Chính sách pháp luật Việt Nam đang hạn chế sự hội nhập của doanh nghiệp
Trong cuộc hội thảo “Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, việc cần thiết phải tiến hành đánh giá tác động kinh tế - xã hội của các văn bản pháp luật và chính sách mới trước khi ban hành để không tạo ra những hệ quả không mong đợi là điều mà hầu hết các nhà hoạch định chính sách, các đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh.
Nhưng làm thế nào để có bước làm ấy lại là cả một vấn đề, trong khi theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, rằng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp được quy định tại các chính sách pháp luật Việt Nam đang đè nặng lên vai các doanh nghiệp.
Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2019, công bố ngày 08-10-2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), chỉ số B1 của Việt Nam đạt 3.4 điểm trên thang điểm 7 (tăng 0,3 điểm so với năm 2018), xếp thứ 79/141 nước (năm 2018 xếp thứ 96/140 nước).
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW. Ảnh: N.D |
Ông Hiếu chỉ rõ, các chi phí hiện tại của pháp luật Việt Nam bao gồm: đó là thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính; Tiền phí, lệ phí phả trả cho cơ quan nhà nước khi làm TTHC; Tiền doanh nghiệp phải đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, nhân công, đào tạo… nhằm để đáp ứng yêu cầu của quy định pháp luật; Mất cơ hội kinh doanh, chi phí vốn do thời gian thủ tục kéo dài hoặc chậm thủ tục hoặc không đúng hẹn và một chi phí “bất thành văn” nữa theo ông Hiếu, đó là chi phí doanh nghiệp chi cho cơ quan, cán bộ trong quá trình thực hiện pháp luật.
Ông Hiếu chỉ ra những chi phí không cần thiết. Ông ví dụ quy định phải gắn mào định danh cho taxi công nghệ, chỉ cần một phép tính nho nhỏ đã thấy con số phải bỏ ra để tuân theo quy định là con số cực kỳ lớn. Những chi phí ấy buộc doanh nghiệp phải tính vào chi phí đầu tư, và đấy là một gánh nặng đè trên vai doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh, hội nhập.
Còn theo luật sư Đào Hồng Dịu, đại diện của Hiệp hội xuất khẩu thực phẩm, trong quá trình hội nhập, các chính sách pháp luật Việt Nam đôi khi tạo sự hạn chế cho doanh nghiệp. Bà chia sẻ về thực trạng xin giấy phép xuất khẩu sản phẩm, việc doanh nghiệp dài cổ chờ giấy phép là việc diễn ra bấy lâu nay.
Trong việc xuất khẩu thực phẩm, tối thiểu theo quy định mỗi sản phẩm phải có giấy phép của Bộ Công thương, Bộ Y tế. Bộ Công thương thời gian cấp phép là 1 ngày theo từng sản phẩm thì sản phẩm còn đạt chất lượng để xuất khẩu, nhưng khi sang Bộ Y tế, với quy định thời gian từ 4 – 5 tuần và cấp theo từng lô hàng thì lúc này sản phẩm có thể đã hư hỏng, không đạt để xuất khẩu.
Nên chăng cần có một cơ quan giám sát ban hành và thực thi pháp luật
Vậy làm thế nào để giảm thiểu những chi phí, những thời gian, thủ tục, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp đồng thời vẫn đảm bảo chính sách pháp luật vẫn hài hòa, minh bạch. Theo ông Hiếu, Việt Nam nên chăng cần có một cơ quan giám sát ban hành và thực thi pháp luật, với 5 chức năng cơ bản: Kiểm soát chất lượng qui trình soạn thảo; Xác định các lĩnh vực trọng tâm để nâng cao chất lượng quy định; Nâng cao quy định một cách có hệ thống; Đầu mối, phối hợp trong soạn thảo, ban hành; Xây dựng bộ công cụ, hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo, thực tiễn mới… Có vậy pháp luật Việt Nam mới có thể tránh được những hệ quả không mong muốn do chính sách gây ra.
Chính sách pháp luật Việt Nam để hội nhập, cần có một cơ quan giám sát ban hành và thực thi pháp luật. Ảnh: N.D |
Còn với ngành của mình, luật sư Dịu đề xuất nên đơn giản thủ tục thúc đẩy sản xuất. Theo bà, giảm tần xuất kiểm nghiệm từ tất cả các lô hàng xuất khẩu xuống 1 lần/năm đối với các sản phẩm được sản xuất trong các cơ sở áp dụng môt trong các hệ thống quản lý chất lượng GMP, ISO 22000, HACCP, IFS, FSSC 22000, BRC hoặc tương đương. Giảm thời gian cấp HC từ 2 tuần (10 ngày làm việc) xuống 3 ngày làm việc giống như thời gian cấp CFS quy định tại điểm c, điều 11 của Nghị định 69/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của luật quản lý ngoại thương.
Như vậy, việc đánh giá tác động chính sách trước khi ban hành là điều vô cùng cần thiết, các cơ quan làm luật cần tăng cường, công khai lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp và người dân, không thể làm theo quy trình tắt, cũng cần chú ý đến vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp để cùng song hành, giúp môi trường kinh doanh tốt hơn…
Gia Huy