Tối 22/2 giải quán quân của chương trình Thách thức danh hài trao cho "hot boy trà sữa" Tấn Lợi đã vấp phải phản ứng gay gắt từ cộng đồng mạng. Với 3 phần thi không quá đặc sắc, chọc cười bằng ngôn từ có phần tục tĩu, thí sinh quê Cà Mau lại giành giải thưởng 150 triệu đồng.
Trên sóng truyền hình, Tấn Lợi gọi vợ là "nó", "mập đ..". Điều này khiến nhiều người đặt dấu hỏi rằng hài bây giờ phải có câu nói tục mới vui? Thực tế, các chương trình hài, game show thời gian qua cũng thường xuyên bị khán giả phản ứng khi diễn viên chửi thề, nói tục.
Đằng sau chuyện giám khảo 'dễ cười' để thí sinh giành 150 triệu vô lý
Chương trình “Thách thức danh hài” mùa 3 khép lại gây nhiều bức xúc cho khán giả khi người chiến thắng giải thưởng 150 triệu ... |
'Chọc cười bằng câu nói tục là phản thẩm mỹ'
NSƯT Công Ninh cảm thấy bất ngờ khi "hot boy trà sữa" chiến thắng trong Thách thức danh hài. Theo anh, những từ mà Tấn Lợi dùng không hẳn là tục tĩu nhưng không đẹp, không có tính thẩm mỹ. Cách gọi vợ là "nó", "mập đ..." khiến khán giả đánh giá thí sinh không tôn trọng vợ.
NSƯT Công Ninh phản đối cách gây cười bằng câu nói tục. Ảnh: NVCC.
Anh đánh giá cách diễn hài của hot boy trà sữa là hậu quả của việc ảnh hưởng từ dàn diễn viên hài. "Nhiều diễn viên hài thích đưa các câu nói tục vào tiểu phẩm như một cách gây cười. Những thí sinh không chuyên tưởng đó là cách hay nên học theo", anh nhận định.
Đạo diễn Công Ninh cho rằng không nên chọc cười bằng những câu nói tục. Đây là cách gây cười phản thẩm mỹ, không thể chấp nhận được.
Trao đổi với nghệ sĩ hài Trung Dân về vấn đề này, anh cho biết đây là điều khó tránh khỏi khi diễn viên cao hứng trong lúc tập.
Anh giải thích khi quay các chương trình game show, nhà sản xuất hầu như không có kịch bản chi tiết mà chỉ có ý chính. Diễn viên tham gia không chỉ đảm nhận vai trò diễn xuất mà còn có nhiệm vụ xây dựng và bồi đắp các chi tiết cụ thể mới thành một tiết mục hoàn chỉnh.
Game show là hài tình huống, không có kịch bản trước nên khi diễn, nghệ sĩ sẽ không tránh khỏi sai sót. "Tôi mà tham gia nhiều chương trình như các bạn trẻ, có lẽ tôi sẽ không tránh khỏi trường hợp đó", nghệ sĩ hài nói.
Nghệ sĩ Trung Dân cho rằng nói tục trong game show một phần do nhà sản xuất. Ảnh: NVCC.
Tuy nhiên, Trung Dân cho rằng không thể vì có câu nói tục trong các chương trình mà đổi lỗi hoàn toàn cho diễn viên.
"Trước khi có bản hoàn chỉnh phát sóng gửi đến khán giả thì nhà sản xuất phải biên tập, dàn dựng kỹ càng. Tại sao những câu nói tục của diễn viên vẫn được đưa lên sóng. Hơn ai hết các nhà sản xuất phải hiểu điều đó chứ?, Trung Dân thắc mắc.
Theo nghệ sĩ hài kỳ cựu, những vấn đề bất cập trong game show hiện nay chính là tiếng chuông cảnh tỉnh với các nhà quản lý văn hóa. "Nếu nhà đài muốn đem tới những món ăn tinh thần bổ ích cho khán giả thì cần kỹ càng hơn ở khâu kiểm duyệt. Kiểm duyệt cũng nên đồng bộ và thống nhất".
'Ngẫu hứng nhưng cần phải có kiểm soát'
Chia sẻ với Zing.vn, nghệ sĩ hài Trà My cho biết đã là hài kịch thì đôi khi phải có sự dân dã để gần gũi với khán giả. Nhưng dân dã cũng cần đúng nơi đúng chỗ, không phải nơi nào cũng có thể nói bữa bãi theo kiểu ngẫu hứng, “thích quăng từ gì thì quăng”.
“Trong những phút cao hứng trên sân khấu, nghệ sĩ hài thường thêm một vài câu hoặc từ vào cho hài hước, kiểu thăm mắm, thêm muối. Nhưng không phải từ nào cũng nói được” - Trà My nói.
Diễn viên hài Trà My cho rằng nghệ sĩ phải cẩn trọng từng lời nói. Ảnh: NVCC.
Là người thường xuyên xuất hiện trên sóng truyền hình, nữ nghệ sĩ hài cũng công nhận trên truyền hình hoặc trong các cuộc thi, nghệ sĩ và thí sinh lại càng cần phải cẩn trọng về ngôn ngữ. “Khán giả truyền hình là cả nước, do vậy sự cẩn trọng sẽ tốt hơn vì đôi khi vùng miền này chấp nhận được từ này vì coi nó không bậy nhưng người miền khác lại không chấp nhận được. Người diễn rất lưu ý điều này” - Trà My nói thêm.