Chia sẻ đẫm nước mắt của bà mẹ có con từng nhiễm virus RSV khi gần 2 tháng tuổi

Chị Phạm Kim Oanh (Hưng Yên) có những chia sẻ đẫm nước mắt về khoảng thời gian con chị - bé Hạt Vừng nhiễm virus RSV khi cháu mới gần 2 tháng tuổi, nặng hơn 4 kg.
 

Con nhiễm virus RSV khi gần 2 tháng tuổi

Virus RSV - virus hợp bào hô hấp đang được ti vi, báo đài nói ầm ầm. Có thể đối với nhiều mẹ, đây là lần đầu nghe đến, còn tôi, nó đã xảy đến với Vừng cách đây 2 năm. Khi ấy con mới được gần 2 tháng tuổi. Em bé của tôi khi ấy mới được khoảng hơn 4 kg.

Đó là quãng thời gian lấy đi nhiều nước mắt của tôi.

Nó kinh khủng hơn khi bầu 16 tuần, tôi phát hiện con giãn não thất và dây rốn 1 động mạch.

Kinh khủng hơn khi bầu 19 tuần tôi chọc ối vì nghi ngờ bất thường nhiễm sắc thể.

Kinh khủng hơn khi bầu 20 tuần tôi nhập viện vì cơn co tử cung dồn dập và liên tiếp.

Kinh khủng hơn những ngày tháng nghén nôn đến ba mươi lần 1 ngày, chỉ ra mật vàng khè đắng ngắt.

Kinh khủng hơn những ngày chỉ nằm ngửa ăn cơm, nằm ngửa gội đầu, tắm gội tại giường.

Kinh khủng hơn cả những đêm cấp cứu nằm cáng, nằm xe đẩy xoành xoạch vào phòng khoa sản 1 của viện Phụ sản Trung ương

Và kinh khủng hơn rất rất nhiều điều khủng khiếp xảy ra trong suốt gần 9 tháng thai kì đẫm nước mắt.

chia se dam nuoc mat cua ba me co con tung nhiem virus rsv khi gan 2 thang tuoi
Con nhiễm virus RSV khi mới gần 2 tháng tuổi. Ảnh chụp khi Hạt Vừng được 5 tháng tuổi.

Đầu tháng 9/2016, vào thứ 5, tôi cho con đi khám bác sĩ để nghe tim phổi và chắc chắn rằng con ổn mới về quê. Về quê 2 ngày, con vẫn ho và có vẻ nặng hơn. Sáng ngày thứ 3, cả nhà làm cơm mời họ hàng đến ăn, , tôi ngồi ôm con trong buồng. Tôi lên mạng và tình cờ nói chuyện với một người bạn học cùng lớp 9. Bạn tôi có chia sẻ qua là trước đây con bạn ấy cũng hay ốm phải đi viện. Tôi bắt đầu cảm thấy không ổn, chốc chốc lại quay video đếm nhịp thở của con (để mang đến cho bác sỹ xem nếu cần).

Khoảng 11h trưa tôi bảo chồng “không ổn rồi, con thở rút lõm lồng ngực, vợ chồng mình lên Hà Nội ngay”. Lên Hà Nội, chúng tôi đưa con vào thẳng viện Nhi khám. Con vị viêm tiểu phế quản, bác sỹ cho điều trị ngoại trú.

Một ngày sau tôi thấy không ổn, con vẫn thở khó nhọc. Chồng tôi bảo “phải từ từ chứ, có phải thuốc tiên đâu mà khỏi ngay”. Nhưng tôi nghe con tim mình mách bảo, tôi quyết phải đưa con đi khám.

Chiều hôm đó tôi đến gặp bác sỹ Hanh, bác hỏi “con làm sao hả em?” Tôi bảo “chị ơi con em ho nhiều lắm”. Sau khi vạch áo con lên xem, bác sĩ nói: “Em phải thật bình tĩnh nhé. Ngay bây giờ em hãy đưa con đến bệnh viện gần nhất. Đừng chờ đợi ai và đừng quay về nhà lấy bất kì đồ đạc gì. Đi ngay đi!” Tôi chảy nước mắt bế con lao ra ngoài ngõ gọi taxi.

Trên xe con vẫn thoi thóp khó nhọc như thế. Tôi tự nhủ phải gọi con, nói chuyện với con, miễn là con mở mắt nhìn mình, không được nhắm mắt lại. Nhất định phải mở mắt ra nhìn mẹ, nghe mẹ. Xe đến bệnh viện, tôi bế con vào phòng cấp cứu, bác sỹ chỉ nói đúng 1 câu: “rút lõm, suy hô hấp rồi, chuẩn bị thở oxy”.

