Mặc dù tục tảo mộ đã có từ lâu, thế nhưng cho đến nay vẫn còn một số người chưa thực sự hiểu rõ được hết ý nghĩa cao đẹp của hoạt động này. Dưới đây là một số thông tin về tục tảo mộ mà bạn có thể tham khảo:
Tảo mộ hay còn được gọi là chạp mả, là hoạt động dọn dẹp cỏ dại và lau chùi sạch sẽ những nấm mộ. Ngoài ra, trong hoạt động tảo mộ, mọi người còn có thể sửa sang, tu bổ lại cho ngôi mộ và chăm sóc những cây xanh ở xung quanh phần mộ của người quá cố.
Sau khi hoàn tất công việc chăm sóc phần mộ, mọi người sẽ cùng nhau đem hoa và lễ vật đến để thắp hương mời gọi những người thân đã khuất trong gia đình về nhà đón Tết cùng con cháu.
Tảo mộ được xem là một dịp để các thành viên trong gia đình cùng nhau sum vầy cùng nhau đi thăm viếng những người đã khuất trong năm qua. Tảo mộ còn là hoạt động thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên. Đồng thời, nó cũng là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam nhằm nhắc nhở con cháu về đạo lý “chim có tổ, người có tông” của cha ông ta bao đời nay.
Lâu dần, tảo mộ đã trở thành một nét đẹp truyền thống đặc trưng của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về. Vì vậy, dù có đi xa cả năm nhưng vào mỗi dịp tết, những người con xa xứ đều sẽ trở về quê hương và đi thăm viếng phần mộ của cha ông mình.
Hoạt động này thường sẽ được các gia đình thực hiện trong khoảng các ngày từ 20 tháng Chạp đến ngày 30 tháng Chạp âm lịch. Tùy thuộc vào phong tục tập quán và văn hóa của từng vùng miền mà thời gian tảo mộ cũng sẽ khác nhau.
Ngoài ra, một số địa phương còn có thêm tục tảo mộ trong những ngày đầu năm. Khi đi tảo mộ, bên cạnh việc chăm sóc cho mồ mả của gia đình thì mọi người cũng sẽ cùng nhau để ý đến những ngôi mộ hoang không có người chăm sóc. Điều này phần nào cũng thể hiện được tinh thần đoàn kết và yêu thương của nhân dân Việt Nam ta bao đời nay.
Việc chuẩn bị đồ lễ, cúng cho hoạt động tảo mộ cuối năm là điều vô cùng quan trọng. Để có mâm đồ lễ, cúng được tươm tất và đầy đủ nhất, bạn có thể tham khảo thêm những thông tin sau:
Khi đi tảo mộ vào những ngày cuối năm, việc chuẩn bị đầy đủ các lễ vật là vô cùng quan trọng. Những phần lễ vật mà bạn chuẩn bị cũng là một cách để thể hiện lòng thành và ý nghĩa của hoạt động tảo mộ ngày hôm đó.
Một số lễ vật cơ bản không thể thiếu khi đi tảo mộ như:
- Nhang, đèn
- Trà
- Rượu
- Nước
- Tiền vàng
- Trầu cau
- Trái cây
Đối với một số gia đình thì tảo mộ còn được xem là ngày giỗ chung cho ông bà tổ tiên trong dòng tộc. Vì vậy, khi một số thành viên đi dọn dẹp mồ mả thì ở nhà sẽ có những người chuẩn bị sẵn mâm cúng để dâng lên các chư vị tiên linh.
Bên cạnh những món lễ vật cơ bản cần thiết thì tùy theo truyền thống của từng gia đình mà mâm cúng còn có thể chuẩn bị thêm các món chay hoặc mặn khác nhau.
Đối với mâm lễ chay, bạn có thể chuẩn bị các món như:
- Oản chuối
- Gạo
- Muối
- Chén mật
- Xôi, chè
- Bỏng, bơ
Đối với mâm lễ mặn, một số món ăn thường thấy khi tảo mộ như:
- Chân giò
- Gà luộc hoặc khoanh giò
- Rượu
Về việc nên cúng lễ chay hay lễ mặn còn tùy thuộc vào quan niệm của từng gia đình. Đa số mọi người đều cho rằng, trong ngày tảo mộ chỉ nên cúng bằng lễ chay để hạn chế việc sát sinh, giúp cho vong hồn của ông bà tổ tiên dễ siêu thoát hơn.
Theo phong tục truyền thống của người Việt Nam, các gia đình khi đi tảo mộ cần lưu ý những vấn đề sau:
- Không nên đi tảo mộ vào buổi tối: Thời điểm tốt nhất để đi tảo mộ là khi tiết trời ấm áp, tạnh ráo. Không nên đi quá sớm khi sương còn chưa tan và cũng không nên đi khi trời đã tối vì đây là những thời điểm không khí khá nặng nề, không tốt cho sức khỏe của người đi tảo mộ.
- Không nên đi cúng tế ở những nơi hẻo lánh, nên đi ở những con đường mà mọi người thường đi để tránh gặp phải nguy hiểm. Trong quan niệm phong thủy, khi đi đến những nơi hẻo lánh, âm khí nặng thì cơ thể sẽ rất dễ bị nhiễm lạnh. Trong trường hợp bắt buộc phải đi thì nên đi với nhiều người.
