Hầm Kim Liên là hầm chui đầu tiên của Hà Nội. Vào thời điểm xây dựng, công trình được xem là đường hầm hiện đại nhất Đông Nam Á. Khởi công từ năm 2006 với tổng mức đầu tư 467 tỉ đồng, hầm Kim Liên đi vào hoạt động năm 2009. (Ảnh: Pháp luật và Xã hội).
Hầm xe cơ giới này xây dựng tại nút giao thông Kim Liên, nối đường Đại Cồ Việt với đường Xã Đàn. Công trình có chiều dài 644m, chiều rộng hầm 18,5m, chiều cao thông xe trong hầm 4,7m. Ngoài ra, dự án còn xây dựng hầm cho người đi bộ gồm hai nhánh cắt qua đường Lê Duẩn và đường Giải Phóng dài tổng cộng 90m. (Ảnh: Pháp luật và Xã hội).
Hầm Kim Liên là hạng mục giao thông quan trọng của Hà Nội. Công trình đã giúp cải thiện tình trạng ùn tắc tại khu vực Đại Cồ Việt - Xã Đàn. Tuy nhiên, nơi đây thường xuyên xảy ra TNGT do mặt cắt ngang của hầm rất hẹp, dốc trượt, vòng cua; đồng thời ô tô và xe máy lưu thông hỗn hợp trong điều kiện thiếu sáng, âm thanh ồn dễ xảy ra gây tai nạn. (Ảnh: Pháp luật và Xã hội).
Hầm chui Thanh Xuân tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến đi vào hoạt động năm 2016 sau hai năm xây dựng. Hầm có tổng mức đầu tư trên 500 tỉ đồng, sử dụng vốn ODA Nhật Bản (phần còn thừa của dự án đường vành đai 3 trên cao). (Ảnh: Zing News).
Công trình gồm một đường hầm và đường dẫn vào hầm tổng chiều dài 980m, trong đó chiều dài của phần hầm kín là 109m, mặt cắt ngang 14m, 4 làn xe chạy. Hầm có bốn làn xe chạy, mỗi làn 3,5m. Hầm chui được xây dựng theo hướng Nguyễn Trãi - Quốc lộ 6 để tách phương tiện giao thông trên đường Nguyễn Trãi khỏi khu vực giao cắt. (Ảnh: Zing News).
Hầm chui Thanh Xuân kết nối tuyến đường sắt trên cao, đường bộ và cầu cạn Vành đai 3, tạo thành ngã tư 4 tầng xe chạy đầu tiên ở thủ đô. Điều này góp phần giảm tải tình trạng ùn tắc kéo dài trong nhiều năm qua và xung đột giao thông từ các hướng Trần Phú, Hà Đông, Nguyễn Xiển và Khuất Duy Tiến khi qua nút giao này. (Ảnh: Vietnamnet).
Hầm chui Trung Hòa khánh thành cùng ngày với hầm chui Thanh xuân. Hầm có chiều dài gần 700m, theo hướng Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám với tổng mức đầu tư khoảng 700 tỉ đồng. Hầm chui Trung Hòa thông xe giải quyết ách tắc giao thông cho nút giao quan trọng của Hà Nội, nhất là giờ cao điểm. (Ảnh: Zing News).
Phần hầm kín và phần hầm hở phía đường Trần Duy Hưng gồm hai hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 12 m, gồm 3 làn xe cơ giới rộng 3,5 m/làn. Phần hầm hở phía đại lộ Thăng Long gồm 2 hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 16,25 m. (Ảnh: Vietnamnet).
Hầm chui Trung Hòa và Thanh Xuân là hai hầm chui hiện đại nhất của Thủ đô. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hầm chui Trung Hòa thường xuyên xảy ra tình trang ùn tắc vào giờ cao điểm. Lượng phương tiện tăng nhanh ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội khiến hầm chui Trung Hòa quá tải. (Ảnh: Pháp luật và Xã hội).
Ngày 2/10, dự án hầm đường bộ tại nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến sẽ được khởi công. Theo thiết kế, hầm có chiều dài 475m, bao gồm 95m hầm kín, 380m hầm hở. Phần hầm kín nằm phía đường Lê Văn Lương gồm đốt hầm, mặt cắt ngang rộng 19m với 4 làn xe, có dải phân cách giữa, dải an toàn, rãnh thoát nước. (Ảnh phối cảnh hầm chui Lê Văn Lương).
Phần hầm hở nằm phía đường Tố Hữu cũng có 4 làn xe với thiết kế tương tự. Đường chính tuyến Lê Văn Lương được mở rộng 45m với 10 làn xe. Đường Tố Hữu mở rộng 36m do vướng một số tòa nhà chung cư. (Ảnh phối cảnh hầm chui Lê Văn Lương).
Dự án này đã được Hà Nội đưa vào danh mục 52 công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 698 tỉ đồng được trích từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội, thời gian thi công 1,5 năm. (Ảnh phối cảnh hầm chui Lê Văn Lương).
Nút giao thông Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến thường ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm. Dự án được kì vọng sẽ giải quyết xung đột giao thông tại nút giao này và hạn chế ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Dân trí).
Hầm chui (đường màu đỏ) qua đường Giải Phóng và ga Giáp Bát, nối phố Kim Đồng với dự án đường vành đai 2 đoạn Đầm Hồng - Giáp Bát đang thi công. (Ảnh: Google Maps).
Tổng chiều dài của công trình là 730 m (gồm: 110 m đường dẫn cửa hầm phía Đầm Hồng, 520 m hầm (190 m + 140 m + 190 m) và 100 m đường dẫn cửa hầm phía Kim Đồng. Tổng đầu tư cho các hạng mục công trình dự kiến 670 tỉ đồng từ ngân sách thành phố. (Ảnh: Dân trí).
Khu vực Giải Phóng - Đầm Hồng - Giáp Bát được coi là một "điểm đen" ùn tắc tại Hà Nội với mật độ phương tiện lưu thông rất cao, đặc biệt vào giờ cao điểm. Dự án khi hoàn thành được kì vọng sẽ giảm bớt tình trạng ách tắc trên tuyến đường này. (Ảnh: Dân trí)
https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/can-canh-nhung-ham-chui-tram-ti-tai-cac-diem-den-un-tac-nhat-ha-noi-4320200929095257839.htm