Kinh Bắc đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế kỷ lục với 4.000 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ

Mục tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm nay của Kinh Bắc là 9.000 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng, đều cao gấp 2,5 lần cùng kỳ. Nếu đạt được, đây sẽ là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp kể từ khi lên niêm yết sàn HOSE vào năm 2009 đến nay.

Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC) vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với tổng doanh thu hợp nhất dự kiến là 9.000 tỷ đồng và tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế dự kiến là 4.000 tỷ đồng.

Các giá trị này tương đương giữ nguyên so với kế hoạch năm 2023 mà các cổ đông Kinh Bắc đã thông qua tại Đại hội đồng cổ đông bất thường vào cuối năm 2022 của doanh nghiệp. Nếu đạt được, đây sẽ là mức doanh thu và lợi nhuận sau thuế cao nhất của doanh nghiệp kể từ khi lên niêm yết sàn HOSE vào năm 2009 đến nay. 

So sánh với kết quả tổng doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt được năm 2022 là 3.498 tỷ đồng và 1.576,5 tỷ đồng, như vậy, năm nay, Kinh Bắc đặt các chỉ tiêu đều cao gấp 2,5 lần cùng kỳ. 

Kết thúc quý I/2023, doanh thu kinh doanh khu công nghiệp của Kinh Bắc tăng mạnh với biên lợi nhuận gộp trên 70%, qua đó kéo lợi nhuận sau thuế đạt 1.056 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cũng tương đương thực hiện 26,4% kế hoạch lợi nhuận mà HĐQT công ty vừa thông qua. 

 

Về kế hoạch đầu tư kinh doanh tại các dự án khu công nghiệp (KCN) của Kinh Bắc, công ty đặt mục tiêu tiếp tục đền bù, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để bàn giao cho nhà đầu tư đã ký MOU tại KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh (108,3 ha); hoàn thiện đền bù và cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư tại KCN Quang Châu mở rộng (38,1 ha còn lại) và KCN Tân Phú Trung (33,2 ha).

Riêng đối với KCN Quang Châu mở rộng, công ty sẽ đặt mục tiêu đạt tỷ lệ lấp đầy 100%. Dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư vào tháng 11/2022 và đến đầu năm nay, Bắc Giang đã phê duyệt đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp cho hai dự án FDI tại KCN này. Theo VNDirect, diện tích cho thuê của hai dự án này là 60 ha, với giá 140 USD/m2/kỳ thuê. 

Đối với KCN Tràng Duệ 3, công ty sẽ hoàn thiện thủ tục phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án, dự kiến vào quý III năm nay. Bên cạnh đó, công ty sẽ chuẩn bị nguồn lực tài chính để đền bù sau khi dự án được phê duyệt. 

Về kế hoạch cho mảng bất động sản nhà ở, Kinh Bắc cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện 28 căn biệt thự và bàn giao 83 căn biệt thự cuối cùng (tương đương 1,27 ha) tại Khu đô thị Tràng Duệ trong năm nay. 

Công ty cũng sẽ hoàn thiện thủ tục pháp lý để bàn giao sản phẩm tại Khu đô thị Phúc Ninh cho các nhà đầu tư đã đặt chỗ, thực hiện ghi nhận doanh thu trong năm nay. Mặt khác, tiếp tục đền bù, triển khai đầu tư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án này.  

Tại Khu đô thị Tràng Cát, công ty sẽ triển khai san lấp mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa vào kinh doanh hoặc hợp tác kinh doanh. 

Còn đối với các dự án nhà ở xã hội và khu tái định cư, Kinh Bắc cho biết sẽ triển khai phương án đầu tư xây dựng và thu xếp vốn cho các dự án nhà ở xã hội trong Khu đô thị Tràng Duệ là 3,13 ha; Khu dân cư Tân Phú Trung; các khu tái định cư ở Long An.

Ngoài ra, công ty cũng quản lý và phát triển dự án nhà ở xã hội thị trấn Nếnh (Bắc Giang) do công ty con - CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng là đối tác liên danh của dự án. 

Đối với dự án Nhà máy điện tử Quảng Yên, Nhà máy Phụ tùng động cơ máy nông nghiệp tại Quảng Ninh với tổng quy mô hơn 60,7 ha, Kinh Bắc đang tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng và san lấp. Theo Kinh Bắc, đây được kỳ vọng là chiến lược kinh doanh mới của công ty, dựa trên nền tảng phát triển khu công nghiệp. 

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.