Dịch Ebola vẫn tiếp tục lây lan ở Cộng hòa Dân chủ Congo, tới thời điểm hiện tại đã có 1.009 trường hợp được ghi nhận lây nhiễm với virus Ebola, trong đó có tới 629 ca tử vong và biến quốc gia này thành ổ dịch Ebola lớn thứ hai trong lịch sử của nhân loại.
Có những lo ngại rằng dịch Ebola không chỉ dừng lại ở Congo mà vẫn có thể lan rộng hơn, giới chức tại Cộng hòa Dân chủ Congo xác nhận một ca nhiễm mới virus Ebola đã được ghi nhận ở Bunia - thành phố lớn thứ hai ở miền Đông nước này với dân số gần một triệu người.
Dịch Ebola bùng phát tại Cộng hòa Dân chủ Congo đã giết chết hơn 600 người. (Ảnh: Skynews).
Bệnh nhân là một em bé mới 6 tháng tuổi. Bộ Y tế CHDC Congo cho biết, cha mẹ em bé có tình trạng sức khỏe tốt, do vậy một cuộc điều tra đã được thực hiện để xác minh em bé đã bị lây nhiễm qua nguồn nào.
Cơ quan y tế công cộng thường ghi nhận rất ít các trường hợp trẻ sơ sinh nhiễm bệnh. Virus Ebola thường lây truyền qua đường máu hoặc các chất tiết ra từ cơ thể.
Các chuyên gia y tế cho rằng, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tiếp xúc với virus gây bệnh thông qua việc bú sữa mẹ hoặc tiếp xúc gần gũi với cha mẹ.
Những nỗ lực đang tiếp tục để ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola. (Ảnh: Skynews).
Trước Bunia, hai thành phố khác ở nước này là Butembo và Beni đều ghi nhận xuất hiện các ca nhiễm Ebola.
Đây là đợt bùng phát dịch Ebola gây tử vong lớn thứ 2 trong lịch sử nhân loại.
Năm 2014, dịch Ebola bùng phát tại 3 nước châu Phi Guinea, Liberia và Sierra Leone, đã cướp đi sinh mạng của 11.308 người.
Virus Ebola được phát hiện lần đầu tiên năm 1974 tại một ngôi làng gần sông Ebola của Cộng hòa dân chủ Congo và tên của dòng sông được đặt cho chủng virus gây tỷ lệ tử vong cao này.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ebola là căn bệnh do virus gây ra với các triệu chứng ban đầu như: sốt đột ngột, đau cơ, đau họng.
Sau đó người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, một số trường hợp có thể bị xuất huyết cả bên trong và bên ngoài.
Ảnh: Skynews.
Căn bệnh này lây nhiễm thông qua tiếp xúc gần gũi với động vật bị nhiễm bệnh. Tiếp đó, virus sẽ lây lan từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc nội tạng nhiễm bệnh, hay lây gián tiếp qua môi trường ô nhiễm.
Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 2 ngày đến 3 tuần và rất khó để chẩn đoán bệnh.