'Chỉ có Trung Quốc quan tâm' cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Đâu là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước?

Bộ trưởng GTVT cho biết doanh nghiệp trong nước có thể liên danh để tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

IMG_3778

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Nhà đầu tư trong nước khó tiếp cận dự án?

Liên quan đến dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT vừa qua, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết hiện nay doanh nghiệp xây dựng giao thông trong nước khó để tham gia các công trình, dự án lớn về giao thông.

Cụ thể, theo đại biểu Phương, ví dụ như về dự án cao tốc Bắc - Nam, doanh nghiệp trong nước khó tham gia do năng lực, khả năng tài chính không đáp ứng được vốn dài hạn, trong khi đó các ngân hàng nhà nước cũng không muốn mở rộng nguồn cung cấp để cho vay.

"Thực trạng trên đòi hỏi với các dự án giao thông lớn cần phải mời gọi, thu hút đầu tư từ nước ngoài", đại biểu Phương cho hay.

Đại biểu Phương cũng đề nghị Bộ GTVT nêu giải pháp để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước đều được tham gia.

Về vấn đề nêu trên, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông hiện nay là dự án lớn.

"Ngân sách hiện nay đang khó khăn, nguồn lực trong nước cũng khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các dự án BOT giai đoạn trước.

Do đó, nguồn lực rất hạn chế, tín dụng ngân hàng đầu tư nhiều cho các dự án BOT nên đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay cũng có khó khăn về nguồn vốn, tín dụng.

Tuy nhiên, đây là dự án lớn, trọng điểm, cần thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ về đấu thầu.

Chúng tôi đang đấu thầu quốc tế, thuê 2 tư vấn nước ngoài cùng với chúng ta lập hồ sơ mời thầu. Các bộ có liên quan đã cho ý kiến về hồ sơ mời thầu để chúng ta cố gắng thực hiện công tác đấu thầu, thu hút được nguồn vốn nước ngoài", ông Thể nói.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước, Bộ trưởng GTVT khuyến cáo các doanh nghiệp có thể liên doanh thành một đơn vị để đảm bảo tài chính hoặc liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài.

"Chúng ta đấu thầu quốc tế nên các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều có thể liên doanh, liên kết với nhau.

Chúng tôi nghĩ rằng, với các dự án này, nếu doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước liên doanh với nhau hoàn toàn có thể thực hiện được dự án. Chúng tôi nghĩ rằng doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể có cơ hội", ông Thể nói.

Cũng liên quan dự án này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho biết nhiều cử tri bức xúc về thông tin "chỉ có nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến dự án đường cao tốc Bắc - Nam".

"Cử tri đặt câu hỏi rằng Chính phủ có biện pháp gì bảo đảm không lặp lại những vấn nạn và hệ lụy của việc chọn thầu dựa vào giá rẻ, cuối cùng đội vốn nhiều lần, công nghệ thấp, chất lượng kém...

Nếu có cách làm tốt, công khai, minh bạch, hợp lí thì sẽ huy động được nguồn vốn chủ yếu từ các doanh nghiệp Việt Nam và hàng chục triệu người dân qua phát hành trái phiếu các loại, qua đó giảm gánh nặng nợ công và nợ nước ngoài. ", đại biểu Nghĩa nói.

IMG_3773

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Toàn cảnh tiến độ cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Liên quan đến dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Bộ GTVT vừa cung cấp một số thông tin.

Được biết, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV đã thông qua chủ trương đầu tư dự án nêu trên.

Theo đó, dự án sẽ đầu tư 654 km đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông; tổng mức đầu tư 118.716 tỉ đồng (trong đó gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước; 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách).

Phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Đối với 3 dự án đầu tư công, Bộ GTVT cho biết sẽ hoàn thành phê duyệt thiết kế kĩ thuật, dự toán các gói thầu trong tháng 6/2019.

'Riêng cầu Mỹ Thuận 2 do tính chất đặc thù nên thời gian thiết kế kéo dài hơn, dự kiến hoàn thành phê duyệt tháng 11/2019", Bộ này thông tin.

Đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, dự kiến đến cuối tháng 9/2019 sẽ hoàn thành phê duyệt thiết kế kĩ thuật, dự toán toàn bộ 8 dự án thành phần.

"Đến nay, hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng toàn bộ 11 dự án thành phần đã hoàn thành. Chủ đầu tư đã tổ chức cắm cọc giải phóng mặt bằng tại hiện trường được khoảng 93% và bàn giao được khoảng 88% cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương", Bộ GTVT cho hay.

Đối với 3 dự án đầu tư công, Bộ GTVT cho biết theo quy định của Luật đấu thầu, sau khi phê duyệt thiết kế kĩ thuật, dự toán sẽ đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà thầu.

Đối với 2 dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và đoạn Cam Lộ - La Sơn, dự kiến sẽ khởi công những gói thầu đầu tiên khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8/2019 và khởi công toàn bộ các gói thầu trong tháng 10/2019. Riêng đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, sẽ khởi công khoảng tháng 01/2020.

Cũng theo Bộ GTVT, với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, theo qui định, việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP sẽ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế theo 2 giai đoạn sơ tuyển quốc tế và giai đoạn đấu thầu.

Được biết, ngày 30/4/2019, Bộ GTVT đã phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển toàn bộ 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP.

Đến ngày 15/5/2019, Bộ GTVT đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển của toàn bộ 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP. Nhà đầu tư có 60 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển. Dự kiến đóng thầu trong tháng 7/2019.

Untitled

Đáng chú ý, ngày 17/5/2019, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

"Theo quy định của pháp luật về đấu thầu, bước sơ tuyển sẽ lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư có điểm xếp hạng cao nhất vào vòng đấu thầu", Bộ GTVT thông tin.

Bộ GTVT cũng cho biết dự kiến sẽ phê duyệt hồ sơ mời thầu toàn bộ 8 dự án thành phần khoảng đầu tháng 10/2019.

Theo đó, nhà đầu tư có thời gian tối thiểu 90 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Thời điểm đóng thầu khoảng tháng 01/2020.

Bộ sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 3/2019. Đăng tải kết quả lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng khoảng tháng 4/2020.

"Như vậy, trường hợp quá trình lựa chọn nhà đầu tư không phát sinh các tình huống phải làm rõ, xử lí và sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành liên quan thì có thể khởi công các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP trong tháng 4/2020", Bộ GTVT cho biết thêm.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.