Khu danh thắng Bảo Đại hay biệt điện Cầu Đá nằm trên núi Cảnh Long là điểm tham quan nổi tiếng bậc nhất tại TP Nha Trang - Khánh Hòa nay nhếch nhác khi công ty Khánh Hà tiến hành xây dựng dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. (Ảnh: Khải An).
Trên núi có 5 biệt thự do người Pháp xây dựng từ năm 1923 trong khuôn viên rộng 12 ha. Khu biệt thự dùng làm nơi ăn ở cho các nhà hải dương học. Từ năm 1940-1945, hoàng đế Bảo Ðại và Hoàng hậu Nam Phương thường đến đây nghỉ dưỡng nên cái tên lầu Bảo Đại có từ thời đó. Tuy nhiên, khi tiến hành xây dựng dự án, 5 biệt thự trên đã trở nên hoang phế, bị tác động ít nhiều. (Ảnh: Khải An).
Phía chủ đầu tư là Công ty cổ phần Khánh Hà (liên doanh giữa Tổng công ty Khánh Việt và Tập đoàn Hà Đô) đã sử dụng một biệt thự để làm văn phòng hoạt động. (Ảnh: Khải An).
Khi tiến hành xây dưng dự án, chủ đầu tư đã cấm cửa không cho người dân vào tham quan các biệt thự và các hiện vật. Trước sự can thiệp của chính quyền địa phương, tháng 4/2019, chủ đầu tư đã mở cửa trở lại cho người dân tham quan. (Ảnh: Khải An).
Tuy nhiên, người dân khá bất ngờ vì các hiện vật còn rất ít. (Ảnh: Khải An).
Ảnh Hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại tại dinh (Ảnh: Khải An).
Thậm chí phòng ngủ hoàng đế Bảo Đại sử dụng ga trải giường mới, không đúng với nguyên mẫu hiện vật. (Ảnh: Khải An).
Những chú thích về các hiện vật đã bị vất vào một góc phòng. (Ảnh: Khải An).
Một số hạng mục của biệt thự đã xuống cấp. (Ảnh: Khải An).
Số khác bị hư hỏng nhưng chưa được sử chữa. (Ảnh: Khải An).
Thiếu sự chăm sóc, nhiều cây cổ thụ đã chết. (Ảnh: Khải An).
Du khách đến lầu Bảo Đại không còn được trải nghiệm không gian mà vị vua cuối cùng của triều Nguyễn từng sinh sống, nghỉ dưỡng. (Ảnh: Khải An).
Núi Cảnh Long bị đào bới. (Ảnh: Khải An).
Thời điểm năm 2016, khi Sở Xây dựng Khánh Hòa khi kiểm tra phát hiện chủ đầu tư thực hiện nhiều hạng mục sai giấy phép, vài công trình chưa được cấp phép, cơ quan này đã lập biên bản vi phạm hành chính, buộc chủ đầu tư dừng thi công.
Tuy nhiên, chủ đầu tư không chấp hành mà vẫn cho máy móc đào bới, đổ trụ móng trong khuôn viên di tích lầu Bảo Đại. Đến tháng 5/2018, Sở Xây dựng Khánh Hòa tiếp tục kiểm tra và phát hiện thêm sai phạm. Cụ thể, biên bản vi phạm hành chính (lần 2, tháng 5/2018) của Sở Xây dựng Khánh Hà, chủ đầu tư Công ty Hà Đô và đơn vị thi công Công ty CP Hà Đô 1 (đều thuộc Tập đoàn Hà Đô) cho máy móc đào bới di tích danh thắng lầu Bảo Đại khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ.
Tháng 7/2019, chủ đầu tư cho biết đang báo cáo, giải trình Sở Kế hoạch Đầu tư Khánh Hòa để điều chỉnh qui hoạch theo ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. "Sau khi điều chỉnh lại qui hoạch và có giấy phép xây dựng chúng tôi sẽ gấp rút triển khai dự án. Chủ đầu tư đang cố gắng để triển khai lại dự án", ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Công ty Khánh Hòa chia sẻ.
Năm biệt thự trên núi Cảnh Long do người Pháp xây dựng từ năm 1923 với mục đích ban đầu làm nơi ở cho các kỹ sư, nhân viên người nước ngoài của Viện Nghiên cứu biển (nay là Viện Hải dương học Nha Trang). Cụm biệt thự này nằm trong khuôn viên rộng 12 ha, được đặt theo tên các loài hoa nhiệt đới như Xương Rồng, Bông Sứ, Bông Giấy, Phượng Vĩ, Cây Bàng.
Từ năm 1940-1945, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương cùng gia đình thường xuyên đến đây nghỉ dưỡng, giải trí. Theo Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Khánh Hòa, đây là cụm công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của những năm đầu thế kỷ 20, phản ánh một giai đoạn lịch sử của Việt Nam.