Chiến lược của Bắc Giang để hút 'đại bàng' về làm tổ

"Ít đất, ít lao động, ít ô nhiễm môi trường; suất đầu tư cao, công nghệ cao, nộp ngân sách cao” là phương châm mà Bắc Giang thực hiện nhằm đón "đại bàng" về làm tổ.
Bắc Giang 'ba ít, ba cao' trong thu hút FDI - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Deyang Hà Nội (CCN Đồng Đình, Tân Yên). (Ảnh: Việt Hưng/Báo Bắc Giang).

Cực tăng trưởng khu vực Đông Bắc

Năm 2020, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Bắc Giang ước đạt 13,02%. Đây là tỉnh có kết quả tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước năm vừa qua.

Cả tỉnh Bắc Giang tấp nập đại công trường, lớp lớp nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất mọc lên, bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng.

Dù chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, song tổng vốn thu hút đầu tư của Bắc Giang vẫn đạt được những kết quả tích cực.

Giai đoạn 2016 - 2020, Bắc Giang đã thu hút đầu tư gần 6 tỷ USD, gấp 2,1 lần giai đoạn trước đó. Riêng năm 2020, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỉnh vẫn thu hút hơn 1,25 tỷ USD. Như vậy đến nay, tỉnh có hơn 1.770 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 10,1 tỷ USD và hằng năm liên tục lọt trong nhóm 10 tỉnh có thu hút đầu tư lớn nhất nước.

Tính theo dự án đầu tư, năm 2020, Bắc Giang thu hút được 116 dự án, trong đó 87 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký đạt 8.374 tỷ đồng và 29 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 334,2 triệu USD. 

Một số dự án đáng chú ý như: Dự án Sân golf Việt Yên của Công ty Cổ phần Đầu tư Golf Trường An; Dự án nhà máy Shunsin Việt Nam sản xuất linh kiện điện tử; Dự án nhà máy sản xuất hợp kim Powerway Việt Nam...

Trong năm 2020, Bắc Giang cũng thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 17 dự án trong nước với tổng vốn tăng thêm là 415 tỷ đồng.

Năm 2020, trong điều kiện nhiều khó khăn, tỉnh này tập trung bố trí nguồn vốn lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp (CCN) và hỗ trợ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm như của Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC, Công ty TNHH Hòa Phú Invest, Công ty VinaSolar, Công ty TNHH Luxshare…

"Ba ít, ba cao" trong thu hút FDI

Trong một bài đăng trên báo Bắc Giang gần đây, ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này cho biết, bên cạnh những thành tích về thu hút đầu tư, "chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận còn những mặt chưa như mong muốn". 

Đơn cử như chất lượng các dự án đầu tư dần được cải thiện nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, hàm lượng công nghệ chưa cao (các dây chuyền sản xuất nhập khẩu từ các nước phát triển như G7 chỉ chiếm 15%), giá trị gia tăng thấp, chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp. 

Hay thiếu những “đại bàng” là dự án lớn có sức lan tỏa, làm thay đổi hẳn cục diện phát triển của tỉnh (thực tế có gần 50% dự án FDI quy mô vốn dưới 2 triệu USD). Một số dự án thâm dụng lao động, các doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách chưa tương xứng với quy mô đầu tư. Năm 2019, giá trị nộp ngân sách nhà nước từ các dự án trên địa bàn chỉ đạt hơn 2,24 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,6% tổng thu ngân sách của tỉnh.

Bắc Giang 'ba ít, ba cao' trong thu hút FDI - Ảnh 2.

Khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang. (Ảnh: www.fugiang.com).

Sang năm 2021, Việt Nam đứng trước lợi thế bởi làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc sang nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có nước ta, cùng các hiệp định thương mại vừa được ký kết, hoặc tiếp tục có hiệu lực. 

Để chớp cơ hội và đón "đại bàng" về làm tổ, ông Cường cho biết Bắc Giang đang tập trung vào một số giải pháp và sáng kiến. Đáng chú ý là việc đẩy mạnh thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp; trước mắt quy hoạch và bố trí quỹ đất khoảng 10.000 ha cho phát triển công nghiệp, tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh này cũng xây dựng bộ tiêu chí mới về thu hút đầu tư bằng định lượng cụ thể theo hướng: “Ba ít, ba cao”. Cụ thể là “ít đất, ít lao động, ít ô nhiễm môi trường; suất đầu tư cao, công nghệ cao, nộp ngân sách cao”.

Đồng thời, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để tìm được nhà đầu tư có năng lực, nâng cao minh bạch và hiệu quả trong sử dụng đất. 

Với quan điểm không thu hút đầu tư bằng mọi giá, một lãnh đạo của Bắc Giang từng phát biểu: "Doanh nghiệp phát tài, địa phương phát triển, không thể để tình trạng nhà đầu tư thu lợi thông qua chuyển giá, trong khi đóng góp rất ít cho địa phương, làm kìm hãm sự phát triển của tỉnh”.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.