Số vốn đầu tư vào start-up Việt Nam tăng 7 lần trong vòng 3 năm

Đây là số liệu được đưa ra bởi Topica Founder Institute, trong các thương vụ đầu tư vào start-up Việt Nam từ năm 2015-2018.
Số vốn đầu tư vào start-up Việt Nam tăng 7 lần trong vòng 3 năm - Ảnh 1.

Diễn đàn quĩ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 ( Vietnam Venture Summit 2019) diễn ra tại Hà Nội ngày 10/6. (Ảnh: Thiên Trường).

Lượng tiền đầu tư vào các start-up Việt Nam đã tăng gấp 7 lần chỉ sau 3 năm

Báo cáo của Topica Founder Institute (TFI) cho biết, năm 2018, tổng số vốn đầu tư vào các start-up Việt đã lên đến 889 triệu đôla, gấp 7 lần so với năm 2015. Đây là số liệu được đưa ra trong Diễn đàn quĩ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 ( Vietnam Venture Summit 2019) diễn ra tại Hà Nội ngày 10/6.

Theo đó, nếu như nguồn vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2015 chỉ dừng ở con số khá khiêm tốn là 136 triệu đôla, tăng chậm lên 291 triệu đôla vào năm 2017 thì đên năm 2018, con số này đã tăng vọt lên gần một tỉ đôla.

Gần một tỉ đôla đầu tư vào 92 thương vụ start up, bao gồm rất nhiều những thường vụ đình đám như: Yeah1, Sendo và Topica. Trong đó có khoảng chục thương vụ có giá trị lên tới trên 30 triệu đôla.

Không những tăng về số lượng, các lĩnh vực khởi nghiệp được đầu tư cũng được chọn lọc kĩ càng, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghệ giáo dục, thương mại điện tử, du lịch công nghệ, logistics, giáo dục công nghệ,…

Được biết, các nguồn vốn này chủ yếu đến từ các quĩ đầu tư nước ngoài. Sở dĩ các quĩ đầu tư nước ngoài liên tục rót vốn và tăng mạnh hàng năm là bởi các nhà đầu tư ngoại rất thích các start-up tại Việt Nam, do Việt Nam có nền tảng khoa học kĩ thuật cao, nhân sự trẻ và nhiệt huyết. Thêm nữa, thị trường start-up của Việt Nam cũng còn rất mới, do đó sẽ có nhiều tiềm năng.

Điển hình như các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc như Korea Invesment Partners (KIP) và Mirae Asset Venture Investment đã rót 10 triệu đôla vào start-up Appota của Việt Nam…

Chính sách nào cho các start-up Việt?

Theo diễn đàn Vietnam Venture Summit 2019 công bố, hiện tại có 42 tỉnh thành tại Việt Nam đã ban hành các chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Về phía Chính phủ, Việt Nam cũng đã và đang xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên ba trụ cột chính đó là: Mạng lưới khởi nghiệp quốc gia, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Trong đó, tập trung vào xây dựng và phát triển mạng lưới khởi nghiệp trên qui mô quốc gia và quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển, hoàn thiện công nghệ, liên kết với các trường đại học, các viện nghiên cứu nhằm thương mại hóa sản phẩm, tiến ra thị trường toàn cầu.

Ngoài những kiến tạo của Chính phủ, để xây dựng thành công một hệ sinh thái khởi nghiệp, diễn đàn cũng nhấn mạnh vai trò của chính các doanh nghiệp khởi nghiệp. vai trò của các trường đại học, yếu tố văn hóa khởi nghiệp giúp các doanh nhân dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn và tìm kiếm những cơ hội mới.

Diễn đàn Quĩ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit 2019) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Sự kiện diễn ra trong hai ngày: 10/6 tại khách sạn Sheraton Hà Nội (Tây Hồ, Hà Nội) và 12/6 tại GEM Center (quận 1, TP HCM).

Đây là sự kiện đầu tiên tại Việt Nam với sự hiện diện của lãnh đạo hầu hết các quỹ trên thế giới tham gia kết nối trao đổi về các xu hướng phát triển mới, đồng thời đưa ra các cam kết tài trợ cụ thể.



Tag:
chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.