Câu chuyện của một thị trấn ma ở Trung Quốc: Khi giáo dục giải cứu bất động sản

Kangbashi, một thị trấn ma nằm giữa sa mạc Nội Mông cằn cỗi, từng rơi vào bế tắc với những dãy nhà chung cư mới xây nhưng không có lấy một bóng người. Giờ đây, Kangbashi đã hồi sinh.

Giáo dục thay đổi bộ mặt làng quê

Không chỉ bán hết các căn hộ trống trước đây, Kangbashi - thị trấn ma nổi tiếng một thời của thành phố Ordos (Nội Mông, Trung Quốc), còn bắt tay vào xây những khu nhà cao tầng mới. "Chúng tôi không còn là thị trấn ma nữa", một môi giới bất động sản cười, chia sẻ với Nikkei Asia.

Giáo dục chính là bí mật cho sự hồi sinh thần kỳ của Kangbashi. Để con cái được nhập học tại các trường đại học hàng đầu ở Bắc Kinh hay Thượng Hải, nhiều ông bố bà mẹ "hổ" chấp nhận làm mọi thứ.

Sau khi chính quyền thành phố Ordos di dời một số trường học top đầu đến Kangbashi, phụ huynh học sinh cũng nối đuôi nhau đưa con em đến đây giành giật cơ hội học tập. Giá bất động sản và vốn đầu tư rót vào Kangbashi cũng nhờ đó mà tăng dần theo thời gian.

Câu chuyện của những thị trấn ma ở Trung Quốc: Khi giáo dục giải cứu bất động sản - Ảnh 1.

Những tòa nhà chung cư ở Kangbashi trông thì có vẻ đìu hiu, vắng bóng người nhưng kỳ thực còn rất ít căn trống. (Ảnh: Nikkei).

Tại một phòng giao dịch, môi giới bất động sản đã kể lại biến động giá nhà chung cư ở Kangbashi trong hơn 10 năm qua.

Quá trình xây dựng một trung tâm đô thị mới ở Kangbashi bắt đầu tăng tốc từ năm 2009. Để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, chính phủ Trung Quốc đã bơm 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 610 tỷ USD) vào nền kinh tế. Gói kích thích kéo giá than tăng vọt và giúp thị trường bất động sản ở Ordos trở nên sôi động hơn.

Khi bong bóng bất động sản vỡ tung, những căn hộ lúc cao điểm có giá hơn 8.000 nhân dân tệ/m2 (tương đương khoảng 1.200 USD/m2) lao dốc xuống còn 3.000 - 5.000 nhân dân tệ/m2.

Tuy nhiên, "bây giờ giá nhà ở trung tâm thị trấn Kangbashi đã tăng lên đến 15.000 nhân dân tệ/m2), nhân viên môi giới bất động sản cho biết. Giá nhà ở thị trấn ma một thời vẫn tăng dù nền kinh tế của thành phố Ordos suy thoái trong hai năm 2019 và 2020.

Theo Nikkei, người dân địa phương đều đồng lòng nhất trí rằng giáo dục đã cải thiện đáng kể bộ mặt của Kangbashi.

Các trường chất lượng hàng đầu như Trường Trung học số 1 Ordos, nơi có thể mở rộng cánh cửa của học sinh đến những trường đại học nổi tiếng tại thủ đô Bắc Kinh, đã được chuyển về Kangbashi.

Các quy định nghiêm ngặt để nhập học tại Kangbashi yêu cầu các bậc cha mẹ muốn gửi con đến học tập phải sở hữu một căn nhà trong khu học chánh, giá nhà theo đó mà tăng cao đến mức gây lo ngại. Đặc biệt, các bất động sản gần những khu học chánh tốt ở Bắc Kinh hay Thượng Hải đôi khi có giá đến hàng triệu USD.

Nỗi lo bong bóng bất động sản tái hiện

Các hãng tin Trung Quốc từng ca ngợi Ordos như một hình mẫu cho các thành phố khác xử lý tình trạng ứ động bất động sản, nhưng thực tế thì đây không phải chuyện hiếm ở đất nước tỷ dân. Trước đó, Thiên Tân đã từng xây dựng một trường học mới trong khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ nổ hóa chất hồi tháng 8/2015 để bán bất động sản bị tồn kho.

Nikkei nhận xét, Trung Quốc ưu tiên bán nhà ở hơn hệ thống giáo dục cho thấy nước này đang phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản để thúc đẩy nền kinh tế và tài trợ ngân sách cho chính phủ. Trên mạng xã hội ở Trung Quốc, không ít người cho rằng bất động sản đang là "trùm sò" của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đầu tư vào bất động sản sẽ trực tiếp giúp GDP tăng trưởng và thúc đẩy nhu cầu trong các ngành nghề liên quan như thép và xi măng. Một nhà kinh tế thuộc chính phủ Trung Quốc cho hay: "Ở nước khác, người ta xây nhà chung cư vì người dân có nhu cầu. Còn ở Trung Quốc, chúng ta xây chung cư để tăng sản lượng thép và xi măng. Thật lạc hậu!"

Quý I năm nay, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng kỷ lục 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Song, động lực cho tăng trưởng lại đến từ lĩnh vực bất động sản, khiến một số chuyên gia lo ngại rằng đất nước tỷ dân có nguy cơ dư thừa nhà ở chung cư.

Theo công ty chứng khoán Haitong Securities, hơn 30% tốc độ tăng trưởng kinh tế từ mùa xuân năm ngoái đến cuối năm 2020 có thể đã đến từ đầu tư bất động sản. Tỷ lệ này cao hơn mức đóng góp trung bình của ngành bất động sản vào tăng trưởng GDP trong thập kỷ qua. Khá nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc không đủ chi phí để trang trải nếu không có thêm thu nhập từ bán đất xây nhà ở và thu thuế bất động sản.

Viện Nghiên cứu và Phát triển E-House Trung Quốc cho biết, nếu tính theo tổng diện tính đến cuối năm ngoái thì tồn kho căn hộ chung cư mới tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chạm mức đỉnh 4 năm rưỡi.

Trong khi nguồn cung nhà ở tăng lên thì dân số Trung Quốc đang chững lại. Số người ở độ tuổi 20 đến 30 - cũng chính là nhóm đối tượng mua nhà nhiều nhất, cũng giảm mạnh. Chỉ tính riêng ở Ordos, dân số tăng trung bình gần 5%/năm trong giai đoạn 2007 - 2012, nhưng tốc độ này đã tụt xuống còn 0,6% kể từ khi bong bóng bất động sản kết thúc.

Di dời các trường học lớn đến những thị trấn ma có tác động lớn nhưng chỉ mang tính tạm thời và có giới hạn. Thiên Tân và Nội Mông hiện đang đứng áp chót trong danh sách 31 tỉnh, thành phố cấp tỉnh của Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

"Chúng tôi không thể ngừng lo lắng, nếu chúng tôi tiếp tục xây thêm chung cư mới, một thị trấn ma khác sẽ ra đời", Nikkei dẫn lời một công ty bất động sản ở Ordos bày tỏ.

chọn
[Photostory] Dự án có lượng booking khủng nhất Hà Nội trong quý I/2024
Ngày 1/3 vừa qua, CapitaLand đã chính thức khởi công dự án căn hộ cao cấp Lumi Hà Nội tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Theo CBRE, trong quý I, Lumi Hà Nội đã đạt được 4.500 booking, vượt hơn số lượng dự kiến chào bán ban đầu, giá bán dự kiến từ 66 triệu đồng/m2.