Tại Talkshow với chủ đề “Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán” của Báo đầu tư, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của CTCP Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC) chia sẻ:
“Chúng tôi đã chuẩn bị các quỹ đất sẵn sàng hoạt động trong 10 năm. Hiện nay, chúng tôi kinh doanh theo hướng lấy theo giá thành từ 10 năm trước và đền bù giải tỏa, xây dựng cơ sở hạ tầng vì đó nên chúng tôi có thể cho thuê với giá thấp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp điện tử công nghệ cao”.
Về công tác chuyển đổi đất đai của công ty trong thời gian vừa qua, ông Tâm cho biết, trong năm nay, công ty đã được sự hỗ trợ của các tỉnh thành và chính quyền trong việc chuyển đổi đất đai.
Ông Tâm nói: “Trong cái khó của thị trường thì vẫn có cái lợi vì, trước kia, chúng tôi đền bù giải tỏa rất khó khăn vì giá đất cao, song, hiện tại vì tình hình chung thì đền bù giải tỏa lại nhanh hơn và được sự hỗ trợ rất lớn của các cấp chính quyền”.
Do đó, Kinh Bắc có thể bàn giao cho nhà đầu tư và các nhà đầu tư lớn thuê với diện tích từ 50 - 100 ha, nhờ vậy, từ đầu năm Kinh Bắc đã ghi nhận dòng tiền thu về lớn.
“Trong quý I, chúng tôi cơ bản hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận, quý II cho tới nay cơ bản cũng hoàn thành. Chúng tôi cũng tự tin trái phiếu sẽ trả được 3.900 tỷ đồng và nếu thị trường thuận lợi, Kinh Bắc có thể phát hành lại”, ông Tâm nói.
Tại thời điểm cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu của Kinh Bắc là 3.900 tỷ đồng. Trong quý I/2023, công ty đã chi tổng cộng 2.000 tỷ đồng để mua lại trước hạn hai lô trái phiếu và trả nợ đúng hạn lô một trái phiếu khác trị giá 400 tỷ đồng (đáo hạn vào ngày 22/2), còn một lô trái phiếu giá trị 1.500 tỷ đồng.
Đến giữa tháng 4, Kinh Bắc đã công bố kế hoạch mua lại 50% trong tổng 1.500 tỷ đồng trái phiếu trên (tương đương 750 tỷ đồng). Song, theo báo cáo tại ngày 29/5, Kinh Bắc đã mua lại 342,7 tỷ đồng trái phiếu, tương đương thực hiện được 46% kế hoạch.
Do đó, hiện, dư nợ trái phiếu của Kinh Bắc là 1.159 tỷ đồng.
Tại buổi talkshow, chia sẻ thêm về tình hình kinh tế hiện nay, theo ông Tâm, mặc dù tổng chung thị trường xuất khẩu đi xuống do ảnh hưởng của suy thoái, nhưng Việt Nam vẫn may mắn khi khoản đầu tư nước ngoài của Việt Nam chỉ giảm 5 - 8%, không giảm nhiều so với các khoản khác.
Chính vì đầu tư nước ngoài dồn vào Việt Nam rất nhiều nên cũng giữ được nhịp độ và tốc độ tăng về xuất khẩu của Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng và đóng góp vào phát triển GDP.
Chủ tịch Kinh Bắc đánh giá, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam rất tốt. Tuy vậy, doanh nghiệp cần phải tính tới việc việc đối mặt với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu trong năm sau như thế nào.
“Chúng tôi cũng phải tính toán các ưu đãi ra sao. Chính vì vậy, trước kia chúng tôi không tham gia vào xây dựng nhà ở nhiều, nhưng giờ chúng tôi bắt buộc phải tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân để cung cấp cho công nhân.
Hiện nay, chúng tôi làm rất tốt. Đơn cử việc Apple đã xây dựng nhà máy vệ tinh ở Bắc Giang, Apple đưa ra mong muốn phải đảm bảo chỗ ở cho công nhân thì họ mới cho sản xuất, nếu chưa có nhà ở công nhân ngay thì cần ký kết 1 năm; 1,5 năm là phải có, vì vậy, chúng tôi có thể cam kết với họ” ông Tâm nói.
Ông Tâm chia sẻ thêm, Việt Nam cũng được cho là năng động hơn một số nước láng giềng. Nhớ lại thời kỳ Covid-19 có nước đóng cửa 3 tháng, nước đóng cửa 6 tháng, nhưng Việt Nam vẫn tạo cơ chế 3 tại chỗ để hỗ trợ cho sản xuất.