Cha mẹ cưỡng ép con kết hôn bị xử lý thế nào?

Hành vi cưỡng ép kết hôn là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm trong trường hợp này. Thêm vào đó, việc kết hôn của nam nữ phải đảm bảo tính tự nguyện của cả hai bên.

Tôi sinh năm 1999, dạo gần đây tôi bị gia đình, người thân ép lấy một người tôi không thích và chỉ xem anh ta là người bạn, người anh thôi. Tôi đã nói chuyện với gia đình nhiều lần nhưng mọi người không chịu hiểu. Về vấn đề này mong được sự tư vấn của VietNamMoi.

Độc giả: Đỗ Trà My

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:

Theo quy định Luật hôn nhân gia đình 2014 hành vi bị nghiêm cấm như tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn. Hành vi cưỡng ép kết hôn là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm trong trường hợp này. Thêm vào đó, việc kết hôn của nam nữ phải đảm bảo tính tự nguyện của cả hai bên.

Tại Điều 146 Bộ luật hình sự 1999 quy định về "Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ":

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Theo hướng dẫn bởi Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC, Chủ thể của tội này có thể là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Thông thường, chủ thể của tội này là bên nam hoặc bên nữ muốn kết hôn; người có ảnh hưởng nhất định trong gia đình của bên nam hay bên nữ (như: ông, bà, cha, mẹ, anh, chị...); người có ảnh hưởng trực tiếp đến bên nam hoặc bên nữ (như: người vợ cũ, chồng cũ, con sau khi ly hôn, người tình cũ...); người có ảnh hưởng trong công tác (như: thủ trưởng đối với nhân viên) hoặc về tín ngưỡng, tôn giáo (như: các chức sắc trong tôn giáo đối với tín đồ). Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Nếu không đủ cấu thành để truy cứu trách nhiệm hình sự thì những người thực hiện hành vi cưỡng ép kết hôn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác.

- Cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác.

Như thông tin bạn cung cấp, gia đình và người thân của bạn đang ép bạn kết hôn với một người mà bạn không hề có tình cảm mặc dù nhiều lần bạn đã trình bày nguyện vọng của mình. Do đó để đảm bảo quyền lợi của mình bạn cần trình báo đến cơ quan công an nơi bạn cư trú về vấn đề của mình trong trường hợp này.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
Cầu vượt thép Mai Dịch chờ thông xe
Cầu vượt thép Mai Dịch nằm trên nút giao Vành đai 3 - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã hoàn thành, không còn hoạt động thi công từ lâu nhưng chưa thông xe.