Lợi nhuận Kinh Bắc tăng 102% trong quý I, dòng tiền vẫn dương sau khi chi hàng nghìn tỷ trả nợ

Quý I, doanh thu kinh doanh KCN của Kinh Bắc tăng mạnh với biên lợi nhuận gộp trên 70%, qua đó kéo lợi nhuận sau thuế đạt 1.056 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu KCN tăng mạnh với biên lợi nhuận gộp đạt hơn 70%

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với doanh thu thuần 2.223 tỷ đồng, tăng 221% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp trong quý đạt 70%, tăng so với con số 40% cùng kỳ. 

 

 Nguồn: BCTC. 

 

Chiếm tỷ trọng cao nhất là doanh thu cho thuê đất và cơ sở hạ tầng (kinh doanh khu công nghiệp) 2.078 tỷ đồng, tăng 555% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp 71%. 

Doanh thu và biên lợi nhuận gộp từ các mảng khác là cung cấp nước sạch, điện, phí dịch vụ, xử lý nước thải và cho thuê kho, nhà xưởng và văn phòng đều tăng so với cùng kỳ.

Ngược lại, doanh thu chuyển nhượng bất động sản giảm gần 93% còn gần 21 tỷ đồng, là mảng chiếm tỷ trọng nhỏ nhất trong cơ cấu doanh thu thuần trong quý của Kinh Bắc, trong khi tại cùng kỳ quý I/2022, đây là mảng chiếm tỷ trọng cao thứ hai sau mảng kinh doanh chính. 

Song, biên lợi nhuận gộp mảng chuyển nhượng bất động sản này đạt 34%, tăng so với con số 28% cùng kỳ. 

Trong quý, công ty cũng có 155 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 122% nhờ có thêm khoản lãi chuyển nhượng công ty con.  

Sau khi trừ giá vốn, chi phí và các khoản lỗ trong công ty liên doanh, liên kết và lỗ khác, Kinh Bắc báo lãi sau thuế 1.056 tỷ đồng, tăng 102% so với quý I/2022. 

Năm nay, công ty đặt kế hoạch lãi sau thuế hợp nhất 4.000 tỷ đồng. Như vậy, sau quý đầu năm, công ty đã thực hiện 26,4% chỉ tiêu đề ra. 

 KQKD hợp nhất quý I/2023 của Kinh Bắc. (Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC). 

Dòng tiền thuần dương sau khi đã chi hàng nghìn tỷ trả nợ 

Bên cạnh lợi nhuận, trong quý, Kinh Bắc cũng có khoản thu từ thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác 1.091 tỷ đồng, khoản thu do tăng 1.167 tỷ đồng các khoản phải trả cho hoạt động kinh doanh và thu gần 343 tỷ đồng từ đi vay.

Do đó, dòng tiền thuần trong quý I vẫn dương gần 604 tỷ đồng sau khi công ty chi hàng nghìn tỷ để tăng các khoản phải thu và trả nợ gốc vay.

Tiền và các khoản tương đương tiền tại thời điểm cuối quý I theo đó cũng tăng 36% so với đầu năm, đạt 2.287 tỷ đồng, phần lớn là tiền gửi ngân hàng. Công ty cũng có hơn 2.264 tỷ đồng khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, phần lớn là đầu tư vào Công ty TNHH MTV Khách sạn Hoa Sen.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, khoản chi lớn nhất trong quý là hơn 1.635 tỷ đồng để trả nợ gốc vay. Tại thời điểm cuối quý I, tổng dư nợ tài chính của Kinh Bắc ở mức 6.384 tỷ đồng, giảm 16,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ tài chính/vốn chủ sở hữu cũng giảm từ gần 0,43 còn gần 0,34. 

Đầu tháng 4, công ty đã tất toán một lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng. Hiện dư nợ trái phiếu của Kinh Bắc còn 1.500 tỷ đồng, trong đó, công ty đã có kế hoạch mua lại 750 tỷ đồng. 

Bắt đầu ghi nhận tồn kho tại dự án KCN mới tại Long An

Khoản tăng mạnh nhất trong tổng tài sản tại cuối quý I của Kinh Bắc là giá trị bất động sản đầu tư, từ mức gần 168 tỷ đồng lên hơn 1.047 tỷ đồng. 

Ngược chiều, khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản là hàng tồn kho ghi nhận giá trị giảm nhẹ so với đầu năm, đạt 12.287 tỷ đồng, đều là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án bất động sản, giảm nhiều nhất tại dự án Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu và KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh. 

 Nguồn: BCTC. 

Các dự án đang ghi nhận tồn kho lớn nhất của Kinh Bắc gồm KCN và đô thị Tràng Cát (7.913 tỷ đồng), KCN Tân Phú Trung (1.174 tỷ đồng), Khu đô thị Phúc Ninh (1.113 tỷ đồng). 

Trong quý, công ty cũng ghi nhận mới tồn kho tại KCN Lộc Giang tại Long An với giá trị gần 103 tỷ đồng. Đây là dự án có quy mô 446 ha, vốn đầu tư gần 5.200 tỷ đồng,  vừa được tỉnh Long An trao quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2022 vừa qua. 

Tại thời điểm cuối quý I, Kinh Bắc cũng có gần 509 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án như KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh, Khu ngoại giao đoàn Hà Nội, Nhà máy nước thải giai đoạn 3 thuộc KCN Quang Châu,... 

Giá trị này đã giảm 56,5% so với đầu năm, chủ yếu do công ty không còn ghi nhận chi phí dở dang tại dự án Viễn Đông Meridian Towers tại Đà Nẵng, sau khi bán toàn bộ phần vốn góp tại chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh Bắc - Đà Nẵng (KB - ĐN) vào cuối tháng 3 vừa qua, và ghi nhận lãi chuyển nhượng vào doanh thu tài chính như đã đề cập. 

Ở diễn biến khác, tại cuối quý I, Kinh Bắc có 1.104 tỷ đồng khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn, tăng 26% so với đầu năm. Chiếm phần lớn là khoản trả trước tiền thuê đất có cơ sở hạ tầng tại các KCN và khách hàng đặt cọc mua nhà và quyền sử dụng đất các khu đô thị Phúc Ninh, Tràng Duệ, Quang Châu và dự án Nếnh.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.