Trong phim, Mar-Vell thực chất là nữ khoa học gia Wendy Lawson (Annette Bening đóng), người đã phát hiện ra nguồn năng lượng vô tận cho phép máy bay bay với vận tốc cực nhanh. Tuy là người tộc Kree, nhưng bà lại giúp cho người tộc Skrull trốn thoát khỏi cuộc truy tầm, tận diệt của Kree.
Nữ khoa học gia Wendy Lawson trong phim (trái) và bản gốc trong truyện Ảnh: Disney/Marvel
Còn trong truyện, Mar-Vell lại có giới tính nam, một chiến binh cừ khôi được cử xuống Trái đất làm nhiệm vụ, sau phát hiện ra những bí mật động trời về nhiệm vụ của mình nên quyết tâm ở lại bảo vệ loài người. Người Trái đất gọi nhầm tên anh là Mar-Vell thành Marvel, thế nên anh mới có tên là Captain Marvel. Mang tên "nhầm lẫn" Captain Marvel, anh đã vào sinh ra tử trong nhiều trận chiến cứu nhân loại. Đây chính là nhân vật Captain Marvel đời đầu, xuất hiện trong bản truyện Marvel Super Heroes số 12 (xuất bản 1967). Cũng trong bản truyện, Captain Marvel đời đầu này đã gặp Carol Danvers, họ cùng nhau chiến đấu.
Trở lại với Mar-Vell trong phim, bà chết do bị tấn công. Còn ở bản truyện, Mar-Vell, sau khi trở thành Captain Marvel, được một thời gian thì anh bị "khai tử" trong tác phẩm The Death of Captain Marvel (bị ung thư).
Ngoài khả năng "nuốt trọn" kẻ thù bằng những chiếc vòi trong miệng, Goose (trái) không đẻ trứng giống Chewie Ảnh: Walt Disney/Marvel Comics
Trong phim, mèo Goose “đốn tim” khán giả không chỉ bởi độ đáng yêu mà bên cạnh đó còn khiến ta giật mình bởi khả năng “sát thương” cao bởi những chiếc vòi trong miệng. Lai lịch thật sự của chú mèo này là loài Flerken, một quái vật ngoài vũ trụ đội lốt mèo. Các nhà làm phim đã thay tên cho nhân vật này, Goose không phải tên gốc của nó, tên gốc của nó trong truyện tranh là mèo Chewie (giống tên một nhân vật trong loạt phim Chiến tranh giữa các vì sao), vấn đề ở đây chỉ là khác nhau cái tên thôi. Thế nhưng có một điều mà các nhà làm phim không đưa lên phim luôn đó là trong truyện, mèo Chewie có thể đẻ hàng trăm trứng để duy trì giống nòi của mình, còn Goose thì không.
Điều khôi hài của đặc vụ Nick Fury (Samuel L. Jackson đóng) đó là bị mất một bên mắt do Goose quào. Đó là nguồn gốc lý giải vì sao trong những phần phim của nhà Marvel sau này, Nick Fury xuất hiện chỉ với một bên mắt lành lặn. Nhờ kỹ xảo tinh tế, các nhà làm phim đã “trẻ hóa” Nick Fury, giúp cho ta có một cái nhìn chi tiết hơn về công việc mà nhân vật này làm vào thời trẻ, trước khi đứng ra kêu gọi các siêu anh hùng tập hợp thành nhóm Avengers.
Nick Fury bản truyện bị mất một bên mắt là do chiến tranh Ảnh: Walt Disney/Marvel Comics
Ở bản truyện tranh, mèo không lấy đi một bên mắt của Nick mà do chiến tranh. Trong phim, khán giả thấy Nick ba hoa rất nhiều về thời thanh xuân đi lính của mình. Thực sự, Nick trong phim được sáng tạo dựa trên nguyên mẫu nhân vật xuất hiện trong loạt truyện siêu anh hùng The Ultimates những năm 2000. Anh được tìm thấy trong Thế chiến thứ hai, bị bắt làm tù binh, bị thử nghiệm trên cơ thể, bị tiêm huyết thanh và sau đó trải qua quá trình đột biến thành siêu anh hùng. Thế nhưng đến đầu những năm 90, khi tham gia chiến tranh Vùng Vịnh, anh đã mất đi một bên mắt.
Talos (Ben Mendelsohn đóng) trong phim là thủ lĩnh của tộc Skrull, với khả năng biến hình siêu hạng, nhân vật này đã làm mọi thứ có thể để cứu gia đình mình khỏi cuộc tận diệt của tộc Kree.
Talos trong phim và bản truyện Ảnh: Walt Disney/Marvel Comics
Trong truyện tranh, nhân vật này có biệt danh là Talos the Untamed, là tù binh của tộc Kree trong suốt cuộc chiến tranh Kree-Skrull. Nguồn gốc của nhân vật này không dính dáng đến bản truyện Captain Marvel mà là người khổng lồ xanh Hulk, xuất hiện lần đầu tiên trong truyện tranh Incredible Hulk số 418 (xuất bản tháng 6.1994). Trong truyện, Talos là nhân vật phản diện, có xích mích với tộc Kree, về sau đấu với Hulk. Nhân vật Talos trong thế giới truyện tranh không nổi tiếng, xuất hiện rải rác trong nhiều tác phẩm ở những trận đấu khác nhau. Nhưng bộ phim Đại úy Marvel đã tạo cho nhân vật này một chỗ đứng nhất định.
Nữ diễn viên Annette Bening không chỉ đóng vai Tiến sĩ Wendy Lawson hay còn gọi là Mar-Vell, bà còn đóng vai trí tuệ nhân tạo, “cơ quan đầu não” vận hành cho Đế chế Kree hoạt động.
Điểm giống nhau của cả hai trí tuệ nhân tạo đó là chứa đựng những kiến thức uyên thâm của lịch sử người Kree Ảnh: Walt Disney/Marvel Comics
Dù gì thì phiên bản trí tuệ nhân tạo đó cũng đẹp hơn rất nhiều so với bản truyện tranh của Marvel khi nó có hình dạng là một cái đầu khổng lồ với mấy lọn tóc tua tủa, bồng bềnh chẳng khác gì Medusa phiên bản đàn ông, tồn tại trong bồn chứa dung dịch lớn. Hình dạng này được canh gác bởi những lính canh đặc biệt.
Yon-Rogg (Jude Law) là vai phản diện, dù ở bản truyện hay phim hắn đều mang lòng đố kị với Mar-Vell. Điều khác biệt của nhân vật này giữa hai bản nằm ở chỗ: trong phim, hắn không có khả năng thâm nhập vào ý nghĩ, khiến khơi dậy những nhược điểm của Carol Danvers, còn trong truyện, hắn có thể làm được điều đó. Không sở hữu sức mạnh đặc biệt như trong truyện nên khi xem phim, khán giả cười khoái chí khi hắn bị Carol Danvers đánh "lên bờ xuống ruộng". Đất diễn của nhân vật Yon-Rogg khá mờ nhạt, hắn không cho thấy được sức mạnh của mình bởi cái bóng quá lớn của Carol Danvers. Yon-Rogg trong truyện "oách" bao nhiêu thì trong phim lại "nhạt" bấy nhiêu.
Trong phim, Yon-Rogg là thủ lĩnh của biệt đội tinh nhuệ Starforce, người trực tiếp huấn luyện cho Carol Danvers Ảnh: Walt Disney/Marvel Comics
Trong phim, cô bé Monica Rambeau là con gái của Maria Rambeau, một cựu phi công, bạn thân của Carol Danvers. Truy lại nguồn gốc của nhân vật này sẽ khiến cho nhiều người giật mình: Monica Rambeau thực chất từng là Captain Marvel, dẫn đầu nhóm Avengers trong một thời gian ngắn trên những trang truyện của Marvel. Bởi với tuổi đời hơn 50 năm sáng tạo của mình trong thế giới truyện tranh, Captain Marvel từng được rất nhiều nhân vật với những lai lịch khác nhau đóng vai.
Monica Rambeau có sự khác biệt quá lớn giữa phim và truyện Ảnh: Walt Disney/Marvel Comics
Liệu ‘Captain Marvel’ có đủ sức ‘giải cứu’ phòng vé? Những bí mật ít biết về nhân vật Captain Marvel trước giờ công chiếu 'Captain Marvel' bị 'tẩy chay' vì phát ngôn của Brie Larson
Nhân vật này lần đầu tiên xuất hiện trong truyện The Amazing Spider-Man Annual số 16 (xuất bản tháng 10.1982), là nữ cảnh sát xuất thân từ New Orleans. Nguồn sức mạnh cô có được là từ một tai nạn thử nghiệm khoa học, cô có rất nhiều tên khác nhau như Spectrum, Pulsar hay Photon, dĩ nhiên trong đó có Captain Marvel. Điều đó cho thấy rằng, các nhà làm phim đã “cắt tỉa” hầu như toàn bộ thân thế của cô này và tái sáng tạo trong phim.
Đại úy Marvel của đạo diễn Anna Boden và Ryan Fleck, lấy bổi cảnh thập niên 90, kể về nguồn gốc của nhân vật nữ siêu anh hùng Captain Marvel. Cô được xem là hy vọng của nhóm Avengers trong cuộc chiến chống lại ác nhân Thanos, giải cứu thế giới. Tác phẩm tuy có nhiều khác biệt về nhân vật so với các bản truyện tranh thế nhưng lại giải trí tốt, được lòng giới phê bình. Phim được chấm 81% trên Rotten Tomatoes, nhận nhiều lời khen "có cánh".