Giành giật sự sống với “ma rừng”
Trong không gian yên lặng nơi bản Rào Tre, tại xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), chúng tôi được những già làng, kể về “công cuộc hồi sinh” của dân tộc mình, một tộc người tưởng chừng như đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Thế nhưng khi bước ra khỏi rừng sâu, bỏ lại lời thề thiêng nơi hốc đá, họ bắt đầu nuôi giấc mơ “vượt núi” mà tổ tiên mình chưa hề nghĩ tới...
Sau hàng chục năm được đưa ra định cư, người Chứt đã có nhận thức và đang dần an cư lạc nghiệp dưới chân núi của bản. Và những hủ tục ngày trước của dân tộc mình, người Chứt đã tự động thay đổi.
Hủ tục sinh con ở khe suối được đẩy lùi, những đứa trẻ nơi bản Rào Tre lớn lên khỏe mạnh. |
Và có lẽ, luật tục khắt khe nhất của người Chứt là luật tục về sinh đẻ của phụ nữ. Mỗi khi sắp đến kỳ sinh nở, người phụ nữ sẽ được gia đình làm cho một cái chòi ngoài bờ suối. Họ phải ra đó ở rồi tự sinh con và nuôi dưỡng cho đến khi đứa trẻ biết cười.
Sau đó, gia đình sẽ tiến hành làm lễ đuổi cái dơ bẩn, bệnh tật đi cho đứa con được sạch sẽ rồi mới đón cả hai mẹ con bước vào nhà. Khi làm lễ tục phải hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ, nếu không, khi đưa con về nhà sẽ bị “con ma rừng” đeo đuổi quấy rối dân làng.
Đã có thay đổi, nhưng khi nhớ về những hủ tục ngày trước của dân tộc mình nhiều người không khỏi đau xót. Và câu chuyện về Hồ Khâm, một người phụ nữ không biết mình sinh ra ở đâu, năm nay đã bao nhiêu tuổi, bà chỉ nhớ những tháng ngày sinh sống trong núi rừng là khoảng thời gian khổ sở nhất.
Khi hỏi đến những hủ tục sinh đẻ ngày trước của người đồng bào mình, Hồ Khâm chỉ lắc đầu và tỏ vẻ mệt mỏi không muốn nhớ lại những ký ức đó.
Sau khi ngẫm nghĩ, Hồ Khâm đưa ngón tay lên đếm và nói “Con sinh được 8 đứa con, nhưng bị ma rừng bắt mất 4 đứa đi rồi. Ngày trước phụ nữ chúng con khi đẻ là phải 1 mình xuống suối, sinh xong lúc nào sạch sẽ, con khỏe mạnh mới được về, chứ không phải về là về được mô”.
Hồ Khâm, người phụ nữ bị ám ảnh khi 8 lần vượt cạn bên khe suối đế sinh con |
Những ký ức ngày trước là những ám ảnh khó quên đối với một người mẹ đau khổ khi liều mình đánh đổi, dành dật sự sống dưới khe suối với con “ma rừng”.
Hồ Khâm kể lại thời kỳ chuyển dạ: “Ngày trước khi bắt đầu chuyển dạ, thấy đau bụng là phụ nữ nhà con lại mò xuống suối, để sinh. Cứ xuống suối, nắm được cục đá, hoặc gốc cây để làm trụ mà sinh, chứ không ai giúp mô. Rồi lúc nào sinh xong, tự cắt rốn, tắm rửa cho con xong mới được gặp chồng hoặc người thân”.
Chỉ vì hủ tục truyền đời của người Chứt đã khiến không biết bao nhiêu đứa trẻ phải bỏ mạng nơi khe suối. Những hủ tục đó như đã ăn sâu bám rễ vào tâm trí của người Chứt bởi họ cho rằng nếu không làm như vậy, sẽ mang lại điều xui xẻo cho cả bản.
“Sinh ra đã có tục đấy rồi, nếu không làm theo lệ bản sẽ bị cả làng trù dập và bị phân biệt ngay vì cho là đã đi ngược ý giàng, đấy nên phụ nữ chúng con phải làm theo thôi” Hồ Khâm nói.
8 lần vượt cạn bên khe suối
Và những luật tục đó bắt nguồn từ quan niệm, con nai, con hoẵng sinh ra đã tự đi được thì đứa trẻ Chứt sinh ra cũng phải làm được như thế, sau này mới khuất phục được thần núi, thần sông. Với quan niệm đó, đã có không biết bao trẻ sơ sinh bị chôn vùi bên bờ suối vì không nhận được sự trợ giúp của người thân, của cộng đồng lúc mới chào đời.
8 lần vượt cạn bên bờ suối là 8 lần Hồ Khâm phải đối mặt với hiểm nguy. Tuy biết là khổ sở, khó khăn nhưng những người mẹ Chứt ấy vẫn cam chịu, cố gắng vượt qua tất cả.
“Khổ lắm, sinh xong rồi, khi đêm xuống, con có ngủ được đâu, con sợ nhất là thú nó tìm đến bắt mất đứa con của con đi. Có những đêm mới sinh, con đã khóc cạn cả nước mắt khi sợ hãi, cứ nghĩ đến những ngày tháng đó tôi không muốn nhớ lại chút nào”, Hồ Khâm nghẹn ngào nói.
Một góc nơi bản Rào Tre |
Theo tục lệ ngày trước của người Chứt, khi người phụ nữ đến ngày sinh con, họ phải một mình xuống suối. Để có thể giành giật sự sống, những người mẹ Chứt ấy lại phải tự lo liệu mọi thứ, tự chăm con, và chăm sóc bản thân, thi thoảng mới có chồng đến hỗ trợ.
“Theo tục lệ là chủ yếu là người phụ nữ phải tự chăm sóc, chứ không có ai giúp đỡ mô. Nếu trở về nhà khi 2 mẹ con còn sống là mang niềm vui về với bản, còn nếu có ai chết thì do ma rừng bắt tội đấy.
Ngày ấy khi sinh con ngoài suối, thỉnh thoảng có chồng đến thăm và chăm sóc, nhưng một mình lo cho con là chủ yếu”, Hồ Khâm nhớ lại.
Sau khi giành giật sự sống dưới khe suối với con “ma rừng”, Hồ Khâm đã phải 4 lần tiễn biệt những người con của mình về với núi rừng.
“Sinh được 8, nhưng chỉ có 4 đứa sống thôi. Ma rừng bắt mất 4 đứa đi rồi, khổ lắm. Có 1 đứa đã được 4 tuổi nhưng vì bị sốt rét,thầy mo đến bắt bệnh bảo hết thuốc chữa rồi nên ma rừng bắt nó đi rồi”, Hồ Khâm đau khổ nhớ lại.
Vào thời ấy ở bản Rào Tre toàn bộ phụ nữ đều chịu chung số phận. |
Không chỉ một mình Hồ Khâm, thời ấy ở bản Rào Tre toàn bộ phụ nữ đều chịu chung số phận. Dường như nếu không bãi bỏ những tập tục cổ hủ này, thì mọi sự rủi ro ngẫu nhiên nào đó đều bị đổ tội cho sinh linh bé bỏng mới chào đời.
Đó là chuyện ngày trước, còn giờ đây, nhờ được sự tuyên truyền vận động của BĐBP Hà Tĩnh, người Chứt đã thay đổi được nhận thức, không còn những người phụ nữ phải xuống suối để sinh con.
Có một số người họ đã thay đổi hẳn việc hủ tục sinh đẻ là ra trạm y tế xã, không thì ở trong nhà sinh con và được sự giúp đỡ của người thân. Tuy nhiên còn đó một số người vẫn dựng tạm 1 cái lán cách nhà 4m, để sinh con, sau khi sinh xong mới đưa vào nhà.