Tôi bàng hoàng sụp đổ! Con nhanh chóng nhập viện.

chia se dam nuoc mat cua ba me co con tung nhiem virus rsv khi gan 2 thang tuoi
Hai mẹ con đồng hành cùng nhau suốt những ngày con điều trị bệnh tại viện Nhi.

Quyết định cho con chuyển viện trong tích tắc

2 ngày sau tình trạng của con nặng hơn, con bắt đầu rơi vào trạng thái sốt li bì, hơn 11 tiếng không dậy. Tôi lo lắng đau xót đến chảy máu trong tim. Mỗi lần nói chuyện với bác sỹ nước mắt lại rơi lã chã.

Tôi gặp bác sỹ Hân, cố hít một hơi thật sâu để không khóc: “Chị ơi, 2 ngày nay tình trạng của con nặng hơn rồi, kết quả chụp X-quang cũng tệ hơn so với nhập viện rất nhiều. Chị cho em biết cụ thể hơn hướng điều trị của bệnh viện được không? (nói đến đây tôi phải nhấn mạnh: không phải bệnh viện hay bác sỹ không đủ chuyên môn, các mẹ đừng nghĩ sai. Vì bệnh tiến triển theo đúng giai đoạn của nó, chứ không phải bác sỹ làm nó nặng hơn).

Chị ấy bảo con bị đông đặc phổi, xẹp phổi nhưng mẹ yên tâm, các bác sỹ xử lý được. Ở đây các bác sỹ đã điều trị những ca nặng hơn thế. Tôi không thể yên tâm được. Nhiều người sinh con dễ như gà đẻ quả trứng, còn tôi đánh đổi, hy sinh bao nhiêu để có được nó, làm sao tôi có thể yên tâm được?

Tôi hỏi: “Em không quan tâm đến những ca nặng hơn, em muốn hỏi chính xác tình hình con em cơ”. Rồi lúc này không kìm được nữa, nước mắt tôi lại lã chã rơi. Chị nắm chặt tay tôi: “mẹ bình tĩnh, mẹ hãy tin ở các bác sỹ”.

Trong 1 tích tắc, tôi đưa ra quyết định mà không hỏi hay tham khảo ý kiến bất kì ai: “chị ơi, em muốn chuyển viện cho con, ngay trong hôm nay”. Chị nói được, bệnh viện sẽ hỗ trợ tối đa theo nguyện vọng của gia đình. 2 tiếng sau chị cùng 1 cô điều dưỡng cùng chúng tôi lên xe cấp cứu sang Bệnh viện Nhi. Con vẫn thở oxy và li bì như vậy suốt. Tôi nghe cô điều dưỡng già nói với bác sỹ Hân: “cô chuẩn bị bóng đủ cả rồi”. Bất giác tôi quay lại hỏi: “bóng là gì hả cô?” Cô ấy bảo là để trong trường hợp ngừng thở thì phải bóp bóng mẹ ạ. Mẹ yên tâm, cô và bác sỹ Hân sẽ đưa con sang Nhi an toàn, bác sỹ Hân đã liên hệ với bên Nhi rồi.

Tôi lại lần nữa rơi nước mắt. Lần đầu tiên tôi ngồi trên xe cấp cứu, hú còi inh hỏi, đầu tôi trống rỗng, chỉ bế con và nhủ lúc này đây mình phải là người tỉnh táo nhất, mạnh mẽ nhất. Có thế thôi.

Thức trắng 14 đêm chăm con

Con được chuyển vào khu cấp cứu tầng 1 của toà nhà 9 tầng, đêm hôm đó bác sỹ Trâm trực cấp cứu. Phòng để nhiệt độ 26 độ lạnh ngắt với chừng 50 chiếc cũi trẻ em trong độ tuổi từ sơ sinh đến hơn 2 tuổi nằm cấp cứu. Chốc chốc lại có 1 ca mới vào.

Chồng tôi và hành lý ở bên ngoài, chỉ được 1 người nhà chăm sóc con. Sáng hôm sau chúng tôi được chuyển lên khu điều trị tích cực, khoa hồi sức cấp cứu. Tại đây con được bác sỹ Tạ Anh Tuấn - trưởng khoa trực tiếp điều trị cho.

Sinh mổ con mới được 1 tháng 3 tuần, đã bao đêm nước mắt rơi, bao lo lắng cho con, tôi gầy rộc đi, xanh xao, ngực và cổ tôi mạch máu nổi chẳng chịt như 1 cái cây khổng lồ, nay lại thâu đêm 14 ngày đêm túc trực canh máy thở oxy cho con, chăm sóc con, vắt sữa, chạy chỗ nọ làm thủ tục, chạy chỗ kia mua bán này nọ.

