Cát tặc 'nuốt' đất trồng

Cát tặc hoành hành gây sạt lở bờ sông cuốn đi hàng trăm hecta đất trồng của người dân

Nếu như trước kia, sạt lở đất tại ĐBSCL thường xảy ra vào mùa mưa thì nay diễn ra ngay mùa khô. Một trong những nguyên nhân làm mất đất canh tác ở vùng trù phú nhất nước này là do tình trạng khai thác cát vô tội vạ.

Sạt lở trên diện rộng

Mới đây nhất là vào rạng sáng 6-4, trên tuyến sông Ô Môn (phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) đã xảy ra một vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng, làm ảnh hưởng 3 ngôi nhà và một điểm giữ xe của người dân. Điều đáng nói là khu vực sạt lở lại là nơi đang được thi công công trình kè chống sạt lở sông Ô Môn.

Nhiều hộ dân sống dọc đoạn đường bê tông ven sông Hậu thuộc phường Thành Phước (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) đang lo lắng vì khu vực này liên tục xảy ra sạt lở. Đoạn đường này hằng ngày có nhiều học sinh và phương tiện lưu thông qua đây, nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng. Ông Nguyễn Minh Tuấn (ngụ tại địa phương) lo lắng: "Năm rồi, khi sụp tuyến đường bê tông, một số người dân tại đây đã góp tiền mua cây gia cố tạm để hạn chế sạt nhưng nước rút thì đất trôi theo, cứ đà này chắc không lâu nữa căn nhà và vườn cây ăn trái của tôi cũng trôi xuống sông".

Trước đó, vào ngày 22 và 23-8-2017, tại tổ 6, khóm 3, phường Thành Phước liên tiếp xảy ra 3 đợt sạt lở ăn sâu vào bờ khoảng 10 m, dài hơn 100 m, 20 hộ bị ảnh hưởng, trong đó 2 căn nhà trôi xuống sông... Cách đây 3 tuần, 18 căn nhà còn lại đã sập hoàn toàn.

Tại ấp Mỹ Thới 2 (xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh) và ấp Phú Xuân (xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) liên tiếp bị sạt lở do tình trạng múc cát trên sông Hậu vào ban đêm. Chính vì lòng sông bị hút cát nên tại ấp Mỹ Thới 2, sạt lở diễn ra nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Hàng loạt hầm nuôi cá tra, cá điêu hồng, đất vườn trồng bưởi Năm Roi bị trôi xuống sông.

cat tac nuot dat trong

Cát tặc công khai đục khoét sông Cái cả trên bờ, dưới nước tại huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa Ảnh: KỲ NAM

"Gần đến móng nhà rồi..."

Bước vào "mùa" xây dựng, tại tỉnh Khánh Hòa, tình hình khai thác khoáng sản diễn ra công khai, đặc biệt sông Cái là điểm nóng về hoạt động khai thác cát trái phép tồn tại hơn chục năm nay. Theo tìm hiểu, các đối tượng chủ yếu sử dụng ghe máy tự chế để hút cát; nhiều nơi thậm chí sử dụng máy múc, dây chuyền đưa cát trực tiếp từ ghe lên xe tải.

Qua thống kê sơ bộ từ cơ quan chức năng, dọc sông Cái có trên 100 ghe hút cát hoạt động trái phép. Điểm nóng ở huyện Diên Khánh kéo dài trên 10 km đường sông có đến 44 điểm khai thác cát, trong đó chỉ 6 điểm được cấp phép nhưng đã hết hạn từ tháng 8-2017. Bà Trần Thị Ngôn (ngụ thôn Hạ, xã Diên Lâm) ngao ngán: "Bắt đầu vào hè, các ghe ra sức hút cát thì mùa đông sạt lở càng nặng. Vườn nhà tôi bị cuốn hết đất xuống sông, kéo dài cả chục mét, gần đến móng nhà rồi. Bức xúc, chúng tôi nhiều lần ra xua đuổi họ mới chịu đi. Dân báo chính quyền xử lý thì các đối tượng tạm nghỉ vài ngày rồi lại tái diễn".

Tỉnh Kon Tum có một số điểm khai thác cát trái phép, hoạt động nhộn nhịp hằng ngày nhưng không hề có sự giám sát của các cơ quan chức năng. Ngày 13-4, tại điểm khai thác cát trên đoạn sông Pô Kô thuộc làng Chứ, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, cát từ lòng sông được hút lên tàu sắt, sau đó tập kết thành bãi rộng hàng trăm m2. Ông Nguyễn Văn Lâm, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Thầy, cho biết điểm khai thác tại làng Chứ, xã Ya Ly chưa có giấy phép hoạt động. "Trên địa bàn huyện chỉ có hai mỏ cát có giấy phép khai thác, còn điểm tại làng Chứ thì không có. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý" - ông Lâm nói.

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An, liên tục bắt giữ nhiều vụ khai thác cát trái phép trên sông Lam. Ngày 8-4, Phòng Cảnh sát Đường thủy Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ 7 tàu khai thác cát trái phép và trước đó ít ngày cũng đã bắt giữ 7 tàu hút cát trái phép trên sông Lam, đoạn qua huyện Thanh Chương, thu giữ nhiều phương tiện và gần 100 m3 cát. Ông Hoàng Đức Ân, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên, lo lắng nạn khai thác cát làm dòng chảy thay đổi khiến nhiều khu vực ven sông ở các các xã Hưng Xuân, Hưng Xá, Hưng Nhân... mỗi năm sông Lam ăn sâu vào đất sản xuất từ 10-15 m, hàng trăm hecta đất sản xuất của người dân đã bị "nuốt"; nhiều công trình kè mới xây dựng ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn bị hư hỏng.

