Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết sao cho đúng?

Bệnh sốt xuất huyết thường diễn biến nhanh, thế nên, nếu không chú ý trong chăm sóc và điều trị, nhiều hậu quả đau lòng có thể xảy ra.

Sốt xuất huyết là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, nhưng thường gặp nhất ở nhóm 4-9 tuổi. Riêng tại Bình Dương, thống kê của Sở Y tế tỉnh này cho thấy trong 10 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 3.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, có khoảng 60% là trẻ em.

cham soc tre bi sot xuat huyet sao cho dung
Trẻ bị sốt xuất huyết cần được chăm sóc đúng cách.

Theo lý giải của các chuyên gia, sở dĩ như vậy là vì trẻ em chưa có ý thức phòng vệ muỗi đốt. Hơn nữa, các em lại rất hiếu động, hay nghịch ngợm ở những nơi tối, nhiều muỗi. Ngoài ra, thân nhiệt của trẻ cũng cao hơn nên thu hút sự chú ý của muỗi nhiều hơn. Đặc biệt, do sức đề kháng yếu nên trẻ cũng dễ mắc bệnh cũng như dễ diễn biến nặng.

Không cần phải nói nhiều, có lẽ, ai cũng hiểu mức độ nguy hiểm của sốt xuất huyết, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Ngay những ngày đầu tháng 10 vừa rồi, Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Lắk đã ghi nhận một trường hợp bé trai 2 tuổi tử vong vì căn bệnh này. Theo đó, khi bé có biểu hiện sốt cao, co giật, gia đình chỉ nghĩ đơn thuần là sốt nên mua thuốc hạ sốt về uống. Đến khi xuất hiện thêm biểu hiện nôn ói liên tục, bé được đưa vào viện nhưng lúc này bệnh đã ở giai đoạn nặng với biến chứng là viêm phổi. Trên đường chuyển viện lên TP.HCM chữa trị, bé đã không thể qua khỏi.

Sau sốt, bệnh dễ trở nặng

Nhiều người nghĩ rằng sốt xuất huyết nguy hiểm nhất là lúc đang sốt, thế nhưng, thực sự không phải vậy. Thời điểm dễ gây ra những biến chứng nặng thường là từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6 sau sốt. Ở giai đoạn này, bệnh có thể đột nhiên trở nặng rất dễ dẫn đến tử vong.

Tất nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, bệnh viện Nhi Trung ương, các dấu hiệu của sự trở nặng hoàn toàn có thể nhận biết được. Đó là trẻ đột ngột sốt cao trên 38,5 độ, nhiều trường hợp còn lên tới 41-42 độ; vật vã, lừ đừ; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan; nôn nhiều; xuất huyết niêm mạc, tiểu ít, thậm chí không tiểu. Chính vì vậy, cha mẹ cần chú ý quan sát mọi biểu hiện của trẻ để có thể nhận thấy những bất thường nếu có. Khi đó, cần nhanh chóng chuyển trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

cham soc tre bi sot xuat huyet sao cho dung
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho bệnh trở nặng, nhưng phần lớn là do không được nhận biết từ giai đoạn đầu.

Bác sĩ Hằng cho biết có rất nhiều nguyên nhân khiến cho bệnh trở nặng, nhưng phần lớn là do không được nhận biết từ giai đoạn đầu, dẫn đến chăm sóc và điều trị sai cách.

Theo đó, với biểu hiện sốt cao, da có ban đỏ, sốt xuất huyết thường bị nhầm với sốt phát ban. Vì vậy, muốn phân biệt 2 loại sốt này, cách tốt nhất là nên căng phần da có ban đỏ, nếu thấy ban biến mất hoặc mờ đi thì đó là sốt phát ban. Trường hợp ngược lại, những ban đỏ vẫn xuất hiện thì đó chắc chắn là sốt xuất huyết.

Ngoài ra, sốt xuất huyết cũng bị nhiều người nhầm lẫn với sởi. Tuy nhiên, cái này dễ phát hiện hơn bởi ban của sởi thường mọc ở đầu, mang tai trước, sau lan xuống thân mình. Các ban này thường có màu đỏ sáng có chấm trắng ở giữa.

Cho trẻ ăn thức ăn mềm lỏng và bù nước đúng cách

Bệnh sốt xuất huyết thường diễn biến nhanh, thế nên, nếu không chú ý trong chăm sóc và điều trị, nhiều hậu quả đau lòng có thể xảy ra.

Chính vì thế, bác sĩ Hằng khẳng định "sau khi đã nhận biết chắc chắn bệnh, cha mẹ cần đặc biệt chú ý trong khâu chăm sóc. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt để giảm nhiệt độ cũng như giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn".

Về chế độ dinh dưỡng, trong những ngày này, trẻ cần được cung cấp năng lượng nhiều hơn ngày thường để nhanh chóng phục hồi. Các thức ăn của trẻ phải mềm, lỏng, dễ nuốt và tuyệt đối không kiêng khem. Nếu trẻ chán ăn, bố mẹ hãy chia nhỏ bữa của trẻ ra.

Ngoài chăm sóc về dinh dưỡng, bạn cũng nên chú ý bù nước cho trẻ bằng dung dịch oresol. Các loại nước cam, quýt, bưởi, giàu vitamin C cũng cần tích cực bổ sung cho trẻ để tăng cường đề kháng cũng như giúp thành mạch máu bền vững, giảm bớt tình trạng xuất huyết các nơi trong cơ thể.

Đặc biệt, sau khi hết sốt khoảng 3-6 ngày, bố mẹ cần chú ý hết sức đến các biểu hiện của trẻ để có thể có những biện pháp can thiệp kịp thời, tránh những biến chứng xấu.

Biểu hiện của sốt xuất huyết:

- Sốt cao đột ngột từ 5-7 ngày. Nổi chấm đỏ ở da.

- Đi tiêu phân đen, chảy máu mũi, chân răng.

- Đau đầu, đau khớp, đau quanh hốc mắt.

- Chán ăn, buồn nôn.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2050. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.