- Trên đường đi nếu có mộ phần, bạn cần phải thật chân thành và cung kính. Trong quá trình tảo mộ không nên làm lộn xộn quá nhiều các mảnh đất vụn hoặc đá vụn để tránh làm ảnh hưởng đến các mộ phần ở xung quanh.
- Mộ phần của ông bà, tổ tiên trong gia đình cần phải được quét dọn cỏ dại, thêm đất và hoa tươi cho phần mộ. Lưu ý, không nên quét dọn cả phía sau phần mộ. Khi dọn dẹp và làm mới phần mộ, con cháu nhất định phải thật cung kính.
- Không được dẫm đạp lên mộ phần hay đá vào đồ cúng ở trên mộ phần của người khác. Đặc biệt, người lớn cần chú ý và nhắc nhở nếu có trẻ em đi cùng.
- Không được nói tục hay chửi bậy trong quá trình đi tảo mộ.
- Không chụp ảnh khi đi tảo mộ.
- Nên mang theo hoa cúc hoặc hoa lay-ơn khi đi tảo mộ để cắm hoặc trồng cảnh cho phần mộ.
- Mang theo lễ cúng.
Bất cứ ai cũng có thể đi tảo mộ vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, những người đang mang bầu và trẻ nhỏ thì nên hạn chế. Bởi lẽ, nghĩa trang là nơi có nhiều âm khí và các loại vi khuẩn sinh ra từ thân thể của những người đã khuất có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và các em nhỏ. Vậy nên, các mẹ bầu đang ở những tháng cuối của thai kỳ, trẻ em dưới 2 tuổi hoặc những người đang ốm nên hạn chế đến nơi này.
Bên cạnh đó, nếu con gái đi tảo mộ thì nên tránh đi vào thời kỳ hành kinh. Những bạn có khí trường yếu, bị yếu bóng vía khi đi tảo mộ về nên bước qua chậu lửa hoặc rắc nước lá buổi để có thể xóa bỏ đi những năng lượng xấu.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. Con kính lạy ngài Địa tạng Vương Bồ Tát.
- Con kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế Chí đức Tôn thần, Kim niên hành binh, Công tào Phán quan.
- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương quản cai nơi nghĩa trang.
- Con kính lạy Ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa Tôn thần.
- Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ Long Mạch Tôn thần, các ngài Tiền Chu tước, Hậu Huyền vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng liệt vị Tôn Thần cai quản trong nơi nghĩa trang này.
Con kính lạy hương linh cụ: …………………...
Hôm nay là ngày …… tháng Chạp năm Nhâm Dần, năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.
Tín chủ (chúng) con là: ………………
Ngụ tại: ………………
Chúng con sắm sanh phẩm vật, hương hoa trà quả, kim ngân tài mã, dâng hiến trình cáo Tôn thần, kính rước vong linh bản gia tiên tổ chúng con là:.. có phần mộ táng tại… được về với gia đình đón mừng năm mới, để cho cháu con được phụng sự trong tiết xuân thiên, báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Tôn thần, Phủ thùy doãn hứa.
Âm dương cách trở
Bát nước nén hương
Thành tâm kính lễ
Cúi xin chứng giám. Phù hộ độ trì
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
(Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn Hóa Thông tin)
Bạn có thể tham khảo thêm những câu thơ và một số hình ảnh về tục tảo mộ ngày Tết để có thêm cái nhìn tốt đẹp về nét đẹp văn hóa này trong nội dung sau đây:
Bài thơ: Tảo mộ ngày xuân
Ra đồng cỏ mọc vươn cao
Mộ chen ngang dọc lối vào vướng chân
Hoa dại nở thấp, mọc gần
Chim sâu, Chuột cống sà lân ruộng cày.
Dòng người viếng mộ hàng ngày
Nay Rằm Tháng chạp lạ thay vắng người
Dọn dẹp mộ sạch sáng ngời
Gương mặt mệt mỏi vẫn tươi vui mừng.
Xuân sang năm mới đón mừng
Ngày mai ông nội về cùng đoàn vui
Cháu nội khôn lớn cả rồi
Sẽ về sum họp tiếng cười giòn vang.
Ngoài trời nắng ánh chiếu vàng
Lòng con ấm áp, chăm ngoan nghe lời
Bố ơi, con ngắm đất trời
Ngắm cây hoa mọc, ngắm nơi bố nằm.
Mùa xuân con đến viếng thăm
Mùa đông dọn cỏ, khai xuân tết về
Tiếng cười rộn tới làng quê
Con buồn con khóc, bố về với con.
Xuân sang tuổi cũ chẳng còn
Chúng con khôn lớn, sắc son từng ngày
Mẹ yêu đầu bạc, mắt cay
Thắp nhang, vun đất, cỏ cây cùng buồn.
Sang năm con lớn khôn hơn
Con sẽ làm việc không còn mải chơi
Mẹ già con hứa đất trời
Sẽ mang vui đến, trọn đời hiếu chung.
(Phạm Bảo An)
Dưới đây là một số hình ảnh ý nghĩa về tục tảo mộ ngày Tết được nhân dân ta gìn giữ và phát huy bao đời nay: