Cầu Long Kiểng tái khởi động sẽ góp phần khơi thông tuyến đường trục khu nam Sài Gòn

Việc tái khởi động cầu Long Kiểng sẽ là cú hích để huyện Nhà Bè hoàn thành thêm 3 cây cầu mới cùng tuyến, từ đó đẩy nhanh tiến độ mở rộng đường Lê Văn Lương, góp phần tăng năng lực lưu thông cho khu vực phía nam TP HCM.

Toàn cảnh cầu Long Kiểng và tuyến đường Lê Văn Lương. (Ảnh: Hoàng Huy).   

Đầu tháng 9 vừa qua, UBND huyện Nhà Bè (TP HCM) đã tổ chức lễ bàn giao, tiếp nhận mặt bằng để tiếp tục triển khai dự án cầu Long Kiểng. Cây cầu này được phê duyệt đầu tư vào năm 2001, đến năm 2018 bắt đầu khởi công. Sau khi thực hiện được 40% khối lượng, dự án tạm dừng từ năm 2019 do vướng mắc về mặt bằng. 

Theo phê duyệt, cây cầu này dài 318 m, rộng 15 m, đường dẫn có tổng chiều dài 661 m, chiều rộng từ 18 - 29 m, cùng hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng,... Tổng mức đầu tư cầu 589 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 211 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư là 325 tỷ đồng.

Đến tháng 8/2022, toàn bộ mặt bằng dự án đã được giải phóng, dự án được tiếp tục triển khai sau hơn 2 năm, dự kiến sẽ hoàn thành và thông xe vào ngày 31/12/2023. Theo ghi nhận của người viết, cầu Long Kiểng đến nay vẫn là một cây cầu thép với mặt cắt ngang hơn 2 m, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Động lực xây thêm 3 cầu mới

Việc tái khởi động cầu Long Kiểng có nhiều ý nghĩa đối với huyện Nhà Bè, không chỉ cải thiện về mặt lưu thông cho người dân khu vực, mà còn là cú hích để hình thành nên trục đường liên vùng, kết nối quận 7, Nhà Bè và tỉnh Long An. 

Cầu Long Kiểng nằm trên đường Lê Văn Lương (ĐT.826C) - một tuyến đường kéo dài xuyên suốt từ trung tâm quận 7, đi qua đường Nguyễn Văn Linh tiến vào huyện Nhà Bè và kéo dài sang xã Long Hậu (huyện Cần Giuộc, Long An).

Đường Lê Văn Lương đoạn qua huyện Nhà Bè hiện nay có mặt cắt ngang hẹp, trung bình khoảng 6 - 8 m, vẫn gánh lượng phương tiện tương đối lớn từ khu vực phía nam, bởi đây là con đường độc đạo để người dân huyện Cần Giuộc cũng như các xã Phước Kiển và Nhơn Đức (Nhà Bè) di chuyển vào trung tâm TP HCM.

Nằm trên đường Lê Văn Lương có 4 cây cầu, bao gồm cầu Rạch Đĩa; cầu Long Kiểng; cầu Rạch Tôm và cầu Rạch Dơi (cầu nối TP HCM với Long An). Cả 4 cây cầu này hiện đều là cầu thép, bề rộng rất hẹp và đã xuống cấp; độ tĩnh không của các cầu này cũng không bảo đảm cho tàu thuyền lưu thông.

Trên tuyến Lê Văn Lương hiện có 4 cây cầu cũ đang chờ xây mới, bao gồm cả cầu Long Kiểng. (Ảnh: Hoàng Huy).

Các cây cầu có bề rộng rất hẹp, đã xuống cấp, tĩnh không không đảm bảo. (Ảnh: Hoàng Huy).

Tương tự cầu Long Kiểng, cầu Rạch Đĩa đã được phê duyệt xây dựng mới từ năm 2001, đến năm 2017 được điều chỉnh với quy mô chiều dài 173 m, rộng 14 - 27 m. Đến nay, dự án này vẫn chậm tiến độ. Trong khi đó, cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi đã có định hướng xây mới, đến nay vẫn chưa có quyết định phê duyệt chính thức.

Bởi vậy, cầu Long Kiểng khi hoàn thành và đi vào hoạt động, có thể xem là động lực để 3 cây cầu còn lại sớm được triển khai xây dựng, nhằm đảm bảo lưu thông trên tuyến Lê Văn Lương.

Kéo theo nhu cầu mở rộng đường Lê Văn Lương

Đường Lê Văn Lương sẽ giao cắt với nhiều tuyến đường lớn, trong đó có cao tốc Bến Lức - Long Thành. (Ảnh: Hoàng Huy).

Đường Lê Văn Lương chạy song song với đường Nguyễn Hữu Thọ - một tuyến đường lớn khác từ TP HCM đi Long An. Tuy nhiên, đường Nguyễn Hữu Thọ chủ yếu phục vụ nhu cầu vận chuyển, khi kết nối trực tiếp với các khu công nghiệp Long Hậu, Hiệp Phước và Tân Cảng Hiệp Phước. Ngược lại, đường Lê Văn Lương chủ yếu phục vụ nhu cầu dân sinh. 

Khi cầu Long Kiểng và 3 cầu còn lại được hoàn thành, nhu cầu mở rộng đường Lê Văn Lương sẽ cấp thiết hơn, bởi trong tương lai, lượng phương tiện lưu thông trên trục đường này sẽ còn tăng.    

Hai bên trục đường Lê Văn Lương hiện có nhiều dự án bất động sản nhà ở đang triển khai xây dựng, có thể kể đến như La Partenza; T&T City Millennia Long Hậu; Saigon Village hay Elite Life Tân Thái Thịnh. Đây là những khu đô thị có diện tích lớn, dự kiến sẽ thu hút thêm nhiều dân cư về khu vực Nhà Bè.

Nút giao Lê Văn Lương - đường Kho B - Nguyễn Bình nhìn từ bản đồ quy hoạch. (Ảnh chụp màn hình).

Mặt khác, đường Lê Văn Lương theo quy hoạch còn giao cắt với nhiều tuyến đường lớn. Đầu tiên là đường Kho B sẽ mở (đường Đặng Nhữ Lâm kéo dài) kết nối trực tiếp đường Lê Văn Lương với thị trấn Nhà Bè. Tiếp đến là đường Nguyễn Bình (mặt cắt ngang 40 m), một tuyến đường trục theo hướng tây bắc - đông nam của huyện Nhà Bè.

Đường Lê Văn Lương, đường Kho B và đường Nguyễn Bình sẽ hình thành một nút giao lớn, là một trong 4 nút giao thông chính của huyện Nhà Bè theo quy hoạch.

Bên cạnh đó, cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đi qua đường Lê Văn Lương, tạo thành một nút giao khác mức. Hiện nay, tuyến cao tốc này đang được triển khai xây dựng, trong đó đoạn tuyến qua huyện Nhà Bè gần như đã thành hình, còn khoảng 1 km đang chờ khép kín.

Theo đồ án quy hoạch chung huyện Nhà Bè, đường Lê Văn Lương được xác định là một trong những trục đường huyết mạch của địa phương này. Đường Lê Văn Lương sẽ được mở rộng lên 40 m, trong đó vỉa hè hai bên 16 m và mặt đường rộng 21 m.