Những ngày tháng ở viện Sản, tôi thấy bao gia đình hiếm muộn, khó khăn, bao mảnh đời cơ cực cũng chỉ để có 1 mụn con. Ở viện nhi, tôi chứng kiến bao em bé đã phải liên cường chiến đấu với bệnh tật, bao gia đình sạt nghiệp, bán hết nhà cửa đất đai trâu ruộng ở quê cho con cháu nằm viện suốt 3 năm liền.

Lo lắng quá nhiều, mệt mỏi và kiệt sức cả tinh thần lẫn thể chất, tôi bất lực khi cả ngày không vắt nổi 50ml sữa cho con. Gạt nước mắt, tôi lại cố gắng ăn uống và suy nghĩ tích cực để có sữa cho con. May mắn thay con không phải ăn sữa ngoài. Tôi nhanh chóng gọi sữa về được.

Suốt ngày đêm thức canh con, chồng tôi bảo tôi nghỉ đi anh trông cho, nhưng có hôm anh ấy ngủ quên. Bất giác thế nào 2 giờ sáng tôi dậy thấy thế nên không dám giao cho anh thức trông con nữa. Tôi không yên tâm.

chia se dam nuoc mat cua ba me co con tung nhiem virus rsv khi gan 2 thang tuoi
"Hạt Vừng kiên cường" giờ đã hơn 2 tuổi.
chia se dam nuoc mat cua ba me co con tung nhiem virus rsv khi gan 2 thang tuoi
Và rất lanh lợi, kháu khỉnh.

“Hạt Vừng” kiên cường

May là phòng nào có bé thở oxy thì sẽ được 2 người thân chăm sóc. Chồng tôi nghỉ 2 ngày đầu, ngày thứ 3 tôi bắt đầu bảo “vợ có thể tự lo được, chồng đi làm đi vì công việc ngập đầu, ban ngày anh đi làm, tối mang máy tính vào làm tiếp”. Còn tôi túc trực bên con 24/24. Nhờ bà lên một hôm nhưng ở Nhi chật chội đông đúc, bà có tuổi rồi nằm đất không ổn, tôi bảo con tự xoay sở được.

Thiên thần của tôi chắc lúc này chỉ còn chưa đầy 4kg thịt thôi vì truyền bao nhiêu kháng sinh vào người rồi, đôi bàn tay bàn chân bé xíu mỗi lần lấy máu cô điều dưỡng phải nặn bóp từng giọt máu mới ra, mãi chưa được 1 ống máu.

Nằm viện lâu như thế, cứ đôi ngày thay 1 cái ven, chưa kể có cái lấy hỏng, toàn tay chân con chi chít thương tích, chẳng còn chỗ nào mà lấy ven nữa. Mỗi lần đưa con lấy ven, tôi lại run rẩy, khóc lóc. Cho đến khi cô điều dưỡng bảo “mẹ đi ra đi không chúng em không làm việc được đâu. Tôi lầm lũi quay đi, đứng từ xa nghe con giãy giụa gào khóc thảm thiết, tôi cắn môi mình rớm máu rung lên bần bật, nức nở. Chồng tôi chứng kiến cảnh ấy cũng không khỏi xót xa, anh nắm vai tôi: “sẽ ổn thôi, không sao đâu, con mình dũng cảm mà!”

Mới điều trị được vài ngày, có lẽ con còn quá bé để sử dụng nhiều kháng sinh như vậy nên hệ đường ruột bị ảnh hưởng, con bắt đầu đi ngoài. Phân chỉ là nước bọt như bọt xà phòng. Ngày 7,8 lần, có ngày 10 lần. Bác sỹ có cho sử dụng nước vôi nhì và men, thuốc nhưng không hết được vì ngày nào cũng còn truyền bao nhiêu kháng sinh vào người như thế kia mà.

Con bị hăm chảy máu từng mảng ở hậu môn, đau đớn và quấy khóc thực sự. Còn những ngày con ốm trước đó con rất ngoan. Tôi cũng dùng đủ các thể loại trị hăm cả dân gian lẫn thuốc nhập ngoại nhưng không ăn thua. Rồi 1 hôm chồng tôi bảo vừa đi ăn trưa nghe mấy mẹ mách nhau dùng mọi thứ không khỏi cho đến khi dùng cái tetracylin- thuốc mắt mỡ người lớn. Tôi thử xem sao, tất nhiên tôi biết nó chứa corticoid, nên tôi chỉ bôi ngày 2 lần lớp thật mỏng và bôi trong 5,6 ngày. Trộm vía vết chảy máu từng mảng kia đã liền lại và đóng vảy.

