Chân dung 'cá mập mới' Nguyễn Hòa Bình vừa gia nhập Shark Tank: Học cấp 3 viết phần mềm máy tính, sinh viên năm 2 đã lập 2 công ty riêng

Chủ tịch của NextTech – Nguyễn Hòa Bình đã chính thức trở thành Shark mới tại "bể cá mập" mùa thứ ba. Nhưng ít ai biết, doanh nghệp của ông Bình từng bị nhấn chìm và rơi tự do từ trên vai người khổng lồ xuống dưới đất.

Tự lập công ty riêng khi còn là sinh viên năm 2

Con đường khởi nghiệp mà Nguyễn Hòa Bình đi có thể nói là trái ngược với tên của anh. Ngay khi học cấp 3, với niềm yêu thích với khoa học máy tính, Bình đã tự viết phần mềm. Năm 2001, khi vẫn đang là sinh viên năm 2 của Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, anh đã tự mở PeaceSoft, công ty một thành viên theo đúng nghĩa đen.

Thời điểm đó, PeaceSoft hoạt động về mảng phần mềm, đúng sở trường và cũng là thế mạnh của anh. Vừa làm nhân viên, vừa làm chủ, Bình tự viết code và cung cấp dịch vụ phần mềm cho các doanh nghiệp.

534A0397

"Shark" Bình từng khởi nghiệp từ rất trẻ, khi là sinh viên năm 2. (Ảnh: The Leader).

Sau khoảng 3 năm, "ông chủ doanh nghiệp" cảm thấy không thể tiếp tục với cách làm việc như vậy, vì "đi code dạo, ráo mồ hôi là hết tiền, ốm không đi làm được là đói".

Chia sẻ về quãng thời gian đó, anh lại cho rằng bản thân mình "gặp thời". 

"Vừa may, khi đó Internet tại Việt Nam bắt đầu phát triển. Tôi tham khảo các mô hình thành công của eBay, Alibaba, bắt đầu xây dựng dự án, gọi vốn và nhận được khoản đầu tư từ IDG Venture của Mỹ", Chủ tịch NextTech chia sẻ trên một chương trình của VTV.

"PeaceSoft nhanh chóng tuyển nhân sự, đầu tư xây dựng hệ thống phần mềm, mở sàn thương mại điện tử chodientu.vn, và trở thành con cá đầu đàn trong đại dương Internet mênh mông nhưng hoang vu ở Việt Nam", Shark Bình chia sẻ thêm.

Khi tiếng tăm của PeaceSoft bắt đầu nổi lên, vượt qua biên giới, cũng là lúc doanh nghiệp này nhận được sự chú ý từ eBay, đơn vị không thành công tại thị trường Trung Quốc và chuyển hướng sang Đông Nam Á.

"Đúng thời dân mình khát hàng ngoại, eBay.vn đưa người Việt mua sắm khắp thế giới. Chúng tôi xây dựng thêm nganluong.vn làm hệ thống thanh toán, hỗ trợ cho chodientu.vn và eBay.vn, PeaceSoft bắt đầu cực thịnh", Chủ tịch NextTech nhớ lại.

Rơi tự do từ trên vai người khổng lồ

Song, cũng chính vào lúc đó, Lazada của Đức và Shopee của Singapore tiến vào thị trường Việt Nam. Cuộc chiến về thương mại điện tử ngày càng gay gắt và chật chội với lực lượng lớn các đối thủ cạnh tranh cả trong lẫn ngoài nước.

"Bão tố bắt đầu nổi lên. Alibaba mua lại Lazada, eBay rời Đông Nam Á và bỏ chúng tôi", Chủ tịch của PeaceSoft khi đó kể.

Sau đó, Bình chợt nhận ra rằng trên mặt đất, khi chợ không có khách thì vẫn còn bất động sản. Nhưng với chợ mạng, tất cả chỉ còn là tên miền vô giá trị. Ông chủ trẻ cũng nghi ngờ về dư địa của thị trường thương mại điện tử, khi đây là sân chơi của các ông lớn với nguồn tài chính và dữ liệu khổng lồ.

"Đại dương xanh trở thành đại dương đỏ trong chưa đầy 1 năm. Đội ngũ của PeaceSoft lúc đó khá lúng túng trong việc tìm ra giải pháp, làm sao để vượt qua khó khăn và tổn tại trong môi trường cạnh tranh đầy khốc liệt. Khi mới chỉ chớm thành công, tôi đã mất đi đối tác chiến lược lẫn thị trường và cũng đối mặt với nguy cơ mất đi cả sự nghiệp", cá mập mới của Shark Tank chia sẻ.

Khi vào "cửa chết" thì buộc phải sống

Khi đối tác rút lui và "sức cùng lực kiệt",PeaceSoft rơi vào cửa chết và buộc phải sống, bắt đầu tìm về giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Hai cốt lõi chính mà PeaceSoft thời điểm đó có là khả năng sáng tạo và làm chủ công nghệ. "Chúng tôi có thể tạo ra ý tưởng và sở hữu khả năng thực thi các ý tưởng đó thành công".

Lúc này, Bình chuyển qua tìm tòi các thống kê và nhận ra, chỉ có 2% lưu lượng bán lẻ tại Việt Nam là mua sắm online. Gần 98% còn lại là từ môi trường truyền thống. 

"Tôi ngờ ngợ lối thoát đang ở đâu đây, PeaceSoft có thể yếu hơn hàng nghìn lần so với đối thủ nước ngoài trong cuộc chơi thương mại điện tử, nhưng chúng tôi có thể giúp cho 99% người bán và người mua trên môi trường thương mại truyền thống".

Ngay lập tức, PeaceSoft điện tử hóa các giao dịch trong đời thực, chuyển từ "thương mại điện tử" sang "điện tử hóa thương mại" và xây dựng lại định hướng và tầm nhìn, thành lập ra NextTech. Công ty sau đó liên tục tạo ra các sản phẩm mới, như giải pháp thanh toán thẻ mPOS, cổng thương mại điện tử xuyên biên giới WeShop, ví điện tử ViMo hay giải pháp hậu cần cho thương mại điện tử BoxMe.

timestudio-nexttech-065

Shark Bình tìm ra giải pháp cho doanh nghiệp của mình ở thời điểm khó khăn: Thay vì cố gắng theo đuổi thương mại điện tử, NextTech chuyển hướng sang "điện tử hóa thương mại". (Ảnh: ICTNews).

NextTech đưa các giải pháp công nghệ thông tin, giúp cho doanh nghiệp truyền thống có thể tối ưu hóa hoạt động, tìm kiếm thêm khách hàng và chia sẻ các giá trị gia tăng dựa trên những thành tựu đó, mở rộng thị trường sang Mỹ, Indonesia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Trung Quốc.

Gần nhất, NextTech cũng đã phát triển sang cả Myanmar, với chi nhánh của ứng dụng đặt xe FastGo được đặt tại quốc gia này vào cuối năm ngoái.

"Nếu không rơi vào hoàn cảnh đó, có lẽ mình vẫn đi theo con đường cũ, theo đuổi cuộc đua về nguồn lực, cuộc đua về đốt tiền, và đến bây giờ có thể đã sụp đổ", nhà sáng lập NextTech vẫn cảm thấy mình được nhiều hơn mất về những thất bại.

Lời khuyên với startup: Khi nhiều tiền, chúng ta sẽ lười tư duy, chỉ đốt tiền

Hiện nay NextTech Group đang là cái nôi của 20 doanh nghiệp, công nghệ thông tin trên không gian mạng. Hệ sinh thái của NextTech có hơn 1.000 nhân viên tại 7 quốc gia, làm việc ở các lĩnh vực: điện tử hóa thương mại, công nghệ tài chính và dịch vụ logistic cho thương mại điện tử. Sản lượng giao dịch năm 2018 ước đạt 1,5 tỉ USD.

Khao khát khởi nghiệp, nên tiêu chí của NextTech trong thời gian tới là trở thành bệ phóng cho 100 doanh nhân công nghệ đạt được thành công tại Việt Nam và vươn ra thị trường quốc tế.

"Việc sống dựa vào các doanh nghiệp khổng lồ là điều mà mọi doanh nghiệp startup mong muốn. Tuy nhiên, hợp tác với người khổng lồ, chúng ta chỉ có thể có giá trị bền vững và lâu dài khi họ thực sự cần chúng ta. Còn nếu sự hợp tác đó không đủ mạnh và đủ kết dính, chúng ta nên suy nghĩ lại vì sẽ tốn hàng năm cho cuộc tình đó. Nếu mối tình ấy không đi đến đâu, chúng ta sẽ mất nhiều thời gian và công sức".

ea8a0358-1566980826296755708676

Từng khởi nghiệp và thất bại khi còn rất trẻ, Shark Bình mong muốn trở thành "tri kỉ" của các startup. (Ảnh: VTV.vn)

"Với các startup, tôi cho rằng trong bất kì cái bắt tay nào, chúng ta đều cần có sự chủ động, cần xác định được năng lực tự định nghĩa thị trường để chỉ dấu cho doanh nghiệp trưởng thành. Các công ty khởi nghiệp ngày nay thường đi theo mô hình thành công của các ông lớn, và cho rằng mình có thể làm tốt hơn họ. Chỉ khi nào họ tự định nghĩa được thị trường ngách cho bản thân mình thì họ mới thực sự trưởng thành.

Với cá mập mới này, các công ty mới khởi nghiệp không nên đầu tư dàn trải ở giai đoạn đầu. Khi trải qua một giai đoạn nhất định, doanh nghiệp sẽ tự nhận ra rằng muốn tồn tại thì cần phải có hệ sinh thái với những sản phẩm có thể tương hỗ với nhau. Các startup không có khả năng gọi vốn thì cần tránh sa vào các cuộc chơi đốt tiền. Thay vào đó, chúng ta cần tìm ra ngách thị trường trước. Tổng lưu lượng thị trường ngách có thể lên đến 30-40% thị phần, nhưng các ông lớn thường bỏ qua, hoặc không động vào được.

"Các startup càng có nhiều tiền thì càng gặp nhiều bất lợi. Khi có nhiều tiền, chúng ta sẽ lười tư duy. Việc dễ nhất để mua sự tăng trưởng lúc này lại là đốt tiền. Mỗi startup chỉ cần một lượng vốn vừa đủ, công thức của tôi là chỉ cần khoảng 200.000 USD là đủ để startup ít nhất tự hòa vốn trong giai đoạn đầu" Đó là lời khuyên của Chủ tịch NextTech với các startup.

Anh nói: Nếu bạn có một mô hình kinh doanh tốt và làm chủ được vận mệnh của mình, thì tự nhiên dòng tiền sẽ đổ đến. Nếu không, dù có cố gắng đến mấy để thâm nhập thị trường vốn, bạn cũng gặp thất bại".

Tag: