Cầu 32 tỉ đồng ở Huế chỉ dùng để... ngắm vì thiếu đường dẫn, vướng giải phóng mặt bằng

Dù cơ bản đã xây dựng xong nhưng gần nửa năm nay, cầu Lợi Nông ở Thừa Thiên - Huế chưa được đưa vào sử dụng vì còn thiếu đường dẫn.

Thời gian gần đây, người dân lưu thông qua lại ở đường Tôn Quang Phiệt (đoạn qua tổ 14, khu vực 5, phường An Đông, TP Huế) không khỏi lắc đầu ngao ngán, vì cầu Lợi Nông đã cơ bản xây dựng xong nhưng chưa thể đưa vào sử dụng.

7

Cây cầu đầu tư 32 tỉ đồng trên đường Tôn Quang Phiệt (đoạn qua tổ 14, khu vực 5, phường An Đông, TP Huế) chưa đưa vào sử dụng. (Ảnh: Khải Tuấn).

Theo quan sát của chúng tôi, công trình này được xây dựng bằng bê tông cốt thép theo dạng cầu mái vòm, cầu 1 nhịp. Hầu hết các hạng mục cơ bản đã hoàn thiện. Điểm đấu nối 2 đầu có cỏ mọc um tùm, đất đá ngổn ngang.

Từ mặt đường cũ lên hai múi nối đầu cầu giáp nhau với đường Tôn Quang Phiệt và đường Hải Triều (nối ra Quốc lộ 1A) vẫn còn cách 2 - 3 mét.

Việc cây cầu đã xây dựng cơ bản đã xong nhưng không đưa vào sử dụng khiến người dân vẫn phải đi qua cây cầu cũ chật hẹp (cách đó hơn 500 mét) gây mất an toàn giao thông.

2

Cây cầu thiếu đường dẫn nên người dân chưa thể đi lại. (Ảnh: Khải Tuấn).

Theo tìm hiểu, dự án xây dựng cầu Lợi Nông do Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư, liên danh Công ty CP Cầu 1 Thăng Long và Công ty CP Quản lý đường bộ và xây dựng công trình Thừa Thiên - Huế đảm nhiệm thi công.

Quy mô công trình vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, cầu 1 nhịp, cùng với xây dựng mới hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, trồng cây xanh, an toàn giao thông trên toàn tuyến, đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật và mĩ quan đô thị.

Ông Nguyễn Đình Nghị, Chủ tịch UBND phường An Đông cho biết, cầu được khởi công xây dựng năm 2018 với tổng mức đầu tư 32 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 6 tỉ đồng, dự kiến cuối năm 2020 hoàn thành.

Ông Nghị cho biết thêm, hiện nay cầu cơ bản xây xong nhưng chưa đấu nối được với các tuyến đường chính. Lý do là đơn vị thi công chưa triển khai thi công đường dẫn vào 2 đầu cầu.

Trong khi đó, ông Hoàng Tiến Minh, Giám đốc Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế (chủ đầu tư dự án) thông tin rằng, hiện nay, dự án cầu Lợi Nông đã hoàn thành cơ bản các hạng mục thuộc phần cầu, còn lại đường dẫn hai đầu cầu, hệ thống chiếu sáng, thoát nước… vẫn chưa hoàn thiện. Cầu xây dựng cơ bản hoàn thành nhưng chưa đấu nối do chưa thi công đường dẫn vào 2 đầu cầu.

3

Cầu Lợi Nông chưa có đường dẫn lên cầu là do điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Tôn Quang Phiệt và đang bị vướng công tác giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Khải Tuấn).

Do ảnh hưởng điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Tôn Quang Phiệt từ 19,5m thành 13,5m (tuyến đường này giao với đường hai đầu cầu và đường mặt cắt 24m của dự án) và mới được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 21/02/2019 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu A, khu đô thị mới An Vân Dương nên phải điều chỉnh phạm vi một số vị trí để phù hợp với quy hoạch điều chỉnh.

"Sắp tới, khi được bố trí vốn, chủ đầu tư sẽ tiếp tục triển khai thi công ngay đường dẫn vào cầu phía Quốc lộ 1A, đồng thời tập trung hoàn thành giải giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân để có mặt bằng thi công tuyến đường dẫn còn lại vào năm 2020", ông Minh chia sẻ.

Trong một buổi cung cấp thông tin cho báo chí gần đây, ông Nguyễn Đình Bách, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, cầu Lợi Nông chưa có đường dẫn lên cầu là do điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Tôn Quang Phiệt và đang bị vướng công tác giải phóng mặt bằng.

Theo đó, dự án cầu bắc qua sông Lợi Nông nằm trong Kế hoạch trung hạn 2015-2020. Dự án này được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2564/QĐ-UBND ngày 26/10/2016 với thời gian thực hiện dự án 3 năm kể từ ngày khởi công.

Theo ông Bách, hiện nay dự án đã thi công hoàn thành phần cầu. Tuy nhiên, chưa thi công phần đường dẫn vào hai đầu cầu với 2 nguyên nhân.

Thứ nhất, do ảnh hưởng bởi điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Tôn Quang Phiệt. Theo nội dung tại Quyết định 432/QĐ-UBND ngày 21/2/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phân khu Khu A – ĐTM An Vân Dương, tuyến đường Tôn Quang Phiệt được điều chỉnh từ mặt cắt 19,5m xuống thành mặt cắt 13,5m, phải điều chỉnh lại phương án tổ chức giao thông.

Thứ hai, theo phương án thiết kế đã được duyệt phần mái taluy đắp của đường dẫn lên cầu nhánh đường 26m khu nhà ở An Đông nằm trên phạm vi đền bù giải phóng mặt bằng của dự án trụ sở Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Thừa Thiên - Huế.

Đến nay, trụ sở đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng công tác đền bù giải phóng mặt bằng phạm vi dự án nêu trên vẫn chưa hoàn thành. Điều này gây khó khăn cho việc triển khai các hạng mục của dự án cầu bắc qua sông Lợi Nông.

"Dự án đang trong quá trình tổ chức thực hiện theo tiến độ (tháng 8/2020 hoàn thành). Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh đang phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án tổ chức giao thông các tuyến đường dẫn lên cầu phù hợp với việc điều chỉnh quy hoạch và tình hình GPMB thực tế hiện nay", ông Bách thông tin.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.