Táo, ông Công đều là thần tiên chứ không phải vong âm nên việc đốt tiền âm phủ là không hợp tình hợp lý. Nếu muốn thể hiện sự thành tâm thì người lớn nhất trong nhà thực hiện lễ cúng cần phải tắm rửa sạch sẽ, súc miệng trước khi vào mâm cúng.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị mâm cỗ và khấn bái theo đúng phong tục, không cần quá cầu kỳ cũng là một cách thể hiện lòng thành của gia chủ.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.