Robot TBM "khổng lồ". Ảnh: Đại Việt |
Ngày 26/5, Robot TBM “khổng lồ” đã chính thức bắt đầu khoan những mũi đầu tiên tại ga Ba Son trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM.
Đây là giải pháp sử dụng kỹ thuật tiên tiến nhất dựa trên kinh nghiệm phong phú trong việc thi công công trình ngầm ở Nhật Bản và cũng là lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.
So với các phương pháp đào hầm thông thường thì phương pháp này giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của nó tới giao thông, ít chiếm dụng diện tích cũng như ít gây ảnh hưởng tới các công trình xây dựng xung quanh.
Khu vực khoan TBM thuộc gói thầu Số 1b xây dựng đoạn ngầm từ ga Ba Son đến ga Nhà hát Thành phố thuộc dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP HCM - cho biết, Robot TBM được vận chuyển về Việt Nam vào đầu năm 2017. Robot này sản xuất tại Nhật có trị giá khoảng 4 triệu USD, dài 70 m, nặng 300 tấn, có khả năng đào đất an toàn và tạo ra vách tường của hầm dưới độ sâu 17 m.
Robot TBM chính thức "đâm xuyên lòng đất". Ảnh: Đại Việt |
Nhiều người gọi vui đây là con "quái vật" với trọng lượng lên đến 300 tấn. Ảnh: Đại Việt |
Sau khoảng 2 tháng lắp ráp, Robot này chính thức vận hành để thực hiện gói thầu 1b, đào đường hầm dài 781m kết nối với đoạn đang thi công đào hở ở hai đầu nhà ga Nhà hát Thành phố và Ba Son.
Đại diện liên danh các nhà thầu Nhật Bản cũng cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ, chất lượng và đảm bảo an toàn.
Ông Kawaue Junichi, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP HCM chia sẻ, Chính phủ Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện dự án theo đúng tiến độ cũng như đảm bảo chất lượng, an toàn lao động.
Các chuyên gia và kỹ sư điều khiển Robot TBM. Ảnh: Đại Việt |
Có mặt tại buổi khoan TBM chính thức này, có ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM. Theo ông Phong, để đạt được kết quả hiện tại là nhờ công lao rất lớn của Chính phủ Nhật Bản, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, Chính phủ Việt Nam, các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bình Dương đã quan tâm, hỗ trợ TP HCM triển khai dự án.
Ông Phong đề nghị Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn, nhà thầu có biện pháp thi công đạt chất lượng hiệu quả, nhằm đẩy nhanh tiến độ các gói thầu của dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 đảm bảo tiến độ chất lượng và an toàn.
Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng số vốn đầu tư hơn 2,4 tỉ USD dài gần 20km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó có đoạn đi ngầm từ chợ Bến Thành đến Ba Son dài khoảng 2,6km với 3 nhà ga ngầm gồm: Bến Thành, Nhà hát thành phố và Ba Son. Toàn tuyến số 1 dự kiến sẽ đi vào vận hành khai thác từ cuối năm 2020. |
Metro chậm do vướng thủ tục
Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông Lê Nguyễn Minh Quang - trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - xung quanh dự án ... |