Thủ lĩnh mới hài kịch Việt: Người nghèo rất cần nụ cười để sống | |
Hài kịch 'Xóm nghèo thất thủ' giành giải quán quân Làng hài mở hội |
Hài kịch hiện nay đã nóng trở lại, nhưng theo xu hướng "thực tế hóa". |
Khi hài kịch được "thực tế hóa"
Có thể nói, thời điểm "hot" nhất của hài kịch là vào những năm 2000, khi chương trình Gặp nhau cuối tuần đều đặn phát sóng vào 10 giờ sáng thứ 7 hàng tuần trên VTV3. Cách biên tập và dàn dựng hài tự nhiên, mới lạ và có nhiều tiểu phẩm hấp dẫn đã thu hút rất đông các đối tượng khán giả, và cũng chính ở Gặp nhau cuối tuần, sân khấu hài kịch suốt từ Bắc tới Nam cũng được thời nở rộ theo. Với những tiểu phẩm tự nhiên, đa dạng, dí dỏm, mới lạ, đặc biệt “sân chơi” tạo tiếng cười này đã sản sinh ra rất nhiều ngôi sao cho làng hài Việt. Nhưng đó là câu chuyện của khoảng mười năm trở về trước.
Khi chương trình Gặp nhau cuối tuần tuyên bố "nghỉ hưu", mảng hài kịch cũng trở nên uể oải, Thư giãn cuối tuần (VTV) và Tài, Tiếu, Tuyệt (HTV)... đôi chút đổi mới cũng vẫn không gây được sự phấn khích nơi khán giả. Lý giải cho sự “thất bại” này có nhiều nguyên nhân, người nói do truyền hình thực tế có nhiều yếu tố lạ và hấp dẫn đang nở rộ, cũng nhiều người "đổ lỗi" cho sự phát triển quá đà khiến hài kịch đi vào quy luật thoái trào.
Gần đây, hài trên truyền hình phát sóng với tần suất dày đặc, nhiều đến nỗi khiến người xem bội thực, từ Thử thách danh hài, Ơn giời! Cậu đây rồi cho đến Đấu trường tiếu lâm, Học viện danh hài, Làng hài mở hội, Bí mật đêm Chủ nhật, Hội ngộ danh hài…Có thể nói, các chương trình hài như vậy đã “được mùa” từ khoảng vài năm trở lại đây, và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu bão hòa khi mà những chương trình mới vẫn liên tục xuất hiện.
Nói cách khác, hài kịch đã nóng trở lại, nhưng theo xu hướng "thực tế hóa". Các gameshow, chương trình truyền hình thực tế hài thường lạm dụng việc giả gái, giả người đồng tính để gây cười; hài hình thể bị bóp méo. Một bộ phận hài kịch sân khấu hiện nay đang đi ngược lại với những giá trị căn nguyên mà nghệ thuật mang lại cho con người. Một số nghệ sĩ ít tâm với nghề đã tạo nên những tác phẩm không có tầm; hài kịch bạo lực, lố lăng đang tạo ra những tiếng cười vô duyên.
Chưa kể, quá nhiều cuộc thi tấu hài trên sóng truyền hình khiến tính chuyên nghiệp để theo nghề diễn không cao. Phải khẳng định ngay là trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng trên các đài, chỉ với thời lượng ngắn, thí sinh đang học và thể hiện thủ pháp gây cười; nhưng con đường dài để tỏa sáng với vị trí một nghệ sĩ hài thì không phải dễ.
Nỗ lực đánh thức sân khấu hài kịch chính thống
Suy cho cùng, giải trí là nhu cầu chính đáng của con người. Nhưng giải trí lành mạnh đi liền với việc thụ hưởng những giá trị văn hóa tích cực. Tuy nhiên, có thể thấy cách sản xuất hiện nay hoàn toàn theo lối "mỳ ăn liền". Xem hài trên sóng truyền hình, khán giả không phải mất tiền mua vé mà vẫn gặp được nghệ sĩ hài mình yêu thích. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng khán giả đến với sân khấu hài kịch chính thống ngày càng thưa thớt.
Hài kịch bị bóp méo, nhưng vẫn còn đó những điểm sáng của sân khấu kịch hôm nay như: IDECAF, Hoàng Thái Thanh, Phú Nhuận, Trịnh Kim Chi, Minh Nhí…, nơi đó vẫn đang chào đón khán giả bằng những tác phẩm được đầu tư nghiêm túc và tâm huyết của nghệ sĩ. Đối với một số nghệ sĩ, sau nhiều năm lăn lộn với hài kịch trên truyền hình, giờ là lúc họ dừng lại, làm những vở diễn đậm chất văn học, mang tính giáo dục để định hướng thẩm mỹ cho công chúng.
Đáng chú ý, chùm hài kịch mới của Đoàn kịch 1 Nhà hát Tuổi trẻ bao gồm ba tiểu phẩm hài mang đậm hơi thở cuộc sống đương đại, từ những câu chuyện dí dỏm, châm biếm lối sống cá nhân vị kỷ cho đến các vấn đề thời sự của thành phố đang được xã hội quan tâm.
Tiểu phẩm hài Tiến sĩ mở đầu chương trình là câu chuyện bi hài về những mâu thuẫn giữa biết bao khát vọng, mơ ước khoa học đối nghịch guồng quay của cuộc sống thị trường gấp gáp và sự thúc ép của cuộc sống mưu sinh, bộn bề các vấn đề “cơm áo, gạo tiền”. Điều trớ trêu ấy lại xảy ra trong gia đình của một ông tiến sĩ, qua đó cảnh báo về những giá trị đang dần mai một trong xã hội đương thời.
Tiểu phẩm Thành phố lặng im lại tái hiện một không gian Hà Nội xưa và nay, đan xen những hồi ức chân thực về một thời nhọc nhằn trong ký ức của nhiều thế hệ người xem và cuộc sống đương đại. Bằng thủ pháp dàn dựng nhẹ nhàng, ngôn ngữ đối thoại giản dị, gần gũi, tiểu phẩm hài đã cuốn hút người xem với những câu chuyện xoay quanh đời sống của cư dân thành phố thời cơ chế thị trường và hội nhập, lên án lối sống lai căng, vô cảm và thực dụng cùng không ít thói xấu cát cứ, tư duy cục bộ, lạm dụng quyền lực của những “ông quan” phường, xã…
Tiểu phẩm Ra mắt bố vợ lại là những tình huống cười ra nước mắt bởi màn ra mắt bố vợ tương lai đầy bất ngờ, éo le của một nhà thơ cá tính, lãng mạn, đam mê cái đẹp. Tình yêu của anh chàng nhà thơ phản ánh khát vọng yêu thương chính đáng của đôi lứa, song đôi lúc đã phải vượt qua những quan niệm, chuẩn mực thông thường, khiến câu chuyện kịch trở nên hài hước, đầy ắp tiếng cười trào phúng...
Người trong cuộc đều mong muốn đưa hài kịch trở lại lộ trình của nó, đem những giá trị tích cực đến với đời sống. Nhưng trước hết phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sở dĩ nhiều chương trình hài rơi vào tình trạng nhạt và nhảm là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự kiểm duyệt còn lỏng lẻo của các nhà quản lý, cộng thêm thái độ bất chấp của các nhà sản xuất chỉ nhằm thu được lợi nhuận, ngoài ra còn là cả sự dễ dãi của không ít nghệ sĩ, diễn viên.
NSND Hồng Vân: 'Đâu phải bây giờ tấu hài mới bị chửi' | |
Chú Trung Dân lên gameshow làm gì cho đám nhóc giỡn mặt! |