Kinh Bắc chi hơn 1.900 tỷ đồng tạm ứng cho nhân viên, lãi năm vượt nghìn tỷ nhờ mua rẻ SDN

Lợi nhuận năm 2022 của Kinh Bắc đạt gần 1.600 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước dù doanh thu thuần giảm 77%. Tại cuối năm 2022, Kinh Bắc ghi nhận hơn 1.900 tỷ đồng tạm ứng cho nhân viên, tăng hơn nghìn tỷ so với thời điểm đầu năm.

Lỗ quý IV/2022 do hụt nguồn thu từ khách ngoại thuê KCN 

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC) vừa ra báo cáo tài chính quý IV/2022, cho thấy công ty âm doanh thu 331 tỷ đồng, qua đó lỗ thuần 292 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 540 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 lần lượt lãi 736 tỷ đồng và 619 tỷ đồng. 

Theo giải trình của doanh nghiệp, nguyên nhân của khoản lỗ quý trên là trong năm 2022, công ty đã ký cho thuê 107 ha đất khu công nghiệp (KCN) với tổng giá trị gần 3.540 tỷ đồng. Song, do một số nhà đầu tư nước ngoài chưa được cấp Giấy phép đầu tư nên chưa kịp bàn giao trong năm 2022, doanh thu bán hàng năm 2023 mới có thể ghi nhận được.

Kinh Bắc cho biết, tổng các hợp đồng này có thể mang lại lợi nhuận gộp hơn 1.800 tỷ đồng trong năm nay. 

KQKD năm 2022 của Kinh Bắc. (Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp). 

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của Kinh Bắc đạt 957 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn thu chính từ cho thuê đất và cơ sở hạ tầng giảm 78% còn 665 tỷ đồng. Công ty cũng ghi nhận thêm khoản giảm trừ doanh thu hơn 447 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Biên lợi nhuận gộp cũng giảm từ 58% cùng kỳ còn 28%, lợi nhuận gộp giảm 89% còn 268 tỷ đồng. 

Trong năm, doanh thu tài chính đạt 338 tỷ đồng, khoản lãi trong công ty liên doanh, liên kết đạt 2.199 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ tăng lãi tiền gửi, cho vay và hạch toán khoản lãi mua rẻ từ thương vụ nhận chuyển nhượng cổ phần CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN) trong quý III/2022.

Ngoài ra, công ty cũng có thu nhập 26,9 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hoãn lại, thay vì khoản chi phí 158 tỷ đồng như cùng kỳ.

Kết quả, lãi sau thuế năm 2022 của Kinh Bắc tăng 18%, đạt 1.596 tỷ đồng. 

So sánh với kế hoạch kinh doanh năm 2022 là tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế 4.500 tỷ đồng, như vậy, Kinh Bắc đã thực hiện 35% kế hoạch đề ra.  

Âm dòng tiền thuần, chi hơn 1.900 tỷ đồng để tạm ứng cho nhân viên

Lưu chuyển tiền thuần trong năm 2022 của Kinh Bắc âm 879 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 1.513 tỷ đồng, chủ yếu do công ty tăng các khoản phải thu, tăng hàng tồn kho cũng như chi tiền cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác, kéo dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và đầu tư lần lượt âm 213 tỷ đồng và 1.204 tỷ đồng.

Dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 537 tỷ đồng nhờ tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận góp vốn của chủ sở hữu và từ vay ngắn hạn, dài hạn, song không đủ bù vào khoản âm dòng tiền kinh doanh và đầu tư nói trên. 

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Kinh Bắc đạt 34.932 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm, tăng chủ yếu tại khoản đầu tư vào công ty liên kết sau thương vụ mua cổ phần SDN như đã đề cập.

Các khoản phải thu cả ngắn hạn và dài hạn đạt 11.719 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm, trong đó, phải thu ngắn hạn là 11.142 tỷ đồng, tăng 19%, chủ yếu do tăng khoản tạm ứng cho nhân viên từ 902 tỷ đồng đầu năm lên gần 1.920 tỷ đồng. 

Giá trị hàng tồn kho đạt 12.254 tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm. Các dự án ghi nhận tồn kho nghìn tỷ của Kinh Bắc tại thời điểm cuối năm 2022 gồm KCN và KĐT Tràng Cát (7.841 tỷ đồng), KCN Tân Phú Trung (1.126 tỷ đồng), KĐT Phúc Ninh (1.107 tỷ đồng) và KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh (1.002 tỷ đồng). 

 Nguồn: BCTC. 

Mặt khác, công ty cũng ghi nhận 878 tỷ đồng khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn, tăng 71% so với đầu năm, phần lớn là khoản trả trước tiền thuê đất có cơ sở hạ tầng tại KCN và tiền đặt cọc của khách mua nhà và quyền sử dụng đất các KĐT Phúc Ninh, Tràng Duệ và Quang Châu.

Dư nợ tài chính tại thời điểm cuối năm 2022 đạt 7.639 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm, gồm vay ngân hàng, trái phiếu và vay các đối tượng khác. Kinh Bắc hiện có 4 lô trái phiếu đang lưu hành với dư nợ tại cuối năm 2022 đạt 3.857 tỷ đồng, trong đó, trái phiếu đến hạn trả là 2.900 tỷ đồng. Trong 4 lô trái phiếu này, một lô sẽ đáo hạn vào tháng 2 tới đây, hai lô sẽ đáo hạn vào tháng 6, lô còn lại sẽ đáo hạn vào tháng 11/2024. 

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong năm 2022, công ty đã chi 1.406 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, ngược lại, vay thêm gần 1.609 tỷ đồng. 

chọn
VKS đề nghị tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 'mức án nghiêm khắc nhất'
TP HCMTheo VKS, bà Trương Mỹ Lan phạm tội có tổ chức trong thời gian dài, thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi... nên đề nghị tòa tuyên phạt "mức án nghiêm khắc nhất".