Ngày 13/2, anh Hồ Văn Giới cùng 2 người dân ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My đi đặt bẫy thú trên rừng nguyên sinh đỉnh núi Ngọc Linh. Tại đây, nhóm người này đã thấy một cây sâm Ngọc Linh mọc trên gốc cây Dương Xỉ liền đào về rồi đem về bán cho chị Nguyễn Thị Hồng Thương (trú thôn 3, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My).
Hình ảnh lúc anh Hồ Văn Giới cùng 2 người dân ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My đào được củ sâm Ngọc Linh. Ảnh: Hồng Thương. |
Củ sâm Ngọc Linh sau khi rửa sạch cân nặng 8 lạng, cao gần 1m. Nhiều người đã hỏi mua lại chị Thương với giá gần 400 triệu đồng cho củ sâm trên nhưng chị Thương chưa bán.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam xác nhận việc nhóm người dân đào được củ sâm Ngọc Linh núi tự nhiên nặng gần 8 lạng.
Theo ông Bửu, về giá trị, sâm Ngọc Linh chứa đến 52 hợp chất saponin, là một trong năm loại sâm quý nhất trên thế giới.
Sâm Ngọc Linh được dược sĩ Đào Kim Long phát hiện vào năm 1973 tại vùng rừng nguyên sinh Ngọc Linh, địa phận hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Những năm chiến tranh, người Xê Đăng gọi đây là cây thuốc dấu, dùng để chữa sốt rét, vết thương cho bộ đội.
Sâm Ngọc Linh đào được nặng 8 lạng, cao gần 1m. Ảnh: Hồng Thương. |
Ngày 5/6/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 787 phê duyệt sâm Ngọc Linh là sản phẩm Quốc gia.
Vào ngày 1 đến ngày 3 hằng tháng, huyện Nam Trà My tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh.
Mục đích phiên chợ sâm này, quảng bá sản phẩm sâm củ Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, quy trình trồng cây này.
Cuối năm 2017, khi làm việc với lãnh đạo Bộ KH&CN, ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, Sở KH&CN đã triển khai nhiều biện pháp, chế tài để tăng cường công tác quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh, kiểm soát tình trạng sâm Ngọc Linh giả trôi nổi trên thị trường.
Tuy nhiên, dù có nhiều cố gắng nhưng việc sâm Ngọc Linh bị làm giả và phát triển sản lượng, bảo vệ chất lượng, thương hiệu sâm Ngọc Linh còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm Ngọc Linh củ.
Sở KH&CN, UBND tỉnh Quảng Nam lúc đó đã đề nghị Bộ KH&CN sớm hỗ trợ Quảng Nam triển khai dự án quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm củ, đăng ký mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh.
Đồng thời Bộ KH&CN chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch tuyên truyền về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với cây sâm Ngọc Linh…
Cận cảnh củ sâm Ngọc Linh được trả gần 400 triệu vẫn chưa bán. Ảnh: Hồng Thương. |
Sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên có giá cao nhiều lần so với sâm trồng. Giá sâm Ngọc Linh trồng hiện dao động đến 90 triệu đồng/kg. Ảnh: Hồng Thương. |
Quảng Nam kiến nghị Bộ KH&CN phát triển chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh
Lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ KH&CN triển khai vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh. |