Việc người phụ nữ sắp sinh bị bỏ lại bên vệ đường đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ đối với hành động nhẫn tâm của tài xế. Cũng từ đó, nhiều câu hỏi “vì sao” được đặt ra trước thái độ vô cảm đang ngày càng lan rộng trong xã hội.
Có kinh nghiệm 2 năm làm công việc thiện nguyện là sơ cứu và đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông đến bệnh viện, chị Nguyễn Hoàng Kim Ngân (Đội trưởng đội Cứu nạn giao thông tình nguyện 911 ở khu vực quận Thủ Đức, TP HCM) chia sẻ việc cứu giúp người cũng gặp nhiều rắc rối. Chính những rắc rối đó phần nào làm cho người dân ngày càng sợ bị liên lụy.
Vụ sản phụ Bình Phước bị đuổi xuống xe khi chuyển dạ khiến dư luận phẫn nộ
“Cái rắc rối cũng như nỗi sợ lớn nhất của những người cứu người bị tai nạn là sợ người nhà nạn nhân hiểu lầm. Phổ biến là người nhà nạn nhân chưa rõ sự tình đã nổi nóng lên, thấy ai ở đó đều nghĩ là người gây tai nạn rồi hành hung. Thực tế đã có trường hợp người giúp bị người thân của nạn nhân đánh chết được đăng trên các báo đài nên người ta e dè. Hoặc lỡ người gặp nạn có mất mát về tài sản, lúc đó người ta sẽ nghi mình đầu tiên”, chị Ngân cho biết.
Chị Ngân kể sáng 21/8/2019, chị đang trên đường đi làm thì nhận được điện thoại báo có trường hợp bé gái bị tai nạn. Vội vàng quay xe đến hiện trường, chị Ngân sơ cứu cho bé rồi đưa đến Bệnh viện 7C-Trường Quân y 2 (quận Thủ Đức, TP HCM) và gọi điện cho người nhà đến làm thủ tục. Tuy nhiên, khi mẹ của nạn nhân đến bệnh viện lại nghi ngờ chị Ngân chính là người gây ra tai nạn.
“Người mẹ liên tục quát và hỏi tôi có phải là người gây tai nạn không mặc dù khi gọi điện tôi đã nói tôi đưa giùm bé đến bệnh viện. Thấy vậy, bạn của bé bị tai nạn mới ra giải thích hộ thì bà mới chịu tin. Sau đó người mẹ lại tiếp tục hỏi người gây tai nạn là ai, ở đâu và trách mắng tôi tại sao không giữ người đó lại. Tôi giải thích chỉ cứu người thôi thì bà ấy nổi sùng lên. Đấy vừa mất buổi làm, vừa ôm cực tức vào người, làm người tốt cũng không dễ”, chị Ngân nói.
Một lần khác, chị Ngân và một người bạn cũng suýt bị hành hung khi đang cố ép tim cho một nạn nhân bị tai nạn ở đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức, TP HCM) dù CSGT đang có mặt ở đó.
Cũng làm công việc cứu người như chị Ngân, anh Đặng Phước Sỹ (Đội trưởng đội Cứu nạn giao thông quận 12) cho biết ngoài bị người nhà hành hung, người dân còn sợ bị dàn cảnh hoặc phiền hà khi phải lấy lời khai hay bệnh viện bắt ở lại đóng tiền viện phí.
“Tôi liên tục bị bệnh viện bắt đóng tiền viện phí rồi ở lại chờ cho đến khi người nhà đến, có nhiều vụ nghiêm trọng phải lên công an lấy lời khai… Đối với mình làm quen thì không sao nhưng người dân bình thường như vậy rất phiền hà, đôi khi ảnh hưởng đến công việc nữa. Vì vậy mỗi lần cứu người tôi đều nhờ một bạn ghi hình hoặc ghi âm để mình có một cái gì đó để bảo vệ mình trong những trường hợp bị nghi oan”, anh Sỹ cho hay.
Anh Sỹ cũng chia sẻ, ngoài sợ bị vạ lây thì việc người dân hoặc người đi đường không đưa người tai nạn đi cấp cứu là do không có kĩ năng sơ cứu. Trên thực tế, việc cứu người cũng cần có kĩ năng và hiểu tình huống, nếu không sẽ càng gây nguy hiểm cho người bị nạn.
Ảnh hiện trường vụ một tai nạn nghi vấn ô tô tông chết người rồi bỏ chạy ở TP HCM
“Giống như chúng tôi ít nhất cũng phải tự học những kiến thức cơ bản về sơ cứu và trong xe lúc nào cũng trang bị vài dụng cụ cứu thương cần thiết. Ví dụ như nạn nhân bị gãy tay chân, nếu không biết gì mà cứ bất chấp đưa đi cấp cứu liền có thể làm nạn nhân bị lệch khớp… ”, anh Sỹ cho hay.
Chị Ngân tâm sự: “Tôi thấy những lý do để người dân không đưa nạn nhân đi cấp cứu như sợ bị oan, sợ bị dàn cảnh... thì có thể chấp nhận được. Bản thân tui tôi nhiều lần bị đánh hay gặp rắc rối nên rất hiểu tâm lí đó. Chỉ là mình làm thiện nguyên không nề hà còn những người khác họ có lí do riêng để bảo vệ bản thân mình không thể thể phán xét”.
Tuy nhiên cả anh Sỹ và chị Ngân đều khẳng định, trong những trường hợp như tài xế bỏ thai phụ giữa đường hay việc nhiều người dừng lại xem rồi bỏ đi mà không gọi xe cứu thương cho 2 nạn nhân trong vụ tai nạn ở quận Bình Tân (TP HCM) là không thể chấp nhận được.
“Trong những trường hợp đó, nếu sợ dàn cảnh người dân có thể gọi các đội cứu hộ hoặc gọi xe cứu thương cho nạn nhân chứ không nên bỏ mặc họ như vậy”, anh Sỹ bày tỏ.
Anh Sỹ cũng bày tỏ, qua thời gian làm cứu hộ cứu nạn, anh nhận thấy xã hội vẫn còn nhiều người tốt: “Nhiều người sợ bị oan thôi chứ khi có người bắt tay vào làm rồi thì người dân cũng xúm lại, người giúp một tay đưa người bị nạn đi cấp cứu”.
Đồng quan điểm với anh Sỹ, chị Ngân khẳng định: “Chỉ riêng ở địa bàn hỗ trợ của đội tôi là quận Thủ Đức, cứ mỗi lần có tai nạn họ đều lập tức gọi cho đội cứu hộ hoặc xe cứu thương. Nhiều trường hợp người dân vẫn đưa nạn nhân đi bình thường. Nhớ có lần trời mưa, nghe tin tai nạn thì nhóm tôi chạy xuống, sơ cứu xong thì người dân nói để họ chở đi vì sợ chúng tôi mệt”.
Chị Lê Thanh Bình (36 tuổi, quê Thanh Hóa), người đã từng được người dân giúp đỡ khi bị tai nạn nhớ lại: “Khoảng 2 năm trước, tôi làm công nhân ở Bình Dương. Tối đó là khoảng 10 giờ, tôi chạy xe từ công ty ra đường thì bị đụng xe với một chiếc taxi làm tôi bị gãy tay. Lúc đó người dân ùa ra đỡ xe ra khỏi người tôi, sau đó giữ người tài xế lại, bắt chở tôi đến bệnh viện. Một cô nhà gần đó ở đó cũng đi theo tôi đến bệnh viên, giúp tôi gọi người nhà ra rồi mới về”.