Viết đến đây tịt cả mũi vì nãy giờ khóc quá nhiều rồi. Mọi cảm xúc ùa về như mới ngày hôm qua. Tôi còn nhớ chi tiết cả gương mặt cô điều dưỡng, bác sỹ và người nhà của một số em bé mà chúng tôi gặp nhau trong giờ ăn trưa của người nhà, nhớ cả khuôn mặt con, thân hình bé xíu, khắp người đầy dây, dây đo SP02 ở chân, dây gọng oxy trên mặt, dây truyền ở tay. Mỗi lần bế con đám dây rợ ấy lại rối tung cả lên. Mỗi lần ru con ngủ phải đứng sát thật sát cái đầu giường để không bị vướng dây nào vào nhau. Mỗi lần con nôn trớ (con rất hay nôn), việc thay quần áo rất khó khăn vì phải gọi các cô vào tháo truyền, tháo dây đo SP02 (nồng độ oxy).

Hạt Vừng của tôi giờ đã hơn 2 tuổi, tôi cảm ơn con vì đã cho tôi cơ hội được làm mẹ, hơn thế nữa lại được làm một bà mẹ dũng cảm, được đồng hành cùng con trong suốt những ngày nằm điều trị tại viện Nhi do con nhiễm virus RSV. Cảm ơn con Hạt Vừng, Hạt Vừng của mẹ thật kiên cường!

Triệu chứng nhiễm virus RSV của con chị Oanh

- Ho húng hắng vài ngày một lần, mỗi lần chỉ 3-4 tiếng ho, kéo dài trong 5 ngày, trong thời gian đó con vẫn chơi, ăn, ngủ bình thường.

- Kèm theo chảy nước mũi.

- Bệnh nặng hơn khi con bị sốt, nhưng sốt không cao, chỉ khoảng 39 độ.

- Sau đó con li bì, không thở được nên không bú mẹ được. Dù có những lúc đói lắm lao vào “tợp” nhưng không bú được.

Hành trình cùng con điều trị bệnh

- Khi thấy con li bì và không bú mẹ được, thở gấp, chị Oanh cho con vào một bệnh viện tư. Tại đây, sau 2 ngày thấy con vẫn ho nặng, chị Oanh xin chuyển viện cho con vào viện Nhi Hà Nội.

- Con được vào cấp cứu ngay, sau 1 ngày được chuyển về khoa điều trị tích cực.

- Con được thở oxy gọng suốt 14 ngày. Trong khi đó chị Oanh tích cực hút sữa để gửi vào cho con ăn.

- Sau 14 ngày, mất thêm 2 ngày cai oxy cho con. Do con đã quen có oxy vào thẳng mũi và đi vào phổi con, nếu rút oxy ra ngay lập tức, con sẽ không tự thở được. Tập cai rất vất vả. Ban đầu không rút hẳn mà để hờ hờ xa xa. Sau đó để thử lên trán, không để gần mũi con nữa thì thấy SP02 giảm dần. Nếu giảm ở mức nguy hiểm thì lại phải cho con thở tiếp. Cứ làm thế nhiều lần trong ngày cho đến khi con tự thở được bình thường.

- Sau khi ra viện, con được kê đơn thuốc kháng sinh.

XEM THÊM

chia se dam nuoc mat cua ba me co con tung nhiem virus rsv khi gan 2 thang tuoi Virus RSV là gì mà khiến cộng đồng mẹ bỉm sữa lo lắng đến mức cập nhật từng giây?

Trước thông tin nhiều trẻ nhiễm loại virus RSV có triệu chứng gần giống cảm cúm thông thường đang khiến cộng đồng mẹ bỉm sữa ...

chia se dam nuoc mat cua ba me co con tung nhiem virus rsv khi gan 2 thang tuoi Trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp tăng đột biến

Số lượng các bệnh nhi nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi mắc viêm phổi nặng do nhiễm virus RSV ...

chia se dam nuoc mat cua ba me co con tung nhiem virus rsv khi gan 2 thang tuoi Hàng loạt trẻ ngỡ cảm cúm, bất ngờ phải nhập viện thở máy

Hàng loạt trẻ có dấu hiệu ban đầu là sổ mũi, ho khò khè nhưng khi nhập viện phát hiện nhiễm loại virus chưa có ...

chọn
Chạy đua tuyển môi giới địa ốc
Thị trường bất động sản đang ghi nhận sự trở lại của lượng lớn nhân sự trong ngành môi giới.