Trong thống kê 23 doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đại chúng đã công bố báo cáo tài chính, tổng lợi nhuận sau thuế mà nhóm này thu được trong năm 2022 là khoảng 11.086 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2021. Trong đó, hai doanh nghiệp báo lỗ là Bidico và Tân Tạo, trong khi cùng kỳ không có doanh nghiệp lỗ.
Trong 21 doanh nghiệp lãi, 6 doanh nghiệp có lãi sau thuế vượt nghìn tỷ, gồm IDICO (2.596 tỷ đồng), Viglacera (1.931 tỷ đồng), Becamex IDC (1.724 tỷ đồng), Kinh Bắc (1.596 tỷ đồng), Sonadezi (1.047 tỷ đồng) và Sài Gòn VRG (SIP) (1.002 tỷ đồng).
So sánh số lượng 4 doanh nghiệp lãi nghìn tỷ năm 2021, con số này đã tăng lên với sự tham gia của IDICO và SIP, mức tăng trưởng lãi của hai doanh nghiệp này lần lượt đạt 349% và 10%.
Riêng đối với IDICO, tăng trưởng lãi này đến từ việc công ty ghi nhận doanh thu một lần tại các dự án khu công nghiệp (KCN) Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 2 mở rộng, Hựu Thạnh và Mỹ Xuân B1 - Conac. Biên lợi nhuận gộp theo đó cũng tăng từ mức 18,5% năm 2021 lên mức 44,6% năm 2022.
IDICO cũng là một trong hai doanh nghiệp khu công nghiệp đạt mức tăng trưởng lãi năm 2022 trên 100% so với cùng kỳ, bên cạnh CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).
Về phần VRG, lợi nhuận sau thuế của công ty đã tăng từ 4,3 tỷ đồng năm 2021 lên mức 53,7 tỷ đồng năm 2022, chủ yếu là lợi nhuận thu được trong quý IV/2022 (46,3 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ).
VRG cho biết, chênh lệch lợi nhuận quý IV nói trên là do trong quý, công ty đã ghi nhận 90% giá trị của hợp đồng thuê lại đất gắn với cơ sở hạ tầng tại KCN Cộng Hòa (tỉnh Hải Dương) theo phương pháp hạch toán doanh thu một lần.
Mặt khác, trong 21 doanh nghiệp lãi này, 11 doanh nghiệp ghi nhận lãi tăng và 10 doanh nghiệp lãi giảm so với cùng kỳ. Song, 13/21 doanh nghiệp (chiếm hơn 60% tổng số doanh nghiệp có lãi) vượt kế hoạch lợi nhuận đã đề ra cho năm 2022, hai doanh nghiệp khác tiệm cận mục tiêu với mức độ hoàn thành đạt 97% và 98%.
Đối với hai doanh nghiệp lỗ là Bidico (tên cũ: Louis Land) và Tân Tạo (ITA), về phần Tân Tạo, công ty báo lỗ sau thuế năm 2022 là 176 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản lỗ 330 tỷ đồng trong quý IV/2022.
Theo giải trình của Tân Tạo, Chính phủ đã loại dự án Kiên Lương 1 khỏi danh sách các dự án sẽ vận hành trước năm 2030, do đó, doanh nghiệp thanh lý hợp đồng thuê đất và ghi nhận khoản giảm trừ doanh thu hơn 2.142 tỷ đồng và giảm trừ giá vốn hàng bán 1.678 tỷ đồng, dẫn đến khoản lỗ sau thuế nói trên.
Về phần Bidico, công ty báo lỗ sau thuế năm 2022 hơn 69 tỷ đồng. Năm 2022, Bidico bán hàng dưới giá vốn, đồng thời trích lập dự phòng đầu tư tài chính và chi phí dự phòng.
Tại thời điểm cuối năm 2022, nhóm doanh nghiệp bất động sản KCN trên có 38.570 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện. Đây phần lớn là các khoản nhận trước từ khách thuê tại các khu công nghiệp, chủ yếu ghi nhận trong dài hạn.
7 doanh nghiệp có doanh thu chưa thực hiện (cả ngắn và dài hạn) hàng nghìn tỷ đồng gồm SIP (10.930 tỷ đồng), Sonadezi (4.905 tỷ đồng), Tổng công ty Tín Nghĩa (4.764 tỷ đồng), IDICO (4.614 tỷ đồng), Nam Tân Uyên (3.076 tỷ đồng), Viglacera (2.757 tỷ đồng) và Sonadezi Giang Điền (2.506 tỷ đồng).
Trong đó, đối với SIP, khoản doanh thu chưa thực hiện này chiếm 58% tổng nguồn vốn doanh nghiệp, đều là tiền nhận trước từ hoạt động cho thuê đất, nhà xưởng. Trong năm 2022, SIP ghi nhận doanh thu từ hoạt động cho thuê đất này tăng 10% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng cao thứ hai trong cơ cấu doanh thu, sau hoạt động bán điện, nước (đạt gần 4.970 tỷ đồng).
Mảng cho thuê đất cũng là mảng có biên lợi nhuận gộp cao nhất trong số các hoạt động kinh doanh của SIP trong năm qua.
Nam Tân Uyên là doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu chưa thực hiện/tổng nguồn vốn lớn nhất trong nhóm 23 doanh nghiệp bất động sản KCN, đạt 76%. Khoản doanh thu chưa thực hiện này cũng cao gấp 4,3 lần vốn chủ sở hữu doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2022.
Chiếm phần lớn trong doanh thu chưa thực hiện của Nam Tân Uyên là tiền nhận trước từ cho thuê đất, hạ tầng KCN, bên cạnh nhận trước từ cho thuê mặt bằng và dịch vụ khác.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng dư nợ tài chính (cả ngắn và dài hạn) của nhóm 23 doanh nghiệp bất động sản KCN là 43.860 tỷ đồng, chiếm gần 20% trong tổng nguồn vốn các doanh nghiệp.
Tỷ lệ nợ tài chính/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp trung bình ở mức 0,31; giảm so với con số 0,34 tại thời điểm đầu năm 2022.
Trong đó, doanh nghiệp có tỷ lệ nợ tài chính/vốn chủ sở hữu cao nhất là Sonadezi Châu Đức ở mức 1,72; cao hơn con số 1,5 hồi đầu năm 2022. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất có tỷ lệ vượt mức 1,0 trong nhóm 23 doanh nghiệp KCN.
Dư nợ tài chính tại thời điểm cuối năm 2022 của Sonadezi Châu Đức tăng 20% so với đầu năm, đạt 2.635 tỷ đồng, phần lớn đến từ các khoản vay ngân hàng và trái phiếu dài hạn nhằm rót vốn làm dự án Khu công nghiệp - Đô thị và sân golf Châu Đức, công trình BOT.
Trong đó, khoản vay dài hạn và trái phiếu dài hạn đến hạn trả trong là hơn 460 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có dư nợ tài chính lớn nhất tại thời điểm cuối năm 2022 là Becamex IDC với 15.886 tỷ đồng, giảm 4,5% so với đầu năm, trong đó, tổng dư nợ trái phiếu đạt 10.176 tỷ đồng, đến hạn trả là 1.213 tỷ đồng.
So sánh với quy mô nguồn vốn của Becamex IDC, tổng dư nợ tài chính chiếm gần 33%. Tỷ lệ nợ tài chính/vốn chủ sở hữu ở mức 0,89; đã cải thiện so với tỷ lệ 0,97 tại thời điểm đầu năm.