Tại tỉnh Bình Định, nhiều hecta đất trồng cây bên sông Kôn của người dân thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn đã "bốc hơi" chỉ sau vài tháng. Đặc biệt, phía bờ Nam dọc theo sông Kôn, tình trạng xâm thực kéo dài cả cây số, nhiều đoạn bị khoét sâu trên 50 m. Dọc bờ sông, nhiều vết nứt, từng mảng đất lớn đang có nguy cơ đổ xuống sông. Theo nhiều người dân địa phương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc (trụ sở ở tỉnh Ninh Bình) sử dụng phương tiện cơ giới, dùng đá chẻ để ngăn dòng, hình thành đường vận chuyển vật liệu xây dựng cắt ngang sông Kôn, tự ý cải tạo dòng chảy.

Bức xúc trước tình trạng trên, thời gian qua, nhiều người đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng nhưng vụ việc chỉ dừng lại ở những cuộc họp mà chưa đưa ra phương án giải quyết cụ thể nào.

Kỷ luật lãnh đạo địa phương

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết trước đây, có nhiều giấy phép khai thác cát thời hạn kéo dài khá lâu, có giấy phép kéo dài đến 10 năm. Tuy nhiên vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã điều chỉnh thời hạn của 41 giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường được UBND tỉnh cấp cho 40 doanh nghiệp trước đó xuống còn không quá 2 năm.

Đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khai thác cát được phát hiện, ngoài việc xử phạt hành chính, tùy vào mức độ ảnh hưởng đến môi trường, cơ quan chức năng sẽ đình chỉ khai thác hoặc thu hồi giấy phép. Trường hợp để xảy ra tình trạng khai thác trái phép thì người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Đại tá Nguyễn Khắc Cường, Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa, thông tin trong quá trình xử lý, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn, như các đối tượng chỉ khai ít hơn 50 m3 để không bị tịch thu phương tiện. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, truy quét thì họ sẵn sàng đánh đắm ghe, nhảy xuống sông bỏ trốn. Đường đi đến các bãi cát mất nhiều thời gian nên các đối tượng khai thác cát có thời gian chủ động đối phó. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phi Vũ, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa, đặt vấn đề: "Trách nhiệm quản lý bến thủy nội địa này như thế nào khi để tình trạng trên tồn tại lâu nay?". Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Phó trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Khánh Hòa, cũng đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên, môi trường ở địa phương. Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng UBND tỉnh Khánh Hòa đã quy định cụ thể về trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã; hình thức xử lý tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép như kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Nếu bao che phải xử lý kỷ luật.

Nguy cơ ĐBSCL biến mất

TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết khi các đập thủy điện ở Trung Quốc, Lào được xây dựng thì lượng cát thô (cát, sỏi, sạn) giảm 50%; có những chỗ giảm hơn, tùy theo sự vận hành của đập thủy điện. Đáy dòng sông Mê Kông không bằng phẳng, có hố sâu 70-80 m. Trong mùa nắng, dòng chảy chậm, cát sẽ lấp vào hố này. Mùa nước về thì cát trong hố được đưa về hạ lưu, khi lượng cát này đến ĐBSCL có khi cả trăm năm. Do đó, nếu ĐBSCL khai thác cát vô tội vạ, trong khi lượng cát đổ về ngày càng ít thì tương lai vùng đất này sẽ biến mất. Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, tình trạng khai thác cát tràn lan ở ĐBSCL đã làm mất đi khoảng 200 triệu tấn cát ở sông Tiền, sông Hậu, đồng thời hạ thấp 2 lòng sông này xuống khoảng 1,3 m. Khai thác cát tạo thành những hố sâu, cát thô và cát trung bình về sẽ bị kẹt lại, không ra được cửa sông, cửa biển như quy luật thông thường của tự nhiên. Dòng chảy "đói" cát làm cho xói lở dữ dội bờ sông, bờ biển.

cat tac nuot dat trong MTTQ Việt Nam đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc xử lý cát tặc ở 'nơi người dân chật vật giữ đất'

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc để đề nghị làm rõ, xử lý tình trạng ...

cat tac nuot dat trong Làm rõ thông tin Phó chủ tịch xã bảo kê cho cát tặc

Nghi ngờ trong quá trình vây bắt cát tặc, ông Hoàng Bình Thủy, Phó chủ tịch xã Thiệu Đô ở Thanh Hóa đã bảo kê ...

cat tac nuot dat trong Người dân ném bom xăng, đốt chòi canh khi xua đuổi cát tặc

Bức xúc vì nạn khai thác cát trái phép gây sạt lở, nhiều người ở Thanh Hoá ném bom xăng xuống tàu hút cát và ...

cat tac nuot dat trong Phúc Thọ: 'Cát tặc' lộng hành, dân bức xúc chính quyền bất lực?

Cứ vào mỗi buổi tối, tình trạng khai thác cát trái phép tại xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) lại nhộn nhịp, mặc ...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.