Nếu như LGBT đã trở thành một cụm từ khá phổ biến trong xã hội những năm gần đây thì khái niệm “Asexual” (người vô tính) dường như vẫn còn mới mẻ. Những định kiến sai lầm và đôi lúc kì thị khiến cuộc sống của người vô tính trở nên gặp nhiều khó khăn.
Đỗ Văn Tuấn, (biệt danh Silic, SN 1995, Vĩnh Phúc), chàng trai vô tính, là một trong những thành viên tích cực của cộng đồng LGBT+ đồng thời là admin của fanpage Asexual in Vietnam (fanpage dành cho cộng đồng vô tính lớn nhất Việt Nam). Cùng trò chuyện với Tuấn để lắng nghe những chia sẻ của chàng trai 9X về cuộc sống của cộng đồng người vô tính tại Việt Nam.
![]() |
Đỗ Minh Tuấn. (Ảnh: NVCC). |
Chào Tuấn, là một admin của fanpage dành cho cộng đồng vô tính lớn nhất Việt Nam, bạn có thể chia sẻ về cuộc sống chung của người vô tính không?
Vô tính là xu hướng tình dục nên Asex (người vô tính) vẫn có thể hấp dẫn tình cảm, tình yêu (trừ Aromantic Asexual). Nên có Asex có người là dị tính, có người vẫn là LGBT+.
Cuộc sống người vô tính (nói chung như dị tính) nhưng có đặc thù riêng như:
- Cảm xúc về tình yêu khá nhạy cảm: Vì tình yêu vốn được gắn liền với tình dục nên đây là điều khiến các Asex ngại yêu hay dễ chia tay vì đối phương đa số là người hữu tính, không hiểu cho Asex.
- Cuộc sống thấy nhẹ nhàng, vui vẻ nếu không nhắc tới tình yêu. Đây chỉ là đánh giá chủ quan của mình.
Riêng, một vài nhóm Asex đặc thù như ghét ôm, ghét hôn hay tiếp xúc cơ thể thì họ thường bị người khác đánh giá là khó tính, “chảnh”, kiêu căng.
So với LGBT, Asex cũng tương đồng trong việc bị định kiến, bị hiểu nhầm và hiểu sai. Nếu người vô tính dị giới luyến ái (nam yêu nữ nhưng không hấp dẫn tình dục) thì cuộc sống của họ tương đối không gặp khó khăn bằng các bạn Asex thuộc LGBT (vô tính đồng giới luyến ái…)
Bạn nhận ra mình là người vô tính khi nào?
Bản thân người vô tính là bẩm sinh. Từ lúc mình nhận thức được về các xu hướng tính dục (lớp 7), mình nghĩ mình là người song tính. Nhưng tầm năm nhất đại học (2014), khi mình biết tới khái niệm Asex (người vô tính), mình mới biết nhãn dãn phù hợp nhất với mình là Asexual. Mình chính thức gia nhập cộng đồng vào cuối năm 2014, đầu năm 2015.
Hành trình nhận ra có thể nói là do tiếp nhận kiến thức giới, tính dục và kinh nghiệm trải qua của bản thân.
Mình thấy mình vẫn thấy thu hút tình cảm, thể chất với con trai, con gái như thường nhưng nếu để tiến xa hay nhắc tới “chuyện ấy”, mình lại thấy nhu cầu đó không cần (tức là không thấy tình dục hấp dẫn). Mình tự thấy sinh lý mình bình thường, tâm lý không có chấn động gì, thấy bản thân cũng trải qua quan hệ tình dục bình thường.
Đôi khi cũng lo lắng không biết mình có bị bệnh gì không, cũng may nhờ tiếp cận internet thấy khái niệm Asex, cảm thấy nhẹ nhàng vì mình chỉ là thiểu số trong xã hội, chứ không hề là bệnh gì.
![]() |
Sau khi tìm hiểu, Tuấn nhận ra Asex là lẽ tự nhiên. (Ảnh: NVCC). |
Tuấn đã công khai mình là vô tính với gia đình và người thân chưa? Phản ứng của họ như thế nào?
Mình có chia sẻ với gia đình, người thân và bạn bè. Và dĩ nhiên, không một ai tin mình. Đây cũng là điều mà nhiều bạn Asex trải qua khi come out vì vô tính nó quá ít về số lượng cũng như người vô tính ít hiện diện (LGBT có thể mọi người hiểu tương đối, nhưng Ase thì ít hơn).
Các bạn mình thường nói: “ Vô tính á, vô tính là gì”. “Vô tính tức giá trị đạo đức không có á?”
Khi mình giải thích thuật ngữ thì các bạn sẽ nói: “Phải thử quan hệ tình dục đã mày. Hay chắc do mày chưa tìm được người mày thấy phù hợp thôi”. “Mày đi khám xem sinh lý có sao không?”
![]() |
Tuấn hiện là thành viên tích cực của cộng đồng LGBT+. (Ảnh: NVCC). |
Là admin của fanpage dành cho người vô tính ở Việt Nam và tham gia các hoạt động xã hội, Tuấn dự định làm thế nào để tuyên truyền cho mọi người hiểu về một khái niệm “người vô tính” còn khá xa lạ với mọi người?
Qủa thật, vô tính là một thuật ngữ ít người biết tới, cộng đồng này còn chiếm tỷ lệ quá ít trong dân số, chỉ khoảng 5% dân số.
Đây cũng là điều mình trăn trở vì đa số hiện nay mọi người không tin có người vô tính cũng như hiểu không đúng về Asex. Hiện, mình cùng các bạn Asex khác đang cố gắng phát triển trang fanpage: Asexual in Vietnam.
Để tuyên truyền cho mọi người hiểu thì fanpage sẽ phải là nơi kết nối các bạn Asex. Chúng mình sẽ tăng sự hiện diện của cộng đồng hơn nữa qua các sự kiện như offline, tập huấn kiến thức SOGIE, tham gia các chương trình có liên quan về giới, tính dục; tham gia chương trình cho LGBT+ như VietPride, BuBu…
Và chúng mình cũng có Tuần nhận thức vô tính (lịch chung quốc tế), sẽ cố gắng làm các sự kiện qua những dịp này.
Dự định tương lai sắp tới của mình là viết các quyển kiến thức nhỏ cầm tay về vô tính.
Hiện tại bạn cảm thấy cuộc sống của mình như thế nào?
Mình thấy cuộc sống của riêng mình rất thỏa mái vì bản thân đã come out và cũng tham gia các hoạt động vì quyền LGBT+ (gồm cả vô tính).