Cao tốc về miền Tây cạn vốn, dừng thi công từ tháng 8?

2.186 tỉ đồng chưa được giải ngân cùng với việc ngân hàng siết điều kiện vay vốn khiến nhà đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lo ngại không cầm cự nổi qua tháng 8.

Những ngày cuối tháng 6, hàng nghìn công nhân vẫn đang miệt mài làm việc trên các công trường của tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km. Trong 25 gói thầu của dự án, có 21 gói thầu đang được thi công, 4 gói thầu còn lại về an toàn giao thông, trạm thu phí sẽ thi công trong giai đoạn sau.

Ngóng ngân sách, kẹt vốn ngân hàng

Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho hay trong thời gian qua, liên danh nhà đầu tư đã chi khoảng 2.500 tỉ đồng để thực hiện dự án. Thế nhưng nguồn vốn này đang cạn dần và nếu không có nguồn vốn bổ sung thì nhiều khả năng dự án sẽ bị gián đoạn quá trình thi công.

Cao tốc về miền Tây cạn vốn, dừng thi công từ tháng 8? - Ảnh 1.

Các hạng mục dự án trên toàn tuyến dài 51 km đang được thi công. (Ảnh: Sỹ Đông).

Ngoài vốn của nhà đầu tư, dự án vẫn phải trông chờ vào 2 nguồn vốn khác từ ngân sách Nhà nước (khoảng 2.186 tỉ đồng) và vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, cả 2 nguồn vốn này đang vướng thủ tục nên chưa thể giải ngân. Trong đó, nguồn vốn ngân sách dự kiến sẽ cấp 500 tỷ trong năm 2019 (số còn lại bổ sung trong năm 2020) nhưng vẫn chưa có kế hoạch phân bổ cụ thể.

Đồng thời, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng bị kéo dài do vướng một số điều khoản mà phía ngân hàng tài trợ vốn đặt ra. Ông Hồng đánh giá một số điều khoản là chưa có tiền lệ ở các dự án đầu tư hạ tầng khiến nhà đầu tư không thể đáp ứng.

Có thể kể đến yêu cầu nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải đạt 30%. Con số này cao hơn nhiều so với mức 12-15% ở các dự án thông thường và 20% của dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam.

Đồng thời, dù nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí vốn cho dự án là 2.186 tỉ nhưng phía ngân hàng vẫn yêu cầu Nhà nước hỗ trợ thêm 2.575 tỉ đồng. Như vậy, ngân hàng chỉ cho vay 49,5% tổng vốn dự án. Ngoài ra, ngân hàng cho vay vốn nhưng lại không cho vay thuế VAT khiến nhà đầu tư “lao đao”.

Cao tốc về miền Tây cạn vốn, dừng thi công từ tháng 8? - Ảnh 2.

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang dần thành hình, dự kiến thông xe cuối năm 2020. (Ảnh: Nguyên An).

Một điều kiện khác nằm ngoài khả năng đáp ứng của nhà đầu tư đó là điều khoản buộc UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ Giao thông Vận tải không được phép mở thêm đường trong quá trình khai thác tuyến cao tốc để doanh thu không bị ảnh hưởng.

“Việc nhà đầu tư, nhà thầu cố gắng cũng chỉ được một giai đoạn chứ không thể cố gắng mãi. Đến tháng 8 là kiệt quệ, nếu không bố trí kịp nguồn vốn thì nhà đầu tư cũng chịu thua”, ông Hồng lo ngại dự án có thể phải tạm dừng.

Tích cực gỡ vướng

Điều mà người dân miền Tây có thể tạm an tâm đó là tuyến cao tốc đang dần thành hình, tiến độ toàn dự án đạt 25% sau 3 tháng tái khởi động (từ tháng 4 đến tháng 6). Có thể so sánh tiến độ dự án được đẩy nhanh như thế nào qua con số 10% thi công trong 10 năm với 15% trong vòng 3 tháng.

Để tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn, lãnh đạo Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết sẽ tiếp tục đàm phán với ngân hàng để sớm ký hợp đồng tín dụng. Đồng thời, nhà đầu tư cũng tích cực làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt điều chỉnh dự án.

“Quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án sẽ là cơ sở để Chính phủ phân bổ nguồn vốn và đàm phán với ngân hàng”, ông Hồng phân tích.

Cao tốc về miền Tây cạn vốn, dừng thi công từ tháng 8? - Ảnh 3.

Nhiều hộ dân vẫn chưa bàn giao mặt bằng để thi công dự án. (Ảnh: Sỹ Đông).

Về việc điều chỉnh dự án, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang, cho hay tỉnh vẫn đang chờ Bộ Giao thông Vận tải thẩm định chuyên ngành thủ tục điều chỉnh. Theo quy trình, sau khi Bộ GTVT thẩm định xong sẽ chuyển về cho UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt theo thẩm quyền.

Liên quan đến vấn đề mặt bằng, ông Bon cho hay tỉnh này đã chuyển hơn 220 tỉ cho các huyện nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để giao cho đơn vị thi công. Theo nhà đầu tư, dự án còn vướng 500 m ở nút giao An Thái Trung cùng một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật như đường dây điện, cáp viễn thông, đường ống cấp nước dọc tuyến.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là đoạn nằm giữa trong trục cao tốc kết nối TP HCM với TP Cần Thơ. Trục cao tốc này có 3 đoạn, trong đó đoạn TP HCM - Trung Lương được khai thác từ năm 2010 còn đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ đang lựa chọn nhà đầu tư.

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51 km với quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 9.669 tỉ, được khởi công từ năm 2009. Dự án nhiều lần chuyển đổi chủ đầu tư, điều chỉnh vốn và gia hạn tiến độ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, dự án phải hoàn thành vào cuối năm 2020.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.