2.000 người cao tuổi được đo độ loãng xương, tư vấn dinh dưỡng | |
Số người già trên 100 tuổi ở Cuba đã vượt ngưỡng 2000 người |
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay nước ta có hơn 10 triệu người cao tuổi, trong đó tỉ lệ tử vong vì tuổi già chỉ chiếm 15%, còn tỉ lệ tử vong vì bệnh tật chiếm tới 85%.
Để có sức khỏe tốt, người cao tuổi cần phải xây dựng một chế độ ăn uống thật khoa học, tích cực luyện tập thể dục cũng như kiểm soát tốt cân nặng. Dưới đây là những khuyến cáo về sức khỏe mà Hiệp hội Lão khoa Hoa Kỳ khuyên nên thực hiện theo.
(Ảnh: An Niệu Nữ) |
1. Tích cực sử dụng rau xanh và cá
Ở độ tuổi nào thì cũng cần phải đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho sức khỏe. Tuy nhiên, với người lớn tuổi thì nên hạn chế thực phẩm chứa quá nhiều calo. Thay vào đó nên ăn nhiều rau xanh, đặc biệt là những loại rau có màu xanh đậm, màu vàng sáng như cà rốt, cải bó xôi, súp lơ xanh, dưa đỏ… Một số loại hạt như đậu nành, gạo nâu cũng khá tốt cho sức khỏe người cao tuổi.
(Ảnh: biquyetkhoedep.com.vn) |
Khi lựa chọn cá và thịt, để hạn chế tối đa lượng chất béo nạp vào cơ thể, người lớn tuổi chỉ nên sử dụng thịt gà, thịt lợn nạc, cá hồi, cá thu, cá trích… Các chuyên gia hàng đầu về sức khỏe khuyên những người trên 60 tuổi nên sử dụng các món ăn từ cá ít nhất 2 lần mỗi tuần. Cá biển chứa nhiều axit béo omega-3 nên rất có lợi cho sức khỏe. Thay vì sử dụng chất béo thông thường như bơ, mỡ lợn, để bảo vệ tim mạch thì người cao tuổi nên dùng dầu oliu, dầu canola và nêm gia vị nhạt hơn bình thường khi chế biến món ăn.
2. Bổ sung thêm nhiều nguồn vitamin
Bổ sung vitamin, khoáng chất cho cơ thể là một việc làm cần thiết của người lớn tuổi. Đặc biệt là vitamin nhóm A, B và C, vì khi cơ thể thiếu hụt những loại vitamin này thì rất dễ xảy ra các bệnh tim mạch và suy giảm thị lực. Liều lượng vitamin C cần thiết mỗi ngày cho phụ nữ là 75mg và nam giới là 90mg. Một số thực phẩm chứa nhiều vitamin C mà người cao tuổi nên sử dụng là dâu tây, dưa hấu, cà chua, bưởi, cam…
(Ảnh: Bài thuốc An Cốt Nam) |
Để bổ sung vitamin D, những người lớn tuổi nên tích cực đi bộ buổi sáng, tắm nắng để hấp thụ vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Tổ chức Y khoa thế giới khuyến cáo rằng lượng vitamin D cần thiết mỗi ngày cho người lớn là từ 1.000 – 2.000 đơn vị quốc tế (IU).
3. Chăm chỉ tập thể dục
Hoạt động thể chất ở mức vừa phải sẽ rất tốt cho sức khỏe cũng như tinh thần của người già. Nhất là người mắc các bệnh như tiểu đường, viêm khớp hay tim mạch. Thực tế cho thấy những căn bệnh trên sẽ được cải thiện đáng kể bằng các hoạt động thể chất đơn giản, nhẹ nhàng như đi bộ, thể dục nhịp điệu, tập dưỡng sinh. Vì những bộ môn này vừa giúp kiểm soát cân nặng lại vừa tăng cường sự dẻo dai, khỏe mạnh của xương khớp.
(Ảnh: Nấm Linh Chi) |
4. Tránh xa bia rượu, chất kích thích
Lạm dụng bia rượu, chất kích thích sẽ khiến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, trí óc, trầm cảm ngày càng tăng cao. Đồng thời còn tạo nên cảm giác choáng váng, dễ gây té ngã hay tương tác không tốt với một số loại thuốc khác. Các chuyên gia cho biết, ở độ tuổi trên 60, nam giới không nên uống quá 5 lon bia một tuần, còn phụ nữ thì chỉ nên uống tối đa là 3 lon bia.
(Ảnh: Ung Thư Việt Nam) |
Do càng lớn tuổi thì độ dài của giấc ngủ sẽ được rút ngắn lại, vì thế ở nhiều người đã hình thành thói quen hút thuốc lá, uống trà hay cà phê để giết thời gian. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng hút thuốc lá sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ bị bệnh tim mạch. Ngoài ra còn có thể rơi vào các tình trạng khó thở, bị các bệnh về phổi hay đường hô hấp…
5. Ngủ đủ giấc và kiểm tra sức khỏe định kì
Muốn luôn được khỏe mạnh và hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh thì người già cũng cần phải ngủ đủ giấc, đảm bảo ít nhất 7 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, vì người lớn tuổi rất khó ngủ vào ban đêm, hay bị thức giấc giữa đêm nên giấc ngủ trưa nên được rút ngắn lại, chỉ khoảng 30 phút. Ban ngày ngủ ít hơn, buổi tối đi nằm sớm hơn sẽ giúp đầu óc và tâm trạng được thoải mái, dễ dàng đi vào giấc ngủ.
(Ảnh: US News Health - US News & World Report) |
Càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Do vậy, người lớn tuổi nên sắp xếp thời gian để đi thăm khám tổng quát mỗi năm 2 lần để kiểm soát tốt các bệnh. Nên thực hiện kiểm tra sàng lọc các bệnh như thị lực, ung thư vú, ung thư đại tràng, loãng xương… Tại mỗi lần kiểm tra, nếu có thắc mắc gì về cách sử dụng thuốc hay chăm sóc sức khỏe thì người cao tuổi có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ.
Việt Nam già hóa dân số nhanh nhất thế giới? Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Và hiện nay, cả nước có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% tổng dân số. Trong đó có đến 2 triệu người trên tuổi 80. Nước ta được xếp vào nhóm nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2030, cả nước có khoảng 17% (19 triệu người) người cao tuổi trong tổng số dân số cả nước, còn 2050 thì tỉ lệ này sẽ tăng lên thành 25% (28 triệu người). Tuy tuổi thọ trung bình của người Việt được tăng lên mức cao (73,4 tuổi) nhưng tuổi thọ sức khỏe lại chỉ đạt ở mức thấp (64 tuổi). Điều đó có nghĩa là mỗi người cao tuổi Việt Nam có khoảng 10 năm sống không khỏe mạnh. Nếu như ở các quốc gia khác, đặc biệt là ở nhóm nước phát triển, quá trình chuyển đổi từ già hóa dân số sang dân số già phải mất vài thập kỉ, thậm chí cả thế kỉ thì tại Việt Nam, quá trình này chỉ diễn ra trong 22